Bất động sản vùng Thủ đô nhận “cơn sóng mới” từ đô thị vệ tinh

Giữa bối cảnh áp lực dân số và quỹ đất tại Hà Nội ngày càng lớn, các đô thị vệ tinh đang nổi lên như lời giải cho bài toán giãn dân, đồng thời mở ra cơ hội đầu tư hấp dẫn với giá trị tăng trưởng bền vững và dài hạn…

img-7949.jpg
Toàn cảnh hội thảo “Triển vọng đầu tư bất động sản tại các đô thị vùng Thủ đô”

Khi các trục vành đai và cao tốc liên tỉnh dần hoàn thiện, vùng Thủ đô đang chứng kiến một bước ngoặt chiến lược: thị trường bất động sản chuyển dịch từ lõi Hà Nội sang các cực tăng trưởng mới tại Bắc Ninh, Hưng Yên, Vĩnh Phúc., Hà Nam…

ĐÔ THỊ NỐI DÀI

Tại hội thảo “Triển vọng đầu tư bất động sản tại các đô thị vùng Thủ đô”, TS. Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA), Chủ tịch Hội môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) đánh giá, bất động sản vùng Thủ đô đang bước vào giai đoạn chuyển mình mạnh mẽ, theo hướng bền vững, đa chức năng và liên vùng.

Thực tế cho thấy, Hà Nội tiếp tục là đầu tàu tăng trưởng, dẫn dắt các lĩnh vực trọng điểm như tài chính - ngân hàng, logistics, đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp. Trong khi đó, các tỉnh vệ tinh đang phát huy vai trò “vành đai sản xuất - hậu cần”, cung cấp mặt bằng, lao động, dịch vụ công nghiệp phụ trợ, đặc biệt cho công nghiệp công nghệ cao.

img-7920.jpg
TS. Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA), Chủ tịch Hội môi giới bất động sản Việt Nam (VARS)

Vị chuyên gia dự báo, sau quá trình sáp nhập, tinh gọn bộ máy, vùng Thủ đô sẽ vận hành linh hoạt hơn, hiệu quả hơn, duy trì tỷ trọng GDP toàn quốc ở mức 25 - 28% vào năm 2030, tương đương quy mô hơn 3 triệu tỷ đồng.

Đối với phát triển hạ tầng, chiến lược kết nối vùng đang được định hình rõ nét theo các trục “vành đai - xuyên tâm”. Các tuyến vành đai đóng vai trò liên kết trục chính toàn vùng, trong khi cao tốc và metro nội - liên tỉnh là mạch kết nối các đô thị vệ tinh.

Giao thông công cộng sẽ được ưu tiên phát triển, tạo ra sự dịch chuyển nhanh, thuận lợi hơn giữa Hà Nội và các tỉnh. Từ đó hình thành một thị trường bất động sản liên vùng, xoá bỏ ranh giới địa phương.

Bên cạnh đó, xu hướng giãn dân từ lõi đô thị Hà Nội thúc đẩy sự hình thành các “thành phố vùng ven” và “đô thị vệ tinh” quy mô lớn. Bắc Ninh, Hưng Yên, Vĩnh Phúc... đang hướng tới mục tiêu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, kéo theo các dự án đô thị đồng bộ. Mô hình khu đô thị tích hợp - công nghiệp - dịch vụ, cùng với đô thị xanh, thông minh, nghỉ dưỡng ngày càng lên ngôi.

Có thể thấy rằng, Hà Nội đóng vai trò trung tâm kết nối, lan tỏa phát triển đồng đều đến các tỉnh lân cận. Những địa phương công nghiệp như Bắc Ninh, Bắc Giang, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc đang bứt phá nhờ hạ tầng kết nối vùng được đẩy mạnh. Sự phát triển hài hòa giữa các địa phương không chỉ giảm áp lực lên Hà Nội, mà còn tạo nên một vùng đô thị đa trung tâm, định hình cực tăng trưởng mới cho miền Bắc.

“Với cú hích từ hạ tầng, chính sách giãn dân và dòng vốn đầu tư đổ về, các đại đô thị vùng ven và tỉnh vệ tinh sẽ trở thành “đô thị nối dài” đầy tiềm năng cho cả an cư và đầu tư trong 5 -10 năm tới”, ông Đính nhấn mạnh.

KẾT NỐI HẠ TẦNG TẠO XUNG LỰC ĐỘT PHÁT CHO BẤT ĐỘNG SẢN

Ở góc nhìn quy hoạch kiến trúc, KTS. Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng bày tỏ, vùng Thủ đô mở rộng đang dần định hình như một trung tâm kinh tế, chiến lược mới của quốc gia, nhất là trong bối cảnh Việt Nam bước vào thời kỳ phát triển dựa trên đổi mới cấu trúc và liên kết vùng.

Việc sáp nhập địa giới hành chính, kết nối hạ tầng, đặc biệt là các tuyến đường sắt cao tốc xuyên biên giới, đang tạo ra xung lực mạnh mẽ cho thị trường bất động sản toàn vùng.

