Bí thư, Chủ tịch Hà Nội đối thoại trực tiếp với doanh nghiệp

Sáng nay (28-11), UBND Thành phố Hà Nội đồng chủ trì với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức Hội nghị “Gặp mặt, đối thoại với doanh nghiệp năm 2016”.
Bí thư, Chủ tịch Hà Nội đối thoại trực tiếp với doanh nghiệp

Hội nghị được tổ chức để các cấp chính quyền, sở, ngành Thành phố lắng nghe ý kiến phản ánh của doanh nghiệp, nắm bắt và giải quyết những khó khăn vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất kinh doanh.

Hội nghị có sự tham dự của Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành uỷ Hà Nội Hoàng Trung Hải; Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Đức Chung; Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc cùng các thành viên UBND Thành phố; lãnh đạo các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã và hơn 400 đại diện các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp.

Hội nghị được bắt đầu từ lúc 8h30. Sau phần khai mạc hội nghị, sẽ có báo cáo về tình hình giải quyết các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp trong năm 2016; nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm năm 2017. Nội dung chính của Hội nghị là “Phiên đối thoại doanh nghiệp” được diễn ra từ lúc 9h30.

Tại phiên đối thoại, các doanh nghiệp sẽ có những ý kiến phản ánh những khó khăn, vướng mắc, đặc biệt là trong quá trình thực hiện các quy định của Nhà nước, của Thành phố. Lãnh đạo UBND Thành phố, VCCI sẽ tiếp thu và trả lời những kiến nghị của doanh nghiệp đối với những vấn đế thuộc thẩm quyền. Đối với các kiến nghị với Trung ương, bộ, ngành sẽ được Thành phố Hà Nội và VCCI tổng hợp gửi các cơ quan kể trên đề nghị trả lời, giải quyết.

“Hội nghị gặp mặt, đối thoại doanh nghiệp” với sự tham gia của các cấp lãnh đạo cao nhất của Thành phố và VCCI đã khẳng định quyết tâm của Thành phố Hà Nội về tạo lập môi trường Kinh doanh thuận lợi, thông thoáng, minh bạch; khẳng định sự đồng hành của VCCI đối với Thành phố Hà Nội trong công cuộc cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp.

Việc tổ chức hội nghị cũng là thực hiện cam kết với cộng đồng doanh nghiệp trước sự chứng kiến của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị “Doanh nghiệp Việt Nam – Động lực phát triển kinh tế của đất nước” ngày 29/4/2016; thực hiện chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 35/NQ-CP về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020 và tiếp theo sự thành công của Hội nghị “Hà Nội 2016 – Hợp tác đầu tư và phát triển” ngày 46/2016.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã giải đáp một số câu hỏi và thắc mắc của đại diện DN:
"Chúng tôi cam kết từ 1/1/2017 thành lập tổ công tác đặc biệt đại diện cho chuyên viên các sở ngồi tại một cửa, tiếp nhận các kiến nghị và giải quyết trong 1 lần cho DN. Chủ trương này đã được bàn bạc kỹ trong 6 tháng vừa qua. Mục tiêu của chúng tôi là yêu cầu của DN sẽ được giải quyết trong 1 tuần".
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung
Thứ nhất, liên quan đến quy trình DN xin ý kiến các sở ban ngành, từ đầu 2016, tập thể lãnh đạo TP và các sở ban ngành đã họp về vấn đề này.

Trước đây quy trình này phải trải qua từ 3 – 5 vòng, qua cải cách đến nay còn 2 vòng. Chúng tôi cam kết từ 1/1/2017 thành lập tổ công tác đặc biệt đại diện cho chuyên viên các sở ngồi tại một cửa, tiếp nhận các kiến nghị và giải quyết trong 1 lần cho DN. Chủ trương này đã được bàn bạc kỹ trong 6 tháng vừa qua. Mục tiêu của chúng tôi là yêu cầu của DN sẽ được giải quyết trong 1 tuần.

Thứ hai, liên quan tới vướng mắc của DN trong việc thực hiện các thủ tục liên thông, tập thể ban cán sự TP đã làm việc để tiến tới ủy quyền cho Hà Nội phê chuẩn, giảm bớt thời gian thẩm định, phê chuẩn tại các sở, các bộ.

Hiện nay chúng tôi mới làm việc với Bộ Y tế, trong thời gian tới sẽ tiếp tục làm việc với các bộ để đến năm 2017, các thủ tục liên thông được rút ngắn.

