Buông quyền lựa chọn nhà thầu xây lắp cao tốc Bắc – Nam

Nhiều khả năng, quyền lựa chọn nhà thầu cho hàng trăm gói thầu xây lắp quy mô lớn thuộc các dự án xây dựng tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông theo hình thức PPP sẽ thuộc về các nhà đầu tư.
Buông quyền lựa chọn nhà thầu xây lắp cao tốc Bắc – Nam

Quyền của nhà đầu tư

Đây là khẳng định của Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong Công văn số 4865/BKHĐT - QLĐT gửi Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) hướng dẫn Luật Đấu thầu trong việc lựa chọn nhà thầu thực hiện Dự án đầu tư đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông theo hình thức PPP.

Dẫn chiếu khoản 2, Điều 3, Luật Đấu thầu số 43/2013/QH13 và Điều 48, Nghị định số 63/2018/NĐ - CP ngày 4/5/2018 về đầu tư theo hình thức PPP, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, tại các dự án PPP, nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án ban hành quy chế lựa chọn nhà thầu tư vấn, cung cấp hàng hóa, xây lắp và nhà thầu khác trên cơ sở đảm bảo công bằng, minh bạch, hiệu quả kinh tế để áp dụng thống nhất trong quá trình triển khai dự án.

Điều này có nghĩa là, tại các dự án PPP, quyền lựa chọn nhà thầu xây lắp, tư vấn là của các nhà đầu tư, hoặc doanh nghiệp dự án do các nhà đầu tư tổ chức đại diện cho mình để triển khai công trình.

“Quy định về ban hành quy chế lựa chọn nhà thầu như trên nhằm tạo sự chủ động cho nhà đầu tư trong quá trình triển khai dự án. Trong mọi trường hợp, nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án phải chịu trách nhiệm về chất lượng công trình, dịch vụ của dự án”, công văn do Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Vũ Đại Thắng ký nêu rõ.

Trong số 8 dự án cao tốc Bắc - Nam được đầu tư theo hình thức PPP, 5 dự án có tổng mức đầu tư từ 15.000 tỷ đồng đến 20.000 tỷ đồng/dự án. Nếu thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các nhà đầu tư sẽ tự lựa chọn nhà thầu cho hàng trăm gói thầu xây lắp quy mô lớn.

Đây là thay đổi rất lớn trong lĩnh vực đầu tư xây dựng cơ bản, bởi hiện nay, Bộ GTVT vẫn đang giao cho các ban quản lý dự án (PMU) trực thuộc trong vai trò là đại diện cơ quan nhà nước có thẩm quyền có quyền xem xét, chấp thuận quy chế lựa chọn nhà thầu.

Lúng túng

Không phải ngẫu nhiên mà Bộ GTVT phải phát văn bản “xin trợ giúp” cho vấn đề tưởng như khá rõ ràng này.

Theo Bộ GTVT, ngày 22/11/2017, tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV đã thông qua Nghị quyết số 52/2017/QH14 về chủ trương đầu tư dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020. Thực hiện chỉ đạo của Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng tại Văn bản số 13503/VPCP - CN ngày 20/12/2017, Bộ GTVT đã báo cáo và sau đó, ngày 28/3/2018, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 20/NQ - CP chỉ đạo thực hiện, trong đó cho phép sử dụng vốn Nhà nước tham gia thực hiện các dự án theo hình thức đối tác công tư (PPP). Theo đó, vốn Nhà nước được sử dụng để hỗ trợ một phần chi phí xây dựng công trình để đảm bảo tính khả thi về tài chính, mức hỗ trợ sẽ được tính toán cụ thể trên cơ sở phương án tài chính của từng dự án và được quản lý theo quy định tại Nghị định số 15/2015/NĐ - CP của Chính phủ.

Theo điểm c, khoản 1, Điều 1 (Phạm vi điều chỉnh) Luật Đấu thầu, dự án đầu tư phát triển sử dụng vốn nhà nước từ 30% trở lên hoặc dưới 30% nhưng trên 500 tỷ đồng trong tổng mức đầu tư thì việc lựa chọn nhà thầu cung cấp dịch vụ tư vấn, dịch vụ phi tư vấn, hàng hóa, xây lắp phải áp dụng Luật Đấu thầu. Theo quy định này, các dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông theo hình thức PPP đang được Bộ GTVT triển khai có sử dụng vốn Nhà nước trên 500 tỷ đồng trong tổng mức đầu tư dự án, thì ngoài việc lựa chọn nhà đầu tư, việc lựa chọn nhà thầu (sau khi đã lựa chọn Nhà đầu tư, do Doanh nghiệp dự án là chủ đầu tư tổ chức thực hiện) tham gia thực hiện dự án PPP cũng thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Đấu thầu.

Tuy nhiên, theo khoản 2, Điều 3, Luật Đấu thầu, trường hợp lựa chọn nhà thầu thực hiện gói thầu thuộc dự án PPP thì doanh nghiệp phải ban hành quy định về lựa chọn nhà thầu để áp dụng thống nhất trong doanh nghiệp trên cơ sở bảo đảm mục tiêu công bằng, minh bạch và hiệu quả kinh tế. Tại Nghị định số 15/2015/NĐ-CP ngày 14/02/2015 trước đây và Nghị định số 63/2018/NĐ - CP ngày 4/5/2018 hiện nay về đầu tư theo hình thức PPP cũng quy định thống nhất như khoản 2, Điều 3, Luật Đấu thầu nêu trên, theo đó nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án ban hành quy chế lựa chọn nhà thầu để áp dụng thống nhất trong dự án.

Thực tế, trong những năm qua, tại các dự án BOT (100% vốn của nhà đầu tư) do Bộ GTVT quản lý, hầu hết nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án khi ban hành quy chế lựa chọn nhà thầu đều áp dụng hình thức chỉ định thầu hoặc tự thực hiện.

“Bộ GTVT nhận thấy, việc tổ chức lựa chọn nhà thầu tham gia thực hiện các dự án PPP có sử dụng vốn Nhà nước từ 30% trở lên hoặc dưới 30%, nhưng trên 500 tỷ đồng trong tổng mức đầu tư chưa được quy định, hướng dẫn cụ thể; bắt buộc phải áp dụng Luật Đấu thầu hay áp dụng quy chế lựa chọn nhà thầu do doanh nghiệp dự án ban hành để tổ chức lựa chọn nhà thầu thực hiện các dự án này”, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật nêu quan điểm.

Theo Báo Đầu Tư

Có thể bạn quan tâm