Thông tin trên đã được Go-Viet xác nhận trong một thông cáo báo chí phát đi chiều nay (29/3). Mặc dù rời vị trí điều hành nhưng ông Nguyễn Vũ Đức và bà Nguyễn Bảo Linh vẫn sẽ cố vấn cho Go-Viet, Go-Jek và tiếp tục làm việc tại Việt Nam.
Ông Đức là CEO của Go-Viet từ khi công ty này được thành lập từ tháng 3 năm ngoái để đưa ứng dụng gọi xe số 1 tại Indonesia sang thị trường Việt Nam.
Xuất hiện tại Việt Nam từ tháng 7 năm ngoái, Go-Viet được hậu thuẫn của Go-jek, kỳ lân gọi xe của Indonesia. Sau dịch vụ gọi xe và giao hàng, công ty mới mở thêm dịch vụ giao đồ ăn Go-Food và có kế hoạch giới thiệu dịch vụ gọi xe 4 bánh.
CEO Nguyễn Vũ Đức từng chia sẻ: "Chúng tôi không đơn thuần là một ứng dụng riêng lẻ chỉ để gọi xe hay giao hàng... Từ đầu, Go-Viet đã xác định là một nền tảng đa dịch vụ theo yêu cầu, với mục tiêu giúp cải thiện và nâng cao đời sống người Việt Nam. Do đó, thời gian tới, chúng tôi sẽ ra mắt thêm nhiều dịch vụ hơn nữa, như gọi xe 4 bánh, làm đẹp, chăm sóc sức khỏe tại nhà, ví điện tử...".
Go-Viet cùng với Grab và một số ứng dụng gọi xe của trong nước như FastGo, Be đang nắm giữ thị trường gọi xe trị giá 500 triệu USD của Việt Nam. Tới năm 2025, dự báo sân chơi này sẽ đạt ngưỡng 2 tỷ USD, với tốc độ tăng trưởng 29%/năm, theo báo cáo của Google và Temasek.
Trên thực tế thị trường gọi xe gồm 2 hoạt động chính là: gọi xe để đi lại, di chuyển, và gọi xe để giao nhận đồ ăn. Điều này giải thích tại sao, chỉ trong một thời gian ngắn, liên tục các ông lớn như Grab, Go-Viet, FastGo hay Foody, Lozi... tham gia vào thị trường này.