Cao tốc TPHCM-Long Thành-Dầu Giây chính thức thu phí không dừng toàn tuyến từ ngày mai

Ngày mai (26/7), Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) tiếp tục vận hành hệ thống ETC tuyến cao tốc TPHCM – Long Thành – Dầu Giây, vượt tiến độ 5 ngày theo chỉ đạo của Chính phủ.

Theo đó, VEC và TASCO đưa vào vận hành 25 làn thu phí ETC trên tuyến cao tốc TPHCM – Long Thành – Dầu Giây tại 3 trạm thu phí, bao gồm 11 làn vào và 14 làn ra, bảo đảm năng lực thông hành hiện tại.

Hệ thống thu phí ETC tại Trạm thu phí 319, bao gồm 3 làn vào và 3 làn ra, do Công ty CP Đầu tư và Phát triển Cường Thuận IDICO đầu tư, cũng đã kết nối liên thông với các trạm thu phí của VEC trên tuyến.

Hệ thống thu phí ETC do VEC và TASCO triển khai lắp đặt trên tuyến cao tốc TPHCM – Long Thành – Dầu Giây tuân thủ các yêu cầu kỹ thuật chung với hệ thống ETC sử dụng công nghệ RFID được quy định tại Quyết định số 2255/QĐ-BGTVT ngày 21/7/2016 của Bộ GTVT và các tiêu chuẩn kỹ thuật liên quan khác theo quy định, bảo đảm tính đồng bộ và khả năng kết nối liên thông với hệ thống thu phí ETC trên toàn quốc.

Theo thống kê, hiện nay, lưu lượng bình quân trên tuyến cao tốc TPHCM – Long Thành – Dầu Giây đạt 45.000 – 50.000 lượt phương tiện/ngày đêm, vượt năng lực thông hành thiết kế. 

Trong thời gian chưa thực hiện đầu tư, mở rộng tuyến cao tốc lên 8-10 làn xe, việc đưa hệ thống thu phí ETC tuyến cao tốc TPHCM – Long Thành – Dầu Giây vào khai thác sẽ giảm thiểu tình trạng ùn ứ tại các trạm thu phí vào các khung giờ cao điểm, ngày lễ, Tết; tạo thuận lợi tối đa, sự thoải mái cho người tham gia giao thông; giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường, tiết giảm chi phí xã hội… 

Cao tốc TPHCM – Long Thành – Dầu Giây là tuyến cao tốc trọng điểm phía nam, tuyến đường huyết mạch giúp kết nối giao thông, kinh tế giữa TPHCM với các vùng Đông Nam Bộ, Tây Nguyên. Đây cũng là một trong những tuyến cao tốc kết nối với Cảng hàng không quốc tế Long Thành dự kiến đi vào hoạt động từ năm 2025. 

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm