UBND tỉnh Thanh Hóa vừa chấp thuận chủ trương đầu tư khu công nghiệp Thăng Long Thanh Hóa, giai đoạn 1, đồng thời chấp thuận Tập đoàn Sumitomo (Nhật Bản) làm chủ đầu tư dự án.
Dự án khu công nghiệp Thăng Long Thanh Hóa, giai đoạn 1 có tổng diện tích khoảng 167ha. Tổng vốn đầu tư 2.917,6 tỷ đồng, tương đương 115,8 triệu USD, trong đó vốn góp nhà đầu tư chiếm 15% (gần 438 tỷ đồng). Dự án thuộc địa bàn các xã Đông Yên, Đông Văn, thành phố Thanh Hóa và Đồng Tiến, Đồng Thắng, huyện Triệu Sơn.
Mục tiêu dự án nhằm đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp hỗ trợ chuyên sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ. Dự án hoạt động 50 năm, tiến độ triển khai đến tháng 12/2027. Sau khi hoàn thành, dự án sẽ thu hút 50-250 nhà đầu tư thứ cấp thuê đất và xây dựng nhà xưởng, giải quyết việc làm cho khoảng 13.000 - 40.000 lao động.
UBND tỉnh Thanh Hoá yêu cầu nhà đầu tư có trách nhiệm thành lập tổ chức kinh tế thực hiện dự án, đảm bảo góp đủ vốn và đúng thời hạn theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp và các nội dung đã cam kết, tuân thủ quy định của pháp luật về đất đai, pháp luật về kinh doanh bất động sản và quy định khác có liên quan; thực hiện đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng theo quy hoạch xây dựng khu công nghiệp phía Tây thành phố Thanh Hóa đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Sumitomo phải thực hiện ký quỹ hoặc phải có bảo lãnh ngân hàng về nghĩa vụ ký quỹ để bảo đảm thực hiện dự án đầu tư theo đúng quy định của pháp luật.
Trong quá trình triển khai, tập đoàn cần phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương và các cơ quan liên quan trong công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và đầu tư xây dựng nhà ở và các công trình dịch vụ, tiện ích công cộng cho người lao động làm việc trong khu công nghiệp.
Theo tìm hiểu, Tập đoàn Sumitomo là tập đoàn đa ngành đến từ Nhật Bản, được thành lập vào năm 1919, hiện Sumitomo có mặt tại 66 quốc gia. Tập đoàn này đầu tư vào Việt Nam từ năm 1997, đã đầu tư, tham gia vào nhiều lĩnh vực khác nhau của nền kinh tế Việt Nam, bao gồm: các khu công nghiệp; đường sắt đô thị; các nhà máy điện; các dự án sân bay, logistics, bất động sản…
Tập đoàn Sumitomo ghi dấu ấn lớn tại loạt dự án lớn như khu công nghiệp Thăng Long (Hà Nội), khu công nghiệp Thăng Long 2 (Hưng Yên), tổng thầu xây dựng đoạn trên cao tuyến đường sắt đô thị số 1 TP.HCM (Bến Thành – Suối Tiên), tổng thầu xây dựng các nhà máy nhiệt điện Phả Lại, Duyên Hải 3 mở rộng, Phú Mỹ 2.2, BOT Vân Phong 1…
Vào đầu tháng 5/2025, Tập đoàn Sumitomo của Nhật đã thông báo sẽ chuyển nhượng 50% vốn góp tại Công ty TNHH Điện lực Vân Phong (VPCL). VPCL là công ty con của Sumitomo và là chủ đầu tư của dự án nhà máy nhiệt điện BOT Vân Phong 1.
Lý giải về quyết định này, Tập đoàn Sumitomo cho biết doanh nghiệp sẽ tiếp tục đẩy mạnh ngành năng lượng và đồng thời tiến tới sản xuất điện xanh hơn với ít ảnh hưởng hơn tới môi trường.
Việc chuyển nhượng này còn chờ quyết định phê duyệt của các cơ quan có liên quan. Sumitomo không đưa chi tiết về bên mua và giá chuyển nhượng. Dự kiến, việc chuyển nhượng sẽ được thực hiện trong năm tài khóa 2026 của Sumitomo.
Tập đoàn Sumitomo còn được chú ý đến khi là chủ đầu tư dự án Thành phố Thông minh Bắc Hà Nội khi liên danh cùng Tập đoàn BRG. Để triển khai dự án này, liên danh chủ đầu tư trên đã thành lập công ty có tên là NH Smart City, trong đó, Sumitomo nắm 50% vốn điều lệ.
Dự án Thành phố Thông minh Bắc Hà Nội có tổng diện tích 272 ha, tổng mức đầu tư dự kiến lên tới 4,2 tỷ USD với mục tiêu phát triển bền vững với 6 tính năng thông minh gồm năng lượng thông minh, giao thông thông minh, quản trị thông minh, học tập thông minh, đời sống thông minh và kinh tế thông minh.
Ngoài dự án Thành phố Thông minh Bắc Hà Nội, Tập đoàn Sumitomo còn cùng với BRG kí kết hợp đồng liên doanh nhằm phát triển toàn diện chuỗi siêu thị FujiMart tại thị trường Việt Nam.