Thứ ba, đối với vấn đề CPH và nắm giữ CPH DN, toàn bộ kế hoạch cổ phần hóa của các bộ ban ngành đã trình lên Chính phủ phê duyệt, gồm các nội dung quan trọng: Tất cả các công ty vốn nhà nước khi đã CPH sẽ cổ phần hóa 100%; rà soát toàn bộ nội dung mà các DN đăng ký CPH, trong đó có vấn đề liên quan tới quyền sử dụng đất.

Thứ tư, TP và VCCI sẽ đồng hành và cùng giải quyết các vướng mắc, khó khăn. Hiện nay TP mới chỉ kết nối ngân hàng thương mại, ngân hàng cổ phần đối với DN.

Trong thời gian qua chúng tôi đã kết nối cho một số DN đầu tư về nước, DN vừa và nhỏ để được vay với mức lãi suất thấp hơn. Trong thời gian tới, TP hướng tới một quỹ do nhà nước và DN cùng đóng góp.

Thứ năm, các hoạt động xúc tiến thương mại của TP được đưa về một đầu mối là Trung tâm xúc tiến đầu tư. Tuy nhiên việc đưa các DN đi hội nghị, quảng bá, ký kết chưa có hiệu quả, kết quả đạt được so với số tiền bỏ ra xúc tiến đầu tư thậm chí còn thấp hơn. Sắp tới, quỹ xúc tiến đầu tư sẽ được cơ cấu lại.
Vào tháng 8, chúng tôi đã ký kết với CNN mỗi năm 1 triệu USD để xúc tiến quảng bá về Việt Nam trên kênh này. Bên cạnh đó, chúng tôi chọn DN có nhu cầu tìm hiểu thị trường và ký kết chuyển giao công nghệ, nhằm chuyển giao thành chuỗi và cung ứng cho nước ngoài.
Ví dụ trong việc xây dựng chiến lược cho mặt hàng lưu niệm liên quan tới du lịch, chúng ta có thể cử các DN nhỏ và vừa tham dự các hội chợ hàng lưu niệm, hoặc cũng có thể chuyển giao và giúp các DN nhỏ và vừa tiếp cận công nghệ tiên tiến để sản xuất các mặt hàng này.
Thứ sáu, TP đang xem xét hỗ trợ đào tạo nâng cao trình độ quản lý cho DN NVV, tuy nhiên chưa đáp ứng được số lượng, tiềm năng và chất lượng. TP đã có 2 cuộc làm việc quan trọng với trung tâm đào tạo kiến thức quản lý DN tại Úc – họ cam kết mở lớp kỹ năng quản lý DN nhỏ và vừa phù hợp với giao thương quốc tế để VN có thể tham gia hội nhập.
Thứ bảy, đối với hỗ trợ về kế toán, TP nhận thấy cần thành lập hiệp hội cung ứng dịch vụ kế toán. Xin chuyển ý kiến này để VCCI đồng hành cùng các DN không chỉ tại HN mà còn trên cả nước.
Thứ tám, TP cũng rất chú trọng tới vấn đề hỗ trợ DN NVV liên quan tới tiếp cận KHCN. TP đã có các cuộc tiếp xúc với hàng loạt DN lớn của châu Âu. Trong thời gian tới, TP sẽ tạo đầu mối căn cứ trên nhu cầu DN, giúp DN tiếp cận các tập đoàn lớn trong nước và trên thế giới.
Thứ chín, liên quan tới thúc đẩy DN khởi nghiệp, sáng tạo, trong 9 tháng vừa qua, TP đã tiếp xúc với các nhà khởi nghiệp sáng tạo của Anh, Úc...
Trung tâm sáng tạo khởi nghiệp đầu tiên sẽ ra đời, với giai đoạn đầu hỗ trợ thông tin để tiếp cận và thành lập DN (thủ tục pháp lý, kế toán); hai là hỗ trợ tiếp cận KHKT; ba là kết nối để các sản phẩm được thương mại hóa và tung ra thị trường.
Trung tâm này dự kiến sẽ được thành lập tại trụ sở bộ KHCN. Về quỹ đầu tư mạo hiểm, hi vọng Hiệp hội DN nhỏ và vừa sẽ đi tiên phong trong lĩnh vực này, với sự dẫn đường của quỹ TP.
Trả lời câu hỏi của Công ty CP Dầu khí Đông Đô về việc trước đây DN đã tham gia đấu giá đất ở huyện Từ Liêm, theo quy hoạch cũ khu đất này được xây dựng nhà cao tầng nhưng sau đó, cũng theo quy hoạch, khu đất đã đấu giá lại không được xây cao tầng nữa, vì thế DN gặp nhiều khó khăn do không có sản phẩm để bán, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung cho biết, TP đã tổ chức họp ba phiên để giải quyết những vấn đề tồn tại mà đại diện DN nêu.
Về GPMB, vừa qua, TP đã chuyển toàn bộ công tác GPMB giao cho chủ tịch UBND quận Nam Từ Liêm chịu trách nhiệm, không cần thông qua Quỹ đất. Với cơ chế này, thủ tục sẽ được rút ngắn.

Về hạ tầng khung xung quanh khu quy hoạch này, gồm 2 loại: Một số hạ tầng khung TP đang đầu tư dở và chưa xây dựng. TP đã giao cho quận Nam Từ Liêm hoàn thiện phần dở. Với hạ tầng khung chưa làm, giao cho 23 DN bỏ tiền ứng trước. Số tiền này sẽ được trừ vào tiền sử dụng đất.

Về quy hoạch, các quy hoạch khu có thay đổi, qua kiểm tra có những ô do cập nhật quy hoạch của Sở QHKT và Viện Quy hoạch có nhầm lẫn. TP sẽ tiếp thu và thời gian tới sẽ kiểm tra kỹ lưỡng, trả lời DN trong tuần tới. Chủ tịch Nguyễn Đức Chung cũng đề nghị Giám đốc Sở QHKT có văn bản trả lời cụ thể tới đại diện DN.

Với đề xuất của đại diện Công ty CP Tập đoàn Phú Mỹ về việc cần có cơ chế với những DN của Thủ đô có tuổi đời, có thương hiệu chuyển về khu công nghiệp TP, thay vì di dời đi địa phương khác để đầu tư khi chuyển đổi công năng sử dụng đất khiến mất nhiều cơ hội việc làm cho người dân Thủ đô, Chủ tịch UBND TP cho biết, đúng là thời gian qua, với những lời kêu gọi của các tỉnh xung quanh, một số DN có thương hiệu của Thủ đô đã chuyển sang các tỉnh lân cận. Về vấn đề này, TP đang có chủ trương khuyến khích DN tìm hiểu khu công nghiệp trên địa bàn Thủ đô. Thời gian tới, TP sẽ có chính sách thu hút DN tốt hơn.
Trước băn khoăn của Công ty CP Vĩnh Thiện về dự án thuộc lĩnh vực chăm sóc y tế, khi xã hội hóa được hưởng ưu đãi nhưng theo Luật Đầu tư thì không được ưu đãi, đại diện Cục Thuế Hà Nội cho hay, đối với ưu đãi về thuế, theo nghị định số 218 của Chính phủ, quy định thuế ưu đãi với thu nhập DN đang có đầu tư mới trong lĩnh vực XHH, đặc biệt trong lĩnh vực y tế, có ưu đãi là thuế thu nhập DN trong 4 năm được miễn khi dự án đi vào hoạt động, giảm 50% thuế thu nhập doanh nghiệp trong 5 năm tiếp theo và áp dụng thuế thu nhập DN 10% suốt đời kể từ khi XHH (hiện nay thuế thu nhập DN là 20%).

Quy định về ngành nghề ưu đãi đầu tư hiện có quy định với phần khám bệnh và chữa bệnh. Tuy nhiên, nghị định 118 năm 2015 hướng dẫn lại chưa nêu về phần khám và chưa bệnh trong bảng kê các ngành nghề ưu đãi.

Tuy nhiên, để tháo gỡ khó khăn cho DN, cục thuế cùng các liên ngành đề xuất tạm thời căn cứ luật đầu tư áp dụng đơn giá thuê đất thấp nhất là 0,5%, đồng thời tổng hợp ý kiến để báo cáo ủy ban để ý kiến với bộ tài chính và Chính phủ để có sửa đổi

Bà Vũ Thị Hồng, Phó Tổng Giám đốc công ty CP Nhất Nam – chuỗi siêu thị Fivimart đặt câu hỏi: Thông tư 11 của Bộ KHCN ngày 12/4/2012 về việc dán tem nhãn có nhiều bất cập cho DN, cụ thể là DN bán lẻ.
 Khi nhập khẩu thiết bị để mở mới siêu thị, sau khi làm thủ tục tạm thông quan, thiết bị được đưa về kho của DN và sau đó phải làm hợp đồng với 2 nơi kiểm định. Những thiết bị này rất nặng, phải thuê cẩu nâng lên hạ xuống, cần 10 - 16 nhân viên bê vào phòng kiểm định, tốn kém rất nhiều trong việc vận chuyển bốc xếp. Tôi nghĩ nhiều DN cũng gặp khó khăn tương tự.

Thứ hai, mong TP sớm có quy chuẩn quy hoạch các điểm bán lẻ cho TTTM, siêu thị cách nhau bao nhiêu Km. Ví dụ Fivimart đã mở ở Trường Chinh, Vinmart sắp mở phía đối diện và cách đó 500m là TTTM của BigC, gây ra một sự phân bố không đồng đều và cạnh tranh khó khăn.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết đối với vấn đề kiểm định, TP sẽ có trả lời bằng văn bản cụ thể với DN. Đối với quy hoạch hệ thống bán lẻ, về cơ bản chưa có sự hợp lý và khoa học, dẫn tới sự tập trung không đồng đều, bởi quy hoạch chưa theo kịp đánh giá về nhu cầu của người dân. Những TTTM lớn đã có quy hoạch, nhưng TTTM nhỏ chưa có quy hoạch. Xin tiếp thu ý kiến của DN và tích cực phối hợp với nhà tư vấn để có kế hoạch hợp lý nhất.
Ông Hà Quang Tuấn, Chủ tịch HĐQT Cty CP sữa Hà Nội đề nghị TP có cơ chế hỗ trợ GPMB và ưu đãi để DN đỡ gặp khó khăn về vốn đầu tư ban đầu để sử dụng dự án nông nghiệp công nghệ cao hiệu quả; được thực hiện Chương trình "Sữa học đường" trên địa bàn TP, trước hết là huyện Mê Linh.Chủ tịch Nguyễn Đức Chung cho biết, TP thực hiện các chính sách ưu tiên cho DN thực hiện các dự án công nghệ cao theo đúng theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.Thành phố hiện rất quan tâm và ưu tiên cho nhà đầu tư vào hạ tầng khu công nghệ cao. Chủ tịch giao Sở KHĐT sẽ gửi tất cả chính sách cụ thể tới DN.Liên quan đến ưu tiên cho các sản phẩm sữa của DN tham gia chương trình "Sữa học đường", hiện có một số Công ty sữa đang triển khai chương trình này trên địa bàn TP,  Hà Nội hoàn toàn ủng hộ các DN để nâng cao sức khoẻ, thể trạng cho học sinh.
Trả lời 3 câu hỏi của một DN về việc cải tạo chung cư cũ trên địa bàn TP gặp khó khăn, TP nên tham khảo ý kiến của nhà đầu tư để thực hiện quyết liệt việc này; các thủ tục với DN vẫn còn nhiều vòng; quy định về việc khách hàng phải trả 95% giá trị nhà và phải được nhận sổ đỏ mới trả nốt 5% còn lại là không phù hợp vì có trường hợp không cần có sổ đỏ đã chuyển về ở.

Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung cho biết, về cải tạo chung cư cũ, đã giao nhiệm vụ lập quy hoạch cho 19 nhà đầu tư, từ đó nhà đầu tư thuê tư vấn nước ngoài để tận dụng kiến trúc xây dựng nên khu chung cư khang trang, hiện đại hơn, khi lập quy hoạch khu chung cư sẽ đồng bộ về hạ tầng.

Trong những năm qua, việc cải tạo chung cư cũ, vướng mắc nhất là DN tự đi bồi thường các hộ, tỷ lệ cao nhất là bồi thường gấp 2,2 lần, đây là điều là chưa nước nào thực hiện. Về vấn đề này TP thực hiện theo lộ trình, giao quy hoạch, mời nhà đầu tư để lắng nghe ý kiến, tập hợp toàn bộ ý kiến để tất cả vướng mắc khó khăn để từ đó giải quyết hài hòa lợi ích Nhà nước, nhà đầu tư và người ở, sau đó tổ chức hội thảo, đề xuất cơ chế đặc thù, trên cơ sở đó phê duyệt và giao, chọn nhà đầu tư tiềm năng.

Khi cải tạo chung cư cũ, sẽ thực hiện trả theo tinh thần tương xứng 1:1. TP sẽ cùng đồng hành DN để tiến hành đẩy nhanh cải tạo chung cư cũ trên địa bàn hiệu quả nhất trên tinh thần Nhà nước, nhà đầu tư và người ở cùng có lợi.

Về các thủ tục với DN, Chủ tịch UBND TP cho hay, vấn đề này thời gian tới sẽ thực hiện tích hợp, các thủ tục hành chính sẽ thực sự được cải cách mạnh mẽ, toàn bộ thủ tục với doanh nghiệp chỉ còn một vòng.

