Cần 738.500 tỷ đồng xây dựng hạ tầng vùng Đông Nam bộ đến năm 2030

Việc thúc đẩy xây dựng hoàn thiện hạ tầng giao thông vùng Đông Nam bộ sẽ là động lực thúc đẩy vùng phát triển năng động, có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, động lực tăng trưởng lớn nhất cả nước....
Cần 738.500 tỷ đồng xây dựng hạ tầng vùng Đông Nam bộ đến năm 2030

Phát biểu tại Hội đồng Điều phối vùng Đông Nam bộ tổ chức Hội nghị lần thứ nhất, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng cho biết, theo các quy hoạch, dự kiến tổng nhu cầu vốn đầu tư hạ tầng giao thông vùng Đông Nam bộ khoảng 738.500 tỷ đồng. Trong đó, giai đoạn 2021 - 2025 khoảng 342.000 tỷ, giai đoạn 2026 - 2030 nhu cầu khoảng 396.500 tỷ, chủ yếu tập trung đầu tư vào các dự án trọng điểm, liên kết vùng, tạo động lực lan tỏa.

Trong đó, ưu tiên tập trung hoàn thiện đầu tư các tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam, cao tốc nối TP.HCM với các cửa ngõ, các đầu mối giao thông quan trọng và các đường vành đai thuộc khu vực TP.HCM gồm: Hoàn thành đường Vành đai 3, Vành đai 4, Bến Lức - Long Thành, TP.HCM - Mộc Bài, TP.HCM - Chơn Thành, Biên Hòa - Vũng Tàu, Dầu Giây - Liên Khương, Gò Dầu - Xa Mát, Chơn Thành - Đức  Hòa, Chơn Thành - Gia Nghĩa. 

Đồng thời, tiếp tục đầu tư mở rộng các tuyến cao tốc: TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, TP.HCM - Trung Lương - Mỹ Thuận theo quy hoạch. Nhu cầu vốn đầu tư cho các công trình đường bộ giai đoạn 2021 - 2025 khoảng 187.200 tỷ, giai đoạn 2026 - 2030 nhu cầu vốn đầu tư khoảng 273.520 tỷ.

vùng đông nam bộ
Bộ trưởng Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng phát biểu tại Hội nghị

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải cũng đề xuất 5 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm cần triển khai nhằm thu hút nguồn lực xây dựng mạng lưới giao thông vùng Đông Nam bộ.

Thứ nhất, cần sớm hoàn thiện các quy hoạch tỉnh, quy hoạch vùng đồng bộ với 5 quy hoạch chuyên ngành giao thông vận tải đã được phê duyệt. Triển khai các hoạt động xúc tiến đầu tư nhằm thu hút triển khai các quy hoạch này.

Thứ hai, xây dựng danh mục dự án ưu tiên kêu gọi đầu tư phát triển đến năm 2030 của vùng. Trong đó tận dụng tối đa các nguồn vốn ngoài ngân sách, sử dụng hiệu quả nguồn ngân sách nhà nước với mục tiêu: "Lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư", tập trung vào các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm, có tác dụng lan tỏa, tạo ra liên kết vùng.

Thứ ba, có cơ chế, chính sách đột phá vượt trội để đẩy mạnh phát triển vùng Đông Nam bộ; thúc đẩy liên kết vùng tương tự như một số cơ chế, chính sách thí điểm của TP.HCM...

Thứ tư, các địa phương trong vùng cần chủ động dành nguồn lực để đầu tư, hoàn thiện, nâng cấp kịp thời các tuyến đường kết nối từ đường cao tốc, giao thông trục chính vào các khu kinh tế, khu công nghiệp, cảng biển, sân bay và cảng thủy nội địa, để đảm bảo khai thác đồng bộ hạ tầng giao thông, không để xảy ra tình trạng "cảng chờ đường" gây lãng phí nguồn lực.

Thứ năm, địa phương chỉ đạo quyết liệt đẩy nhanh công tác đền bù GPMB, tạo điều kiện thuận lợi về nguồn vật liệu và kịp thời giải quyết các khó khăn, vướng mắc phát sinh nhằm đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án hạ tầng trọng điểm, liên vùng nhất là hạ tầng giao thông.

Vùng Đông Nam bộ gồm TP.HCM và 5 tỉnh: Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Phước, Tây Ninh. Vùng có diện tích 23.551 km2, chiếm 7,1% diện tích cả nước; dân số khoảng 18,8 triệu người, chiếm 18,9% dân số cả nước (năm 2022). Là trung tâm kinh tế lớn nhất của đất nước, vùng Đông Nam bộ có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia.

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm