CTCP Cảng Quy Nhơn (mã : QNP) vừa phát đi thư mời Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2019 và nội dung các tở trình được đưa ra lấy biểu quyết cổ đông.
Trong đó, đáng chú ý là 2 tờ trình đưa ra biểu quyết ĐHĐCĐ, các tờ trình này nếu được thông qua sẽ làm thay đổi hiện trạng Cảng Quy Nhơn và chắc chắn quá trình nhà nước thu hồi lại cổ phần đã bán tại cảng này sẽ bị ảnh hưởng.
Cụ thể, 1 tờ trình về việc tăng vốn điều lệ từ 404,09 tỷ đồng, lên 538,79 tỷ đồng, thực hiện trong năm 2019. Hình thức tăng vốn là phát hành cổ phiếu cho các cổ đông hiện hữu.
Tờ trình còn lại là về việc thực hiện đầu tư mở rộng cảng Quy Nhơn theo quy hoạch đã được phê duyệt, cũng thực hiện trong năm 2019. Số tiền đầu tư mở rộng cảng được lấy từ phần tăng vốn điều lệ.
Ngoài ra, HĐQT Cảng Quy Nhơn cũng trình ĐHĐCĐ thông qua về việc niêm yết cổ phiếu QNP trên Sở chứng khoán TPHCM (HoSE), thời gian thực hiện trong năm 2019.
Đề xuất tăng vốn của Cảng Quy Nhơn diễn ra trong thời điểm việc chuyển giao 75,01% vốn của công ty này từ CTCP Đầu tư Khoáng sản Hợp Thành về Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) đang gặp vướng mắc về việc xác định giá trị đầu tư hoàn trả cho nhà đầu tư.
Nếu kế hoạch tăng vốn và đầu tư mở rộng cảng Quy Nhơn được ĐHĐCĐ thông qua , chắc chắn việc Vinalines đàm phán với Khoáng sản Hợp Thành để thu hồi 75,01% cổ phần nhà nước tại cảng này sẽ không còn dễ dàng.
Đại diện Vinalines cho biết, tổng công ty đã có văn bản báo cáo Bộ GTVT yêu cầu nhà đầu tư dừng việc tăng vốn điều lệ. “Kết luận thanh tra đã yêu cầu thu hồi cổ phần QNP trên cơ sở đảm bảo nguyên trạng, việc tăng vốn điều lệ vào thời điểm này sẽ là phức tạp thêm quá trình chuyển giao 75,01% vốn về Vinalines”, đại diện Vinalines cho biết.
Trước vấn đề này, lãnh đạo Bộ GTVT cho biết, kế hoạch tổ chức ĐHĐCĐ của Cảng Quy Nhơn phải đảm bảo đúng quy định của kết luận thanh tra. “Việc tăng vốn khi thanh tra đã kết luận chuyển giao nguyên trạng là không thể thực hiện”.
Tuy nhiên, theo Luật sư Trương Xuân Tám, Ủy viên Hội đồng Luật sư Toàn quốc, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho biết, tăng vốn là hoạt động của một công ty cổ phần, nó hoàn toàn độc lập và theo Luật Doanh nghiệp, công ty có quyền tăng, giảm vốn.
Không thể dùng mệnh lệnh hành chính để buộc Cảng Quy Nhơn dừng tăng vốn điều lệ, trừ khi có quyết định của cơ quan điều tra vụ án hình sự hay có phán quyết có hiệu lực pháp luật của tòa kinh tế.
Theo BCTC hợp nhất năm 2018 của Cảng Quy Nhơn, năm vừa qua công ty ghi nhận doanh thu đạt 728 tỷ đồng (tăng 29% so với cùng kỳ).
Lợi nhuận trước thuế đạt hơn 120 tỷ đồng (tăng 28%), nộp ngân sách hơn 58 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế đạt hơn 96,6 tỷ đồng.
Năm 2019, cảng Quy Nhơn đặt mục tiêu sản lượng hàng hóa thông qua cảng hơn 8,8 triệu tấn, doanh thu hơn 767 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 125 tỷ đồng, và lợi nhuận sau thuế 100 tỷ đồng.
Đáng chú ý, trong báo cáo hợp nhất của cảng Quy Nhơn năm 2018, chỉ duy nhất 1 câu nói về việc nhà nước thu hồi lại 75,01% cổ phần đã thoái tại cảng này.
Theo đó, ở phần “Thông tin khác”, có nêu: Theo thông báo kết luận thanh tra toàn diện về cổ phần hóa Cty Cảng Quy Nhơn ngày 17/9/2018 của Thanh tra Chính phủ, kiến nghị Thủ tướng giao Bộ GTVT chủ trì thực hiện chuyển giao lại 75,01% cổ phần của công ty mẹ đã đầu tư tại cảng Quy Nhơn về sở hữu Nhà nước.
>> Rốt ráo thu hồi cổ phiếu Cảng Quy Nhơn