Cảnh báo tình trạng đầu cơ, đẩy giá đất nền vượt giá trị thực

Sáng 9/1, Công ty CP DKRA Việt Nam đã tổ chức Báo cáo toàn cảnh thị trường Bất động sản Nhà ở TP.HCM năm 2018 với chủ đề “Những gam màu sáng - tối”.
Cảnh báo tình trạng đầu cơ, đẩy giá đất nền vượt giá trị thực

Với tình hình giao dịch ổn định, phân khúc đất nền vẫn là kênh đầu tư được lựa chọn hàng đầu

Theo đánh giá của DKRA Việt Nam, với tình hình giao dịch ổn định, phân khúc đất nền vẫn là kênh đầu tư được lựa chọn hàng đầu. Phân khúc này có sức tiêu thụ khả quan, giao dịch ổn định.

Cụ thể, trong năm 2018, phân khúc đất nền cung cấp ra thị trường khoảng 3.736 nền, bằng 52% so với nguồn cung của năm 2017 (khoảng 7.181 nền). Tỷ lệ tiêu thụ đạt khoảng 86% (khoảng 3,272 nền), bằng 48% so với năm 2017 (khoảng 6.851).

Giá bán tăng trung bình từ 12% - 15% so với năm 2017. Tuy nhiên, mức tăng giá tập trung ở giai đoạn đầu năm. Trong 6 tháng cuối năm 2018, giá bán không có nhiều biến động. Nguồn cung và lượng tiêu thụ ở khu vực phía Bắc chiếm tỷ trọng lớn trên thị trường (hơn 50%), quy mô dự án nhỏ từ 1 - 2ha.

“Với tỷ lệ tiêu thụ khả quan trong năm 2018, đất nền tiếp tục là kênh lựa chọn đầu tư hàng đầu. Tuy nhiên, do thị trường giảm nhiệt trong thời gian qua, DKRA Vietnam nhận định nguồn cung mới có thể sẽ không tăng và khách hàng cũng thận trọng hơn khi quyết định đầu tư”, ông Nguyễn Hoàng, Giám đốc Bộ phận R&D DKRA Việt Nam nhận định.

Lý do mà khách hàng thận trọng hơn, theo ông Hoàng chính là việc thời gian qua phân khúc này có tỷ lệ đầu tư, đầu cơ lớn và qua qua mỗi lần giao dịch, mức giá sản phẩm bị đẩy cao vượt thị giá thực.

Đối với phân khúc căn hộ, nguồn cung và sức tiêu thụ của phân khúc căn hộ trong năm 2018 có sự giảm nhẹ so với năm 2017, tuy nhiên trên tổng thể vẫn dồi dào và có giao dịch ổn định. Giá bán căn hộ tăng trung bình 7% - 10% so với năm 2017 và chủ yếu tăng giá trong 6 tháng đầu năm 2018.

Theo ghi nhận, nguồn cung loại hình căn hộ hạng C sụt giảm mạnh so với năm 2017, đồng thời vị trí phân bố cũng đang có sự dịch chuyển ngày càng xa trung tâm thành phố.

DKRA Việt Nam dự báo, năm 2019, nguồn cung mới dao động ở mức 30.000 – 35.000 căn, chiếm tỷ trọng lớn ở khu Đông và khu Nam. “Căn hộ hạng A và B tiếp tục dẫn dắt thị trường trong khi căn hộ hạng C vẫn khan hiếm khi chưa có nhiều dự án sẵn sàng tung ra thị trường”, ông Hoàng nhận định.

Phân khúc nhà phố và biệt thự cũng không tránh khỏi tình trạng chung là sự sụt giảm về nguồn cung, giá trung bình đối với phân khúc cao cấp ở mức từ 15 tỷ đồng/căn. Năm 2019, dự báo nguồn cung có thể lên mức 2.500 – 3.500 căn nếu thị trường thuận lợi và sự chuẩn bị đầy đủ kịp thời của chủ đầu tư và sức cầu thị trường có thể tăng nhẹ.

Một trong những phân khúc được nhiều “ông lớn” chuyển hướng triển khai thời gian qua là bất động sản nghỉ dưỡng tiếp tục đà giảm nhiệt. Theo thống kê, nguồn cung và tỷ lệ tiêu thụ của biệt thự nghỉ dưỡng trong năm 2018 bằng 52% và 54% so với năm 2017. Số lượng condotel mở bán trong năm 2018 cũng chỉ bằng gần 1/3 so với năm 2019 với sức cầu khá thấp ngoại trừ một số dự án nổi bật ở Khánh Hòa.

“Năm 2019 có thể là một năm thách thức của thị trường bất động sản nghỉ dưỡng khi hàng loạt dự án được đưa vào vận hành. Nguồn cung mới vẫn tập trung chủ yếu ở những địa phương quen thuộc như Đà Nẵng, Khánh Hòa, Phú Quốc, Bình Thuận".

Tuy vậy, theo DKRA Việt Nam, các dự án bất động sản hạng sang, cao cấp tại TP.HCM và bất động sản nghỉ dưỡng vẫn có nhiều tiềm năng phát triển nhờ lượng khách nước ngoài, đa phần từ các nước Châu Á tiếp tục tìm đến thị trường Việt Nam.

Nhận định chung về thị trường bất động sản TP.HCM thời gian qua, ông Phạm Lâm, Tổng giám đốc DKRA Việt Nam, cho rằng:  Ngoài những gam màu sáng, thị trường vẫn còn những gam màu tối. Đó là sự chênh lệch cung cầu và tỷ trọng nguồn cung bất hợp lý giữa các phân khúc căn hộ hạng A, hạng B và hạng C.

Từ năm 2018, sức hấp thụ của thị trường bắt đầu giảm nhiệt, giao dịch thứ cấp cũng không còn sôi nổi như những năm trước. Những cơn sốt đất nền vùng ven đẩy thị trường vào tình trạng nóng sốt quá mức, đỉnh điểm từ năm 2017 đến nửa đầu năm 2018, tuy đã được điều chỉnh kịp thời, song vẫn gây ra nhiều lo ngại.

Lượng khách nước ngoài mua bất động sản tại Việt Nam tăng nhanh trong khi chưa có những quy định quản lý về lâu dài, tiềm ẩn nhiều rủi ro liên đới về xã hội, chính trị, kinh tế…

Nhiều cuộc xung đột lợi ích giữa khách hàng, cư dân và chủ đầu tư, bắt nguồn từ những nguyên nhân như chủ đầu tư vi phạm hợp đồng, quy định pháp lý chưa chặt chẽ, dẫn đến nhiều kẽ hở khi triển khai dự án…

Chương trình bố trí nguồn vốn vào bất động sản chưa hợp lý. Do đó, khi thị trường có những dấu hiệu đáng quan ngại, giải pháp hiện thời là siết tín dụng vốn và về lâu dài sẽ gây ảnh hưởng sức cầu cũng như kềm hãm sự tăng trưởng của thị trường.

Quy hoạch kém bền vững dẫn đến mặt trái khi thị trường phát triển là cảnh quan đô thị bị phá vỡ, ảnh hưởng môi trường và chất lượng sống của con người.

Tuy vậy, theo ông Lâm, thị trường bất động sản trong giai đoạn 2014 - 2018 về cơ bản vẫn là một bức tranh đáng lạc quan và có nhiều cơ hội tăng trưởng trong tương lai.

Có thể bạn quan tâm

Có hiện tượng người tham gia đấu giá trả giá cao bất thường, có dấu hiệu thổi giá trong đấu giá đất

Thủ tướng yêu cầu chấn chỉnh hoạt động đấu giá đất

Thủ tướng giao Bộ Tài nguyên và Môi trường tăng cường kiểm tra, thanh tra hoạt động đấu giá quyền sử dụng đất đối với những trường hợp có biểu hiện bất thường, kịp thời phát hiện các bất cập trong quy định pháp luật để tham mưu, đề xuất cấp thẩm quyền sửa đổi, bổ sung cho phù hợp...

Giải bài toán nhà ở: Cần "di dời" sức cầu ra vùng ven

Giải bài toán nhà ở: Cần "di dời" sức cầu ra vùng ven

Với mức giá bất động sản hiện tại, những người có thu nhập rất khó sở hữu một căn nhà. Tuy nhiên, các chuyên gia bất động sản chỉ ra rằng, giải pháp không nằm ở nội đô chật chội mà ở các khu vực ven đô đang phát triển…