Thống kê của VBMA dựa trên công bố từ trang thông tin của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội. Theo đó, trong tháng 5/2022, có 1 đợt phát hành ra công chúng trị giá 300 tỷ đồng của Công ty CP Đầu tư và Thương mại TNG và 34 đợt phát hành trái phiếu riêng lẻ với giá trị 23.805 tỷ đồng. Tổng cộng là 24.105 tỷ đồng.
Nhóm ngân hàng thương mại đứng đầu về giá trị phát hành với 14.629 tỷ đồng, chiếm 60,68% tổng giá trị phát hành. Ngân hàng TMCP Phương Đông có giá trị phát hành lớn nhất với 2.600 tỷ đồng, chiếm 10,78% tổng giá trị phát hành, sau 2 đợt phát hành trái phiếu kỳ hạn 3 năm.
Theo sau là Ngân hàng TMCP Quân đội với giá trị phát hành 2.500 tỷ đồng, chiếm 10,37% giá trị phát hành và Ngân hàng TMCP Á Châu với 2.000 tỷ đồng, chiếm 8,29% giá trị phát hành.
Nhóm bất động sản xếp ở vị trí thứ hai khi phát hành 6.879 tỷ đồng trái phiếu, tương đương 28,53% tổng giá trị phát hành. Giá trị phát hành lớn nhất là Công ty CP Tập đoàn Đầu tư địa ốc Nova với 5.774 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 10 năm.
Tính chung 5 tháng đầu năm 2022, các doanh nghiệp đã phát hành tổng cộng 177 đợt, trong đó có 160 đợt phát hành riêng lẻ với tổng giá trị khoảng 104.828 tỷ đồng và 17 đợt phát hành ra công chúng giá trị 8.996 tỷ đồng.
Nhóm ngân hàng tiếp tục dẫn đầu về giá trị phát hành với tổng giá trị 42.382 tỷ đồng, tương đương 37,4% tổng giá trị phát hành.
Nhóm bất động sản đứng ở vị trí thứ hai với 37.395 tỷ đồng, chiếm 32,9%; trong đó, Công ty CP Tập đoàn Đầu tư địa ốc Nova phát hành nhiều nhất với 7.574 tỷ đồng, xếp sau là Công ty CP Đầu tư và Phát triển Eagle Side đạt 3.930 tỷ đồng.
Mặc dù Chính phủ đang kiểm soát chặt chẽ việc phát hành trái phiếu nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn lên kế hoạch phát hành “khủng”. Đáng chú ý là Ngân hàng TMCP Phát triển TP.HCM (HDBank) đã phê duyệt phương án phát hành trái phiếu năm 2022 trị giá lên đến 18.000 tỷ đồng, trong đó lần 1 tối đa 15.000 tỷ đồng và lần 2 tối đa 3.000 tỷ đồng.