Cần Thơ bổ sung 100 tỷ đồng cho dự án đường Vành đai phía Tây

Dự án đường Vành đai phía Tây tại Cần Thơ sẽ được bổ sung thêm 100 tỷ đồng để chi trả bồi thường và tái định cư…
vành đai phía tây
Thành phố Cần Thơ vào ban đêm (ảnh minh họa)

Uỷ ban nhân dân thành phố Cần Thơ vừa chỉ đạo việc triển khai thực hiện dự án đường Vành đai phía Tây; yêu cầu tính toán chi tiết, chính xác chi phí bồi thường, hỗ trợ và tái định cư… để thực hiện điều chỉnh chủ trương do tăng tổng mức đầu tư, tránh trường hợp phải điều chỉnh nhiều lần.

Theo đó, Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu Ủy ban nhân dân thành phố trình Hội đồng nhân dân thành phố bố trí bổ sung vốn năm 2023 là 100 tỷ đồng cho Sở Giao thông vận tải thực hiện chi trả bồi thường và tái định cư. Liên hệ Bộ Kế hoạch và Đầu tư việc sử dụng nguồn vốn hỗ trợ từ Trung ương nhằm giải quyết những khó khăn này.

Cùng với đó, xem xét, tham mưu Uỷ ban nhân dân thành phố cân đối, bố trí vốn thực hiện việc mở rộng các khu tái định cư theo đề nghị của Uỷ ban nhân dân quận, huyện nhằm đảm bảo việc bố trí tái định cư khi có công trình thực hiện trên địa bàn quận, huyện.

Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Uỷ ban nhân dân quận, huyện tham mưu Uỷ ban nhân dân thành phố phê duyệt lại giá đất cụ thể theo quy định.

Đồng thời, Sở Giao thông vận tải chủ trì, rà soát, tính toán chính xác chi phí phát sinh phần xây lắp. Đồng thời, phối hợp với Uỷ ban nhân dân quận, huyện và các đơn vị liên quan thực hiện điều chỉnh dự án đường Vành đai phía Tây trong quý 1/2023.

Đối với quyết định phê duyệt chi phí bồi thường, hỗ trợ và tái định cư của dự án đường Vành đai phía Tây đã được phê duyệt thì tiếp tục thực hiện việc chi trả; đối với trường hợp đã được phê duyệt nhưng người bị ảnh hưởng chưa chịu nhận tiền, cần lập hồ sơ, biên bản đầy đủ, tránh khiếu kiện về sau.

Được biết, dự án đường Vành đai phía Tây thành phố Cần Thơ nối Quốc lộ 91 và Quốc lộ 61C là Dự án thuộc nhóm A, loại công trình đường đô thị, đường phố gom, công trình giao thông cấp II, tốc độ thiết kế 50 km/h.

Với tổng mức đầu tư dự án hơn 3.837 tỷ đồng, từ ngân sách Trung ương hỗ trợ địa phương và huy động các nguồn vốn khác. Trong đó, chi phí bồi thường, hỗ trợ và tái định cư hơn 829 tỷ đồng; chi phí xây dựng hơn 2.684 tỷ đồng; chi phí quản lý dự án hơn 16 tỷ đồng; chi phí tư vấn đầu tư xây dựng gần 94 tỷ đồng; chi phí khác hơn 38 tỷ đồng; chi phí dự phòng hơn 174 tỷ đồng.

Khi đi vào hoạt động dự án đường Vành đai phía Tây sẽ hình thành trục vành đai ngoài đặc biệt quan trọng của thành phố Cần Thơ, kết nối với các tuyến giao thông quan trọng của quốc gia và của vùng Đồng bằng sông Cửu Long như Quốc lộ 91, Quốc lộ 61C, Quốc lộ 1A, tạo nên hệ thống giao thông liên hoàn, giúp cho việc vận chuyển hàng hóa, hành khách giữa Cần Thơ với các tỉnh lân cận được thuận lợi, nhanh chóng và an toàn.

Ngoài ra, việc đưa dự án đường Vành đai phía Tây vào khai thác sử dụng góp phần rất lớn vào việc giảm ùn tắc giao thông khu vực nội ô quận Ninh Kiều, mở rộng không gian phát triển thành phố Cần Thơ về phía Tây, tạo động lực mạnh mẽ thúc đẩy việc xây dựng và phát triển thành phố ngày càng văn minh, hiện đại.

Xem thêm

Thông xe Vành đai 2 trên cao vào ngày 11/1/2023

Thông xe Vành đai 2 trên cao vào ngày 11/1/2023

Hà Nội đã chốt kế hoạch thông xe tuyến đường Vành đai 2 trên cao đoạn từ Ngã Tư Sở tới cầu Vĩnh Tuy, kết hợp với mở rộng theo quy hoạch phần đi bằng đoạn từ Vĩnh Tuy đến Ngã Tư Vọng theo hình thức hợp đồng BT vào ngày 11/1 tới.

Có thể bạn quan tâm

Trung tâm thương mại hút khách thuê

Trung tâm thương mại hút khách thuê

Giá thuê trung bình tăng tới 16,2% tại Hà Nội và 15,4% tại TP.HCM, khẳng định sức hút ngày càng lớn của trung tâm thương mại đối với các nhà đầu tư và thương hiệu…