Theo PGS. TS. Trần Đình Thiên, Ủy viên Hội đồng Tư vấn chính sách của Thủ tướng, vùng Thủ đô trong tư duy mới không chỉ là không gian gắn với Hà Nội, mà là trung tâm của trung tâm, là điểm hội tụ và lan tỏa của các nguồn lực phát triển.

Bây giờ là thời điểm cần nhận thức rõ, cơ hội không còn nằm ở điểm tựa cũ, mà nằm ở khả năng mở ra không gian mới, cả về địa lý, công nghệ, thể chế và tư duy.

Vùng Thủ đô với tất cả lợi thế và vị thế đang được tái cấu trúc, có thể sẽ là nơi chứng kiến những thành tựu phát triển vượt sức tưởng tượng.

img-7936.jpg
PGS. TS. Trần Đình Thiên, Ủy viên Hội đồng Tư vấn chính sách của Thủ tướng

Vùng Thủ đô có lợi thế đặc biệt về địa chính trị khi nằm ở vị trí cửa ngõ tiếp giáp với Trung Quốc, đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam. Đây cũng là vùng duy nhất trong cả nước hiện có 2 tuyến đường sắt cao tốc liên quốc gia và liên vùng được ưu tiên triển khai: Tuyến thứ nhất từ Côn Minh (Vân Nam, Trung Quốc) qua Lào Cai, về Hà Nội - Hải Phòng; tuyến thứ hai là đường sắt cao tốc Bắc - Nam, giai đoạn đầu khởi công đoạn Hà Nội - TP.HCM.

Không chỉ mạng lưới đường sắt cao vùng Thủ đô mở rộng còn đang hình thành một hệ thống cao tốc đường bộ đồng bộ và hiện đại, tạo lợi thế vượt trội so với các vùng kinh tế khác.

Đáng chú ý, Chính phủ đã phê duyệt đầu tư tuyến cao tốc mới chạy dọc trục ven biển, từ Hải Phòng qua Thái Bình, tiếp nối đến Ninh Bình. Tuyến đường này dài hơn 100km, quy mô 10 làn xe, lớn nhất khu vực phía Bắc hiện nay. Với vai trò là trục xương sống phía Đông của vùng Thủ đô, tuyến cao tốc này không chỉ thúc đẩy phát triển kinh tế biển mà còn mở ra dư địa lớn cho bất động sản khu công nghiệp, logistics và đô thị ven biển. Đây là tuyến chiến lược mà các nhà đầu tư cần đặc biệt lưu ý.

Một dự án khác cũng đang thu hút sự quan tâm lớn là tuyến đường kết nối sân bay Gia Bình (Bắc Ninh) về trung tâm Thủ đô. Tuyến này dự kiến sẽ đi qua cầu Tứ Liên, kết nối khu vực Cổ Loa với Hồ Tây. Cầu Tứ Liên không chỉ có giá trị về giao thông mà còn mang tính biểu tượng kiến trúc đô thị, mở ra trục cảnh quan, đô thị hiện đại phía Bắc Hà Nội.

“Nếu chủ trương của Trung ương và Hà Nội về việc đưa sân bay Gia Bình trở thành sân bay quốc tế vệ tinh cho Thủ đô được hiện thực hóa, tuyến đường từ sân bay về khu trung tâm, qua cầu Tứ Liên sẽ trở thành trục động lực cho bất động sản dọc hai bên tuyến. Nhiều nhà đầu tư quan tâm quy hoạch, tìm kiếm cơ hội tại các điểm nút kết nối mới này”, ông Trần Ngọc Chính chia sẻ.

Vùng Thủ đô mở rộng cũng đang chứng kiến sự bứt phá của các đô thị vệ tinh như Hải Phòng, Hà Nam, Hưng Yên, Hải Dương, Nam Định, Ninh Bình... Nhiều doanh nghiệp lớn đầu tư mạnh mẽ vào hạ tầng, bất động sản, du lịch và dịch vụ vào các địa phương này. Các tuyến đường sắt nội vùng và liên vùng cũng đang được hoàn thiện, tạo nên mạng lưới đô thị vệ tinh gắn kết hiệu quả với trung tâm Hà Nội.

bat-dong-san-phia-tay-ha-noi-trong-tuong-lai.jpg
Động lực mới cho bất động sản vùng Thủ đô

“Với “khung sườn” phát triển ngày càng rõ nét, dư địa còn rất lớn và tiềm năng tiếp tục được mở rộng, vùng Thủ đô mở rộng chắc chắn sẽ là điểm đến chiến lược tiếp theo cho các nhà đầu tư bất động sản dài hạn, đặc biệt là các phân khúc bất động sản công nghiệp, nghỉ dưỡng và đô thị vệ tinh”, vị chuyên gia nêu quan điểm.

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm

“Soi” hàng tồn kho của các ông lớn ngành địa ốc

“Soi” hàng tồn kho của các ông lớn ngành địa ốc

Trong bối cảnh tồn kho tiếp tục "chất chồng", các chủ đầu tư được dự báo sẽ mạnh tay hơn với các gói bán hàng ưu đãi, từ hỗ trợ lãi suất, cam kết thuê lại đến chiết khấu sâu cho người mua thanh toán sớm…