Cẩn thận “tiền mất tật mang” do mỹ phẩm kém chất lượng

Từ trước đến nay, thị trường mỹ phẩm luôn trong tình trạng “bát nháo” bởi nhiều loại mỹ phẩm không đạt chuẩn chất lượng, chứa chất cấm hoặc sử dụng hóa chất vượt mức cho phép. Hậu quả là nhiều người phải chịu những di chứng với làn da cũng như sức khỏe…

nen-1-3270.png
Mỹ phẩm kém chất lượng gây ảnh hưởng rất nguy hiểm đến sức khỏe và làn da

Buôn bán các loại mỹ phẩm kém chất lượng không phải là câu chuyện mới. Dù cơ quan chức năng liên tục phát hiện, thu hồi nhưng vẫn không thể kiểm soát được tất cả. Những loại mỹ phẩm này là mối đe dọa nghiêm trọng đối với sức khỏe của người tiêu dùng.

LIÊN TỤC THU HỒI, XỬ PHẠT NHƯNG CHỈ NHƯ "MUỐI BỎ BỂ"

Tính từ đầu năm 2024, Cục Quản lý Dược đã liên tục ban hành công văn thu hồi mỹ phẩm kém chất lượng của các công ty mỹ phẩm, dược phẩm. Trong đó, nguyên nhân thu hồi chủ yếu do mỹ phẩm không đáp ứng được chỉ tiêu giới hạn vi sinh vật, chứa thành phần không có trong hồ sơ công bố, vi phạm giới hạn kim loại nặng…

Gần đây nhất, ngày 20/3, Cục Quản lý Dược thông báo thu hồi toàn quốc lô sản phẩm kem dưỡng trắng da Young One, hộp 1 lọ 20g, số lô TYO.0123, ngày sản xuất 5/1/2023, hạn sử dụng 5/1/2026 do Công ty TNHH hóa mỹ phẩm Chi Chi tổ chức chịu trách nhiệm đưa sản phẩm ra thị trường, sản xuất.

young-one-5854.jpg
Kem dưỡng trắng da Young One

Theo căn cứ công văn số 36/BC-KN của Trung tâm Kiểm nghiệm tỉnh Trà Vinh gửi kèm phiếu kiểm nghiệm số 018L/KN-24, lô sản phẩm trên không đạt tiêu chuẩn chất lượng do chứa thành phần chất bảo quản propyl paraben không có trong thành phần công thức sản phẩm đã được cấp số tiếp nhận phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm.

Hay trước đó, ngày 4/3, Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) đã thông báo thu hồi trên toàn quốc lô sản phẩm bột khử mùi Trapha - hộp 1 chai 30g, số lô 2823, ngày sản xuất 18/9/2023, hạn sử dụng 18/9/2026. Sản phẩm do Công ty cổ phần Traphaco chịu trách nhiệm đưa ra thị trường.

traphaco-1490.jpeg
Bột khử mùi Trapha

Căn cứ công văn số 08/KN-KHTC của Trung tâm Kiểm nghiệm Thuốc - Mỹ phẩm - Thực phẩm tỉnh Hải Dương gửi kèm phiếu kiểm nghiệm và hồ sơ liên quan, mẫu kiểm nghiệm của lô sản phẩm bột khử mùi Trapha - hộp 1 chai 30g không đạt tiêu chuẩn chất lượng về chỉ tiêu giới hạn kim loại nặng.

Trường hợp thứ ba là lô sản phẩm Peeling acne serum, số lô 010623, ngày sản xuất 1/6/2023, hạn sử dụng 1/6/2026, số phiếu công bố 2192/22/CBMP-HCM. Sản phẩm do Chi nhánh 2 Công ty cổ phần công nghệ sinh học Bitechpharm chịu trách nhiệm đưa sản phẩm ra thị trường.

Căn cứ công văn số 68/TTrB-P3 về việc chuyển thông tin xử lý vi phạm hành chính gửi kèm quyết định số 2/QĐ-XPHC của Thanh tra Bộ Y tế về xử phạt vi phạm hành chính Công ty cổ phần công nghệ sinh học Bitechpharm, sản phẩm trên có công thức không đúng như hồ sơ công bố sản phẩm mỹ phẩm. Cụ thể, trong hồ sơ lô sản xuất sử dụng nguyên liệu MC-Salicare có thành phần Dextrin và Nicacinamide không có trong hồ sơ công bố sản phẩm mỹ phẩm.

Như vậy, 3 trường hợp trên chỉ là số ít, xảy ra trong thời gian gần đây nhất. Vẫn còn rất nhiều sản phẩm vi phạm bị thu hồi từ đầu năm và số lượng cũng có thể tăng lên trong tương lai.

Bên cạnh việc thu hồi toàn quốc, Cục Quản lý Dược cũng thông báo tới các cơ sở kinh doanh trên địa bàn ngừng ngay việc kinh doanh, sử dụng lô sản phẩm không đạt chuẩn chất lượng và trả lại cơ sở cung ứng sản phẩm.

Đồng thời, các cơ quan chức năng liên quan phải tiến hành thu hồi và tiêu hủy lô sản phẩm vi phạm kiểm tra, giám sát các đơn vị thực hiện và xử lý các đơn vị vi phạm theo quy định hiện hành.

MẮC BỆNH MÃN TÍNH CỰC NGUY HIỂM NẾU SỬ DỤNG LÂU DÀI

Theo Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Thị Mai Hương tại Trung tâm Thử nghiệm lâm sàng thuộc Bệnh viện Da liễu Trung ương, sản phẩm mỹ phẩm đạt chuẩn chất lượng sẽ phải đáp ứng nhiều tiêu chuẩn nghiêm ngặt gồm tiêu chuẩn của nhà sản xuất, hệ thống bảo quản lưu trữ và phân phối, quan trọng nhất là tiêu chuẩn về các thành phần của mỹ phẩm được Cục Quản lý Dược quy định.

Cụ thể, mỹ phẩm không được chứa chất cấm và nồng độ các chất phải trong hạn mức quy định để không gây hại cho da cũng như sức khỏe của người dùng. Để đảm bảo được tiêu chuẩn ấy, nhà phân phối phải đáp ứng các tiêu chuẩn nghiêm ngặt và trình hồ sơ lên Cục Quản lý Dược. Sau khi được kiểm duyệt, Cục Quản lý Dược sẽ cấp cho sản phẩm công bố mỹ phẩm, đủ điều kiện để được lưu hành trên thị trường.

Trong thị trường, mỹ phẩm kém chất lượng xuất hiện với rất nhiều hình thức khác nhau như kem trộn, rượu thuốc, hàng giả, hàng nhái, hàng xách tay… Thậm chí, hình thức và mẫu mã rất giống các sản phẩm có chất lượng khiến người tiêu dùng phải cảnh giác và cẩn thận khi lựa chọn sử dụng những cái sản phẩm để tránh các tác hại.

Các sản phẩm này có thành phần và độ pH không đạt chuẩn, không thân thiện với làn da, có thể làm phá vỡ hàng rào bảo vệ. Điều này khiến làn da yếu đi, dễ bắt nắng, dễ lão hóa và dễ mắc các bệnh về da.

Theo đó, các dấu hiệu cấp tính dễ thấy nhất là phản ứng dị ứng, kích ứng, đỏ da, ngứa, bong vảy. Mức độ nặng hơn là mụn nước, phù nề, nếu nhiễm trùng sẽ có các vảy tiết rất dày.

"Đặc biệt, khi sử dụng lâu dài có thể để lại hậu quả mãn tính rất nguy hiểm. Cụ thể, khi sử dụng các sản phẩm có chất cấm, sử dụng thường xuyên lâu dài sẽ gây nhiễm độc toàn thân. Chẳng hạn, bệnh nhân bị nhiễm độc chì, nhiễm độc các kim loại nặng mãn tính không chỉ gây biểu hiện ở da mà còn bị nhiễm độc thần kinh, suy gan, suy thận, vô sinh…", bác sĩ Nguyễn Thị Mai Hương nhấn mạnh.

Chính những triệu chứng mãn tính là rất nguy hiểm và thầm lặng khiến người dùng không biết được ngay để dừng sử dụng sản phẩm.

Để làm đẹp an toàn, bác sĩ Mai Hương khuyến cáo, bước bắt đầu lựa chọn sản phẩm phải rất kỹ. Đầu tiên, người tiêu dùng phải chọn nhãn hàng, cơ sở phân phối sản phẩm uy tín, tuyệt đối không sử dụng những sản phẩm trôi nổi, không rõ nguồn gốc.

Trước khi sử dụng, tốt nhất nên được khám và tư vấn bởi bác sĩ và các chuyên gia về da liễu. Khi lựa chọn được sản phẩm đảm bảo chất lượng và phù hợp với làn da, người tiêu dùng vẫn cần phải kiểm tra sản phẩm trước khi sử dụng. Bởi kể cả sản phẩm có chất lượng cũng có thể gây dị ứng.

Cách kiểm tra dễ nhất là thử sản phẩm lên các vị trí da mỏng như góc hàm, mặt trong cẳng tay… trước khi sử dụng lên toàn mặt. Nếu có phản ứng dị ứng thì người dùng có thể phát hiện sớm, tránh tình trạng phản ứng lan rộng. Tuyệt đối không sử dụng những sản phẩm không rõ nguồn gốc, tem mác không rõ ràng hoặc các cơ sở phân phối không đảm bảo uy tín.

Ngoài ra, để đảm bảo an toàn khi sử dụng mỹ phẩm, Bệnh viện Da liễu Trung ương cũng đã triển khai rất nhiều xét nghiệm và thử nghiệm về các loại mỹ phẩm. Đối với bệnh nhân sử dụng nhiều loại mỹ phẩm cùng lúc, bệnh viện sẽ làm xét nghiệm dị ứng để xác định nguyên nhân chính xác. Thậm chí có thể kiểm tra thành phần nào gây dị ứng để người bệnh tránh trong các sản phẩm về sau.

Đối với các sản phẩm mỹ phẩm, Trung tâm Thử nghiệm lâm sàng của bệnh viện cũng có các nghiên cứu như xét nghiệm sản phẩm mỹ phẩm, kiểm tra dị ứng (test áp) trên da để xác định tỷ lệ gây dị ứng, kích ứng trên da người dùng. Những xét nghiệm, thử nghiệm đó giúp làm tăng độ an toàn cho người dùng khi sử dụng sản phẩm.

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm