Các tiêu chí thành công cho Hiệp ước mới về ô nhiễm nhựa

Hiện nay hơn 150 quốc gia thành viên Liên hợp quốc đã chính thức kêu gọi một thỏa thuận toàn cầu mới về ô nhiễm nhựa.
Ô nhiễm nhựa đang là vấn nạn lớn của toàn xã hội. Ảnh: Daily News
Ô nhiễm nhựa đang là vấn nạn lớn của toàn xã hội. Ảnh: Daily News

Trong báo cáo “Các tiêu chí thành công cho Hiệp ước mới về ô nhiễm nhựa”, Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên, còn được biết đến với tên gọi Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên (WWF) đã làm rõ các bài học quan trọng từ việc phân tích các hiệp ước hiện có và đưa ra một loạt các khuyến nghị để đảm bảo rằng, một thỏa thuận toàn cầu mới mang tính ràng buộc pháp lý về ô nhiễm nhựa sẽ có một khởi đầu tốt nhất có thể khi các cuộc đàm phán chính thức sẽ được đưa ra tại Hội đồng Môi trường Liên hợp quốc (UNEA) 5.2 vào tháng 2/2022.

Dựa trên các bài học được phân tích, 5 khuyến nghị chính do WWF đề ra và tóm tắt từ báo cáo bao gồm:

Để đảm bảo đạt được các cam kết của các quốc gia trong việc giải quyết vấn đề này ở cấp độ chính trị cao nhất có thể, thỏa thuận toàn cầu mới về ô nhiễm nhựa phải có tính ràng buộc pháp lý.

Các quy tắc, tiêu chuẩn và yêu cầu trong hiệp ước mới phải cụ thể và tương xứng, và phải được áp dụng cho tất cả các quốc gia thành viên. Hiệp ước nên đặt ra một tiêu chuẩn cao và đồng bộ cho hành động.

Hiệp ước mới phải thiết lập một cơ chế để theo dõi tiến độ và đánh giá các nỗ lực. Cơ chế này cũng nên quy định các thủ tục cho phép chế độ được củng cố dần theo thời gian.

Hiệp ước mới phải cung cấp một cấu trúc mạnh mẽ để thúc đẩy sự tham gia và tuân thủ cũng như hỗ trợ các quốc gia thực hiện các điều khoản cốt lõi của hiệp ước.

Hiệp ước mới phải cung cấp một lộ trình đáng tin cậy cho mục tiêu dài hạn là các đại dương không có nhựa. Các nhà đàm phán không nên để mức độ tham vọng tổng thể bị xác định bởi các quốc gia ít quan tâm nhất.

(Theo Báo cáo của WWF Các tiêu chí thành công cho một hiệp ước mới về ô nhiễm nhựa).

Có thể bạn quan tâm