Về việc Luật Kinh doanh bất động sản mới yêu cầu có bảo lãnh cho người mua nhà nhưng hướng dẫn cụ thể không có, quy định khách hàng lấy sổ đỏ mới trả 5% tiền nhà còn lại, ông Nguyễn Đức Chung tiếp thu ý kiến này của doanh nghiệp và cho biết TP sẽ có quy định để hài hòa giữa người mua và ngân hàng, để người mua nộp tiền vào ngân hàng, từ đó DN thu 5% tiền nhà còn lại dễ dàng hơn, tránh bị dây dưa.
Phát biểu kết thúc hội nghị, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung chân thành cảm ơn sự hợp tác, sự đồng hành của VCCI trong suốt thời gian vừa qua đối với việc cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, hỗ trợ và phát triển của các DN. Cảm ơn sự tham gia của các DN, doanh nhân trong suốt quá trình trước và trong hội nghị với tinh thần thẳng thắn, cởi mở để buổi đối thoại hôm nay được thực chất và hiệu quả.

Thời gian qua, cùng với sự phát triển chung của cả nước, các DN Hà Nội đã có sự phát triển mạnh mẽ cả về số lượng và chất lượng, góp phần quan trọng và là động lực để Thủ đô phát triển. 

Điểm lại tình hình hoạt động của các DN trên địa bàn Hà Nội trong thời gian vừa qua, có thể thấy rằng giai đoạn 2012 - 2014 là những năm DN gặp nhiều khó khăn nhất, nhưng với sự nỗ lực của các DN trong việc mở rộng thị trường, đa dạng hóa, nâng cao mẫu mã, giảm giá thành sản phẩm, cùng với những chính sách linh hoạt, kịp thời của Chính phủ và TP như khoán, gia hạn, giảm các loại thuế, tiền sử dụng đất, hỗ trợ lãi suất... đến nay các DN nhìn chung đã vượt qua khó khăn, lấy lại được đà tăng trưởng. Doanh thu lợi nhuận, tài sản của các DN tăng qua hàng năm. 

Bước sang năm 2017 và những năm tiếp theo, dự báo tình hình sản xuất kinh doanh của các DN cũng còn nhiều khó khăn, TP đã xác định các chỉ đạo trọng tâm cùng đồng hành là trách nhiệm - hiệu quả. Lãnh đạo TP luôn lắng nghe, ghi nhận tất cả vướng mắc, khó khăn của DN. 

Thứ nhất, TP sẽ chỉ đạo các sở, ban ngành thực hiện nghiêm túc. Đề nghị các sở, ban ngành tăng cường đối thoại để kịp thời nắm bắt và lắng nghe ý kiến đóng góp của các DN, theo trách nhiệm của cấp mình, ngành mình, và tổng hợp những khó khăn vướng mắc vượt thẩm quyền báo cáo TP xem xét giải quyết.

Hai là, tất cả các sở, ngành, thị xã thiết lập hệ thống thông tin tiếp nhận xử lý trả lời kiến nghị của DN.

Ba là, tất cả các sở, ban, ngành, quận, huyện, thị xã công khai minh bạch, cập nhật và hướng dẫn rõ ràng 100% các quy định hành chính cho công dân, DN trên trang web, trang thông tin điện tử của đơn vị. DN phải thực hiện đúng những yêu cầu như đã niêm yết, công khai.

Bốn là, cải cách hành chính theo hướng một cửa liên thông, tăng tính công khai minh bạch, đơn giản hóa quy trình, thủ tục hành chính, cũng như nâng cao hiệu suất làm việc của công chức.

Năm là, thành phố sẽ công khai xếp hạng chỉ số hài lòng của nhân dân đối với các sở ban ngành, UBND các quận huyện và thị xã.

Cuối cùng, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung kính chúc các DN, doanh nhân, các nhà đầu tư giữ vững niềm tin, vượt qua thách thức, vươn lên mạnh mẽ, khẳng định vị thế trên thị trường trong nước và quốc tế.

Có thể bạn quan tâm

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trả lời chất vấn trước Quốc hội

Chính phủ đề xuất tái khởi động dự án điện hạt nhân

Để đảm bảo nguồn điện cung ứng trước mắt và lâu dài, Chính phủ đã áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó có việc thực hiện đề xuất cấp có thẩm quyền tái khởi động dự án điện hạt nhân, phát triển mạnh điện gió ngoài khơi...

Toàn cảnh bức tranh kinh tế 10 tháng năm 2024 qua các con số

Toàn cảnh bức tranh kinh tế 10 tháng năm 2024 qua các con số

Trong 10 tháng năm 2024, kinh tế Việt Nam đạt kết quả tích cực trong nhiều lĩnh vực như: Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tăng 11,8% (so với cùng kỳ năm 2023); Chỉ số sản xuất ngành công nghiệp tăng ổn định; Số doanh nghiệp thành lập mới “hồi sinh”...