Phát triển kinh tế tuần hoàn giảm thiểu phát sinh chất thải và ô nhiễm môi trường

Các doanh nghiệp công nghiệp nói chung và doanh nghiệp hóa chất phát triển theo hướng kinh tế tuần hoàn cũng chính là đã góp phần cho cả nền kinh tế của quốc gia phát triển theo xu thế kinh tế tuần hoàn.

Mới đây, Bộ Công Thương, Bộ tài nguyên và Môi trường, UNDP và Hội Hóa học Việt Nam tổ chức hội thảo "Kinh tế tuần hoàn và vai trò của hóa học và công nghiệp hóa chất".

Hội thảo nhằm mục đích nâng cao nhận thức về kinh tế tuần hoàn cho các nhà quản lý, nhà khoa học, các doanh nghiệp trong lĩnh vực hóa chất tại Việt Nam và thảo luận các nguyên tắc và định hướng, giải pháp thực hiện kinh tế tuần hoàn trong ngành công nghiệp hóa chất ở Việt Nam và kế hoạch thực hiện trong thời gian tới.

Công nghiệp hóa chất đóng vai trò rất quan trọng trong nền kinh tế của mỗi quốc gia và là ngành sản xuất lớn thứ năm toàn cầu. Theo báo cáo “Ngành công nghiệp hóa chất toàn cầu: Thúc đẩy tăng trưởng và giải quyết các thách thức về tính bền vững của thế giới” của Hiệp hội hóa chất quốc tế, ngành này đóng góp ước tính 5,7 nghìn tỷ USD vào Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) thế giới thông qua các tác động trực tiếp, gián tiếp và gây ra, tương đương với 7% GDP của thế giới và hỗ trợ 120 triệu việc làm trên toàn thế giới.

Phát triển kinh tế tuần hoàn giảm thiểu ô nhiễm môi trường. (Ảnh: Int)
Phát triển kinh tế tuần hoàn giảm thiểu ô nhiễm môi trường. (Ảnh: Int)

Tuy nhiên đây cũng là ngành đặt ra nhiều vấn đề về môi trường, sức khỏe con người và biến đổi khí hậu. Theo ước tính của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), việc quản lý hóa chất không chặt chẽ trong năm 2016 đã dẫn đến ít nhất 1,6 triệu ca tử vong trên toàn thế giới.

Kinh tế tuần hoàn không chỉ là chiến lược quan trọng đối với toàn cầu, đối với từng quốc gia mà còn đối với từng doanh nghiệp. Chính vì vậy, các doanh nghiệp công nghiệp nói chung và doanh nghiệp hóa chất phát triển theo hướng kinh tế tuần hoàn cũng chính là đã góp phần cho cả nền kinh tế của quốc gia phát triển theo xu thế kinh tế tuần hoàn.

Ông Võ Tuấn Nhân, Thứ trưởng Bộ tài nguyên và môi trường (TNMT) cho biết, ngành công nghiệp hóa chất có thể là ngành có nhiều tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường và rủi ro môi trường, nhưng trên thực tế ngành hóa chất đã tạo ra các giải pháp công nghệ, các công cụ và vật liệu để giải quyết ô nhiễm cho chính mình và những nguồn ô nhiễm khác và khi thực hiện kinh tế tuần hoàn thì vai trò của khoa học hóa học và ngành công nghiệp hóa chất là không thể phủ nhận.

Còn ông Nguyễn Văn Thanh, Cục trưởng cục hóa chất, Bộ Công Thương nhìn nhận, ngành công nghiệp hóa chất là ngành sử dụng nhiều tài nguyên thiên nhiên (quặng apatit, than đá, dầu mỏ…); đồng thời cũng là ngành phát sinh ra nhiều chất thải nguy hại. Nhiều sản phẩm của ngành công nghiệp hóa chất hiện nay chưa được sử dụng hiệu quả hoặc chưa được xử lý triệt để.

 “Trong chiến lược phát triển ngành công nghiệp hóa chất Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2040 mà Bộ đang trình Chính phủ cũng ưu tiên, khuyến khích đầu tư xây dựng các Tổ hợp công nghiệp hóa chất, các khu công nghiệp hóa chất chuyên sâu với nhiều doanh nghiệp hóa chất có liên quan để tạo thành chuỗi liên kết để phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn”, ông Thanh nói

Ông Lê Quốc Khánh, Chủ tịch Hội hóa học Việt Nam đánh giá, hóa học và công nghiệp hóa chất chính là công cụ không thể thiếu để thực thi một nền kinh tế tuần hoàn. Hóa học và công nghiệp hóa chất đã và sẽ là ngành giao thoa của các yêu cầu về nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên không tái tạo, tăng khả năng khai thác, phát triển, sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên tái tạo (kể cả chất thải) để đồng thời giải quyết những xung đột về phát triển và môi trường và xã hội trong những xu thế hiện đại và văn minh hóa ở tất cả các quốc gia, trong đó có Việt Nam.

Cũng tại hội thảo, ông Patrick Haverman, Phó trưởng đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam nhấn mạnh, kinh tế tuần hoàn là giải pháp quan trọng để giảm thiểu phát sinh chất thải và ô nhiễm môi trường.

Để thúc đẩy kinh tế tuần hoàn trong lĩnh vực hóa học và công nghiệp hóa chất, cần phải tiến hành đánh giá tổng thể 10 phân ngành của lĩnh vực hóa chất và qua đó xây dựng kế hoạch áp dụng kinh tế tuần hoàn, với ưu tiên từ các hoạt động thiết thực, dễ thực hiện, dễ tạo sự thay đổi.

“Bằng cách áp dụng các mô hình kinh doanh bền vững và kinh tế tuần hoàn, các doanh nghiệp có thể tạo ra giá trị theo bốn khía cạnh chính: tạo doanh thu, nâng cao thương hiệu, tiết kiệm chi phí, giảm thiểu rủi ro”, ông Patrick Haverman nói.

Trước đó, hồi tháng 10 vừa qua, UNDP và Bộ TN&MT đã công bố "Mạng lưới Kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam". Mạng lưới này nhằm nâng cao nhận thức và xây dựng năng lực của tất cả các bên liên quan, bao gồm các cơ quan công quyền, doanh nghiệp, xã hội dân sự, học viện, trong việc áp dụng một cách có hệ thống các nguyên tắc của kinh tế tuần hoàn, tạo ra sức mạnh tổng hợp và tích hợp các nguồn lực tài chính và kỹ thuật để hỗ trợ quá trình chuyển đổi theo hướng các-bon thấp và tuần hoàn tại Việt Nam. Đây cũng là một trong những hành động góp phần vào những cam kết của Chính phủ Việt Nam tại COP26.

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trả lời chất vấn trước Quốc hội

Chính phủ đề xuất tái khởi động dự án điện hạt nhân

Để đảm bảo nguồn điện cung ứng trước mắt và lâu dài, Chính phủ đã áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó có việc thực hiện đề xuất cấp có thẩm quyền tái khởi động dự án điện hạt nhân, phát triển mạnh điện gió ngoài khơi...

Toàn cảnh bức tranh kinh tế 10 tháng năm 2024 qua các con số

Toàn cảnh bức tranh kinh tế 10 tháng năm 2024 qua các con số

Trong 10 tháng năm 2024, kinh tế Việt Nam đạt kết quả tích cực trong nhiều lĩnh vực như: Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tăng 11,8% (so với cùng kỳ năm 2023); Chỉ số sản xuất ngành công nghiệp tăng ổn định; Số doanh nghiệp thành lập mới “hồi sinh”...