Kết thúc phiên 8/1, chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones tăng 216,90 điểm (+0,58%) lên 37.683,01 điểm, S&P 500 nhích 66,30 điểm (+1,41 %) thành 4.763,54 điểm và Nasdaq Composite thêm 319,70 điểm (+2,20%) lên 14.843,77 điểm.
Nasdaq và S&P 500 ghi nhận mức tăng hơn 1% trong ngày đầu tiên kể từ ngày 21/12/2023 và cũng là mức tăng phần trăm trong một ngày lớn nhất kể từ ngày 14/11/2023.
Năng lượng là ngành giảm duy nhất trong số 11 lĩnh vực thuộc S&P 500, trượt 1,16% sau khi chạm mức thấp nhất trong một tháng do giá dầu thô giảm khoảng 4% sau khi nhà xuất khẩu dầu hàng đầu thế giới Arab Saudi giảm giá mạnh và sản lượng của OPEC tăng.
Các cổ phiếu vốn hoá lớn đều tăng giá, điển hình như Amazon.com đóng cửa thêm 2,66% và Alphabet tăng 2,29% do lợi suất trái phiếu kho bạc giảm trước các thông tin về lạm phát và nguồn nợ chính phủ mới trong năm nay. Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm chạm mức thấp 3,966% trong phiên.
Ngoài ra, cổ phiếu Apple phục hồi 2,42% khi nhà sản xuất iPhone cho biết thiết bị kính thực tế kết hợp Vision Pro sẽ bắt đầu được bán tại thị trường Mỹ từ ngày 2/2.
Nvidia leo 6,3% và nhà sản xuất chip Advanced Micro Devices cũng thêm 5,48%, giúp đẩy Chỉ số bán dẫn Philadelphia SE tăng 3,28% - phục hồi từ mức giảm 5,8% vào tuần trước, tỷ lệ giảm hàng tuần lớn nhất của chỉ số giảm kể từ tháng 10/2022.
Trong khi đó, cổ phiếu Boeing trượt giảm 8,03% khi nhà sản xuất máy bay và cơ quan quản lý Mỹ đã cho phép các hãng hàng không kiểm tra dòng máy bay phản lực 737 MAX 9 sau khi một chiếc do Alaska Airlines vận hành đã phải hạ cánh khẩn cấp vì bảng điều khiển bất ngờ nổ tung giữa chuyến bay.
Bill Merz, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu thị trường vốn tại U.S. Bank Wealth cho biết: “Bây giờ có lẽ chúng ta đang ở một vị trí hợp lý hơn về mặt lợi suất và câu hỏi đặt ra là liệu thị trường có đang đi đúng hướng và lợi suất giảm vì lý do đúng hay lý do sai? Các nhà đầu tư cho đến nay vẫn có quan điểm rằng lợi suất trượt giảm vì tất cả những lý do chính đáng, rằng Fed vẫn đang điều hướng cho một cuộc hạ cánh nhẹ nhàng”.
Vào tuần trước, chỉ số S&P 500 đã chấm dứt chuỗi 9 tuần tăng điểm khi các nhà đầu tư hạ kỳ vọng về khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ quyết liệt cắt giảm lãi suất trong năm nay sau một loạt dữ liệu kinh tế hỗn hợp về thị trường lao động và lĩnh vực dịch vụ.
Chủ tịch Fed Atlanta Raphael Bostic cho biết hôm 8/1 rằng mục tiêu kép của ngân hàng trung ương, cụ thể là giảm lạm phát và duy trì tỷ lệ thất nghiệp ở mức thấp, vẫn chưa xảy ra xung đột.
Theo công cụ FedWatch của CME, thị trường đặt cược 63,8% khả năng cắt giảm lãi suất ít nhất 0,25 điểm phần trăm ngay sau tháng 3/2024, thấp hơn mức 88,5% của một tuần trước.
Các nhà đầu tư sẽ theo dõi dữ liệu lạm phát trong tuần này thông qua chỉ số giá tiêu dùng (CPI) và chỉ số giá sản xuất (PPI) để dự đoán về đường đi lãi suất của Fed.
Trên thị trường năng lượng, giá dầu giảm hơn 3% trong ngày 8/1 do nhà xuất khẩu hàng đầu Arab Saudi cắt giảm giá mạnh và sản lượng của OPEC tăng cao nhằm bù đắp cho những lo ngại về nguồn cung vì căng thẳng địa chính trị leo thang ở Trung Đông.
Hợp đồng tương lai dầu Brent giảm 2,64 USD, tương đương 3,4%, ở mức 76,12 USD/thùng, trong khi giá dầu thô WTI mất 3,04 USD, tương đương 4,1%, ở mức 70,77 USD/thùng.
Cả hai điểm chuẩn đều đã tăng hơn 2% trong tuần đầu tiên của năm 2024 do lo ngại về rủi ro địa chính trị ở Trung Đông sau các cuộc tấn công của lực lượng Houthi nhằm vào các tàu hàng ở Biển Đỏ.
Vào 7/1, nguồn cung gia tăng và sự cạnh tranh từ các nhà sản xuất đối thủ đã khiến Arab Saudi đã phải giảm giá bán chính thức tháng 2 (OSP) của loại dầu thô Arab Light sang châu Á xuống mức thấp nhất trong 27 tháng.
Nhà phân tích Phil Flynn của Price Futures Group nhận xét: “Động thái này cho thấy mối lo ngại về nhu cầu ở Trung Quốc cũng như toàn cầu”.