Bóng đèn phích nước Rạng Đông: Cháy nhà ra... dự án

Nhiều lần Công ty CP Bóng đèn phích nước Rạng Đông (Mã ck: RAL) gặp khó trong việc xin di dời nhà máy, chuyển đổi mục đích sử dụng đất trên khu đất 87 - 89 Hạ Đình. Sau một trận hỏa hoạn lớn xảy ra tại nhà máy, mọi việc đã thuận theo kế hoạch của công ty.
Bóng đèn phích nước Rạng Đông: Cháy nhà ra... dự án

May nhiều hơn rủi

Tiền thân là một doanh nghiệp Nhà nước, Công ty Rạng Đông được cổ phần hóa vào năm 2004 theo quyết định của Bộ Công nghiệp (nay là Bộ Công Thương). 

Tháng 8/2015, Công ty Rạng Đông trở thành doanh nghiệp vốn tư nhân theo quyết định của Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC). 

Khu đất rộng hơn 5,7ha tại số 87 - 89 Hạ Đình (trước đây là 15 Hạ Đình, thuộc phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân, TP Hà Nội) hiện thuộc quyền quản lý và sử dụng của Công ty Rạng Đông, theo quyết định cho thuê năm 2005 và được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quyết định của UBND TP Hà Nội năm 2007. 

Trong những năm 2017 - 2018, Rạng Đông đã nhiều lần xin chuyển đổi mục đích sử dụng đất để lập quy hoạch phân khu đô thị với mục đích kinh doanh tại “khu đất vàng” của quận Thanh Xuân này. Đồng thời, Rạng Đông cũng xin bổ sung ngành nghề kinh doanh Bất động sản.

Trước đó, UBND Thành phố Hà Nội ban hành Quyết định số 6665/QĐ-UBND về việc phê duyệt Quy hoạch phân khu đô thị H2-3, tỷ lệ 1/2000 thuộc các quận Thanh Xuân, Hoàng Mai, Hà Đông và huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội.

Theo bản Quy hoạch, nếu di dời nhà máy Rạng Đông, khu đất quanh nhà máy hoặc sẽ trở thành khu vực công cộng, cây xanh, trường học, hoặc có thể được xây toà nhà hỗn hợp, văn phòng, thương mại hoặc chung cư nếu được cấp phép.

Tuy nhiên, việc xin chuyển đổi mục đích sử dụng đất của công ty Rạng Đông không được phê duyệt, dù công ty đã mất công xin chuyển đổi nhiều lần. Và Nhà máy Rạng Đông vẫn không nằm trong danh sách phải di dời ra khỏi nội đô.

Đến năm 2019, hỏa hoạn bất ngờ xảy ra tại nhà máy Rạng Đông ở khu đất này. Tổng thiệt hại từ vụ cháy này được thống kê lên tới 152 tỷ đồng. Công ty Bảo hiểm PVI là đơn vị thực hiện bồi thường hỏa hoạn cho Rạng Đông toàn bộ số tiền trên (Thực tế, Bảo hiểm PVI chỉ chấp nhận chi trả 140 tỷ đồng). Vì vậy, Công ty Rạng Đông không bị ảnh hưởng tài chính do đám cháy gây ra. Tuy nhiên, người dân sống khu vực xung quanh nhà máy phải hứng chịu sự ô nhiễm thủy ngân nặng nề từ vụ cháy này.

Ngay sau sự cố hỏa hoạn, Chủ tịch UBND TP Hà Nội lập tức yêu cầu khẩn trương di dời nhà máy đến cơ sở sản xuất mới do sự cố ô nhiễm môi trường, đúng theo mục đích ban đầu mà Rạng Đông hướng tới.

Cũng vào thời gian này, Hội đồng quản trị Công ty Rạng Đông thông qua quyết định mua thêm đất làm trụ sở làm việc và kho cho 2 chi nhánh Công ty với dự toán 42 tỷ đồng tại TP Biên Hoà (tỉnh Đồng Nai) và TP Buôn Ma Thuột (tỉnh Đăk Lăk).

Vào tháng 4/2021, Ban Quản lý Khu Công nghệ cao Hòa Lạc thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ đã chấp thuận chủ trương đầu tư và nhà đầu tư đối với Công ty Rạng Đông xây dựng nhà máy sản xuất tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc.

Cụ thể, Rạng Đông sẽ là chủ đầu tư xây dựng nhà máy trên lô đất khoảng 7,1ha. Quy mô xây dựng khoảng 142.00m2. Quy mô lao động 1.400 người trong giai đoạn ổn định. Thời gian thuê đất là 50 năm. Tổng vốn đầu tư dự kiến là 2.334 tỷ đồng, trong đó vốn góp của nhà đầu tư là 540 tỷ đồng và huy động vay vốn 1.794 tỷ đồng. Dự kiến nhà máy sẽ hoàn thiện và chạy thử trong quý 3/2024 đến quý 1/2025.

Nhiều ý kiến cho rằng, Rạng Đông trong cái rủi lại gặp quá nhiều cái may. Nếu không có vụ hỏa hoạn xảy ra tại nhà máy bóng đèn phích nước nay, chưa biết đến bao giờ Rạng Đông mới được phê duyệt phương án di dời, để chuyển đổi mục đích sử dụng đất dù đã đăng ký bổ sung ngành nghề kinh doanh bất động sản.

Khoảng 18h20 ngày 28/8, hỏa hoạn lớn đã xảy ra tại kho chứa hàng thuộc công ty CP Bóng đèn phích nước Rạng Đông

Khoảng 18h20 ngày 28/8, hỏa hoạn lớn đã xảy ra tại kho chứa hàng thuộc công ty CP Bóng đèn phích nước Rạng Đông

Tăng doanh thu bằng cách bán chịu nhiều

Năm 2021, công ty Rạng Đông kỉ niệm 60 năm ngày thành lập công ty và báo công với Bác Hồ nhân kỉ niệm 57 năm Bác về thăm nhà máy.

Mọi công tác chuẩn bị lễ mít-tinh được diễn ra thuận lợi, phấn khởi với dự án xây dựng nhà mới, khu đất vàng sẽ được quy hoạch xây dựng theo kế hoạch.

Rạng Đông còn chào mừng sự kiện lớn này bằng sự tăng trưởng ấn tượng về doanh thu và lợi nhuận trong quý đầu năm.

Trong quý 1/2021, doanh thu thuần bán hàng của Rạng Đông đạt 1.532 tỷ đồng, tăng 38,4% so với cùng kỳ năm 2020. Lợi nhuận trước thuế tăng mạnh mẽ 49%, đạt 139,5 tỷ đồng so với quý 1/2020.

Tuy nhiên, để tăng doanh thu bán hàng, doanh nghiệp buộc phải tăng cường bán chịu cho khách hàng, đối tác. Chiếm quá nửa tổng tài sản của Rạng Đông (55%) là những khoản công nợ phải thu, trong đó hơn 90% là số nợ do bán chịu hàng hóa.

Tính đến cuối tháng 3/2021, các khoản công nợ phải thu của Rạng Đông tăng mạnh 18%, lên tới con số 2.468 tỷ đồng. Các khoản bán chịu cho khách hàng lên tới 2.426 tỷ đồng. Nợ xấu khó đòi là hơn 182 tỷ đồng. Trong đó, Rạng Đông đã trích lập dự phòng rủi ro hơn 108 tỷ đồng cho các khoản nợ xấu này.

Việc chấp nhận tăng cường bán chịu để tăng doanh thu giống như dao hai lưỡi đối với doanh nghiệp. Một mặt, Rạng Đông ghi nhận được giá trị doanh thu và lợi nhuận tăng cao đột biến. Mặt khác, Rạng Đông sẽ phải chịu rủi ro về thiếu hụt dòng tiền sản xuất kinh doanh, do quá nhiều vốn của doanh nghiệp bị đối tác chiếm dụng.

Điều này được thể hiện rõ khi dòng tiền thuần sản xuất kinh doanh của Rạng Đông âm 7,6 tỷ đồng và sụt giảm đáng kể trong cả năm 2020 dù báo lãi lớn.

Để bù đắp vào dòng tiền kinh doanh bị hao hụt quá nhiều, công ty Rạng Đông không còn cách nào khác ngoài tăng cường đi vay nợ để bổ sung vốn. Nợ phải trả của Rạng Đông theo đó cũng tăng lên 3.329 tỷ đồng (tăng 13% so với đầu năm 2021).

Hơn nữa, khách hàng nợ đọng nhiều, dẫn tới thiếu tiền trả cho bên cung cấp, Rạng Đông phải mua chịu nhiều hơn, nợ nhà cung cấp nhiều hơn. Khoản nợ phải trả các nhà cung cấp trong quý 1/2021 nhiều gấp đôi so với cùng kỳ năm 2020, lên tới 880 tỷ đồng. Các khoản vay nợ tài chính (vay ngân hàng và đối tượng khác) là 2.763 tỷ đồng.

Kinh phí công đoàn vẫn chưa được Rạng Đông chi trả từ nhiều năm nay (nợ hơn 7 tỷ đồng). Bảo hiểm xã hội của người lao động trong 3 tháng đầu năm cũng chưa được Rạng Đông đóng cho cơ quan bảo hiểm.

Dù báo lãi khủng trong quý đầu năm, Rạng Đông vẫn còn nợ các Quỹ xã hội hàng chục tỷ đồng như phải trả Quỹ Tương thân tương ái 12 tỷ đồng, nợ Quỹ Nghĩa tình Hoàng Sa, Trường Sa 19 tỷ đồng và chưa trả cho khách hàng khuyến mại có giá trị hàng tỷ đồng...

Xem thêm

Rạng Đông lần đầu báo lỗ

Rạng Đông lần đầu báo lỗ

CTCP Bóng đèn Phích nước Rạng Đông (mã: RAL) vừa công bố báo cáo tài chính quý IV/2019 với khoản lỗ ròng gần 36 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước lãi hơn 71 tỷ đồng.

Có thể bạn quan tâm

Có hiện tượng người tham gia đấu giá trả giá cao bất thường, có dấu hiệu thổi giá trong đấu giá đất

Thủ tướng yêu cầu chấn chỉnh hoạt động đấu giá đất

Thủ tướng giao Bộ Tài nguyên và Môi trường tăng cường kiểm tra, thanh tra hoạt động đấu giá quyền sử dụng đất đối với những trường hợp có biểu hiện bất thường, kịp thời phát hiện các bất cập trong quy định pháp luật để tham mưu, đề xuất cấp thẩm quyền sửa đổi, bổ sung cho phù hợp...

Giải bài toán nhà ở: Cần "di dời" sức cầu ra vùng ven

Giải bài toán nhà ở: Cần "di dời" sức cầu ra vùng ven

Với mức giá bất động sản hiện tại, những người có thu nhập rất khó sở hữu một căn nhà. Tuy nhiên, các chuyên gia bất động sản chỉ ra rằng, giải pháp không nằm ở nội đô chật chội mà ở các khu vực ven đô đang phát triển…