Chấm dứt kinh doanh dưới giá vốn, Vietravel tính tăng thêm vốn điều lệ

Kế hoạch tăng vốn điều lệ của Vietravel đã được đại hội cổ đông thường niên năm 2022 thông qua, bằng việc phát hành cổ phiếu hoán đổi nợ và chào bán cổ phiếu riêng lẻ với tổng số lượng 12 triệu cổ phiếu…
Chấm dứt kinh doanh dưới giá vốn, Vietravel tính tăng thêm vốn điều lệ

Cổ phần Du lịch và Tiếp thị Giao thông vận tải Việt Nam (Vietravel, mã chứng khoán: VTR) vừa thông báo đã hoàn tất các thủ tục tăng vốn điều lệ từ 173 tỷ đồng lên 293 tỷ đồng.

Kế hoạch tăng vốn điều lệ của Vietravel đã được đại hội cổ đông thường niên năm 2022 thông qua, bằng việc phát hành cổ phiếu hoán đổi nợ và chào bán cổ phiếu riêng lẻ với tổng số lượng 12 triệu cổ phiếu. Các cổ phiếu này sẽ bị hạn chế chuyển nhượng trong vòng 1 năm kể từ ngày kết thúc đợt phát hành vào ngày 7/2/2023.

Trong đó, 6 triệu cổ phiếu để hoán đổi khoản nợ 168 tỷ đồng cho Tập đoàn Hưng Thịnh (tỷ lệ chuyển đổi 28.000 đồng/cổ phiếu) và 6 triệu cổ phiếu phát hành riêng lẻ cho cổ đông là các nhà đầu tư đang nắm giữ các vị trí quan trọng tại Vietravel.

Riêng ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch Hội đồng quản trị Vietravel trở thành cổ đông lớn của công ty khi mua vào hơn 2,9 triệu cổ phiếu VTR theo như đăng ký trước đó.

Như vậy, sau khi phát hành 12 triệu cổ phiếu và tăng vốn điều lệ, ngoài Công ty Cổ phần Tập đoàn Vietravel, ông Nguyễn Quốc Kỳ, Công ty Cổ phần Tập đoàn Hưng Thịnh và Công ty Cổ phần Quản lý Quỹ VinaCapital thuộc Tập đoàn VinaCapital là những cổ đông lớn của Vietravel.

Trước đó, VinaCapital tham gia trở thành cổ đông của Vietravel vào cuối năm 2022 khi nhận chuyển nhượng 1,78 triệu cổ phiếu VTR từ Tập đoàn Vietravel theo phương thức thỏa thuận và khớp lệnh với giá 24.000 đồng/cổ phiếu.

Theo đại diện Vietravel, việc tăng vốn sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho công ty có đủ nguồn lực để thực hiện các chiến lược kinh doanh giai đoạn 2023 - 2025, hướng đến năm 2030. Trong đó, tập trung đưa công nghệ vào phục vụ hoạt động kinh doanh, xây dựng sản phẩm mới, mở rộng hệ thống các chi nhánh trong và ngoài nước.

Theo báo cáo tài chính quý 4/2022, Vietravel đạt mức doanh thu 1.133 tỷ đồng, tăng gấp 6 lần cùng kỳ. Năm 2022, tổng doanh thu của Vietravel đạt 3.809 tỷ đồng, tăng gấp 6 lần so với kết quả đã đạt được trong năm 2021. Nhờ kết quả kinh doanh khởi sắc, Vietravel đã chấm dứt việc kinh doanh dưới giá vốn khi có lãi gộp gần 310 tỷ đồng trong năm 2022.

Kinh doanh hiệu quả, kèm việc tiết giảm được các chi phí như lãi vay, bán hàng và giảm lỗ ở công ty liên kết, nhờ đó, Vietravel ngắt được mạch 2 năm lỗ nặng vì dịch với lãi trước thuế khoảng 121,8 tỷ đồng, vượt xa kế hoạch cả năm.

Kết thúc năm 2022, khoản lỗ luỹ của Vietravel giảm còn khoảng 67,3 tỷ đồng. Đồng thời, Vietravel cũng thoát khỏi tình trạng âm vốn chủ sở hữu khi dương khoảng 128 tỷ đồng.

Từ giữa tháng 9/2022 đến nay, cổ phiếu VTR bị hạn chế và chỉ được giao dịch vào phiên thứ 6 hàng tuần trên sàn UPCoM. Nguyên nhân là công ty bị âm vốn chủ sở hữu hơn 104 tỷ đồng căn cứ theo báo cáo soát xét bán niên 2022.

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 26/2/2023, giá cổ phiếu VTR đạt mức 26.500 đồng/cổ phiếu.

Vietravel tăng vốn điều lệ
Chốt phiên giao dịch ngày 26/2/2023, giá cổ phiếu VTR đạt mức 26.500 đồng/cổ phiếu

Dự kiến năm 2023, riêng lĩnh vực du lịch, Vietravel đặt kế hoạch doanh thu 5.770 tỷ đồng, tăng 152% so với năm 2022.

Vietravel cũng đề ra chiến lược phát triển dựa vào sự gắn kết chặt chẽ của 3 công ty trong hệ sinh thái của mình, gồm Vietravel (du lịch - mở và phát động thị trường), Vietravel Airlines (hãng vận chuyển) và World Trans (công ty phân phối bán sỉ vé). Sự kết nối này đã được thể hiện thử nghiệm thành công trên đường bay của Vietravel Airlines đến Bangkok - Thái Lan.

Đại diện Vietravel cho hay: “Vietravel xác định lĩnh vực du lịch vẫn đóng vai trò trọng yếu, cùng với Vietravel Airlines sẽ mở rộng hệ thống các đường bay trong nước và quốc tế, tạo ra nhiều cơ hội để Vietravel phục hồi và bứt phá, qua đó tiếp tục duy trì vị thế là doanh nghiệp đầu tàu của ngành du lịch Việt Nam”.

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm

Ông Dương Văn Bắc, tân Tổng giám đốc Novaland

Novaland có Tổng giám đốc mới

Ông Dương Văn Bắc tốt nghiệp Thạc sĩ Tài chính và Ngân hàng của Trường Đào tạo Thạc sỹ Quản lý đa ngành tại Việt Nam (CFVG), có hơn 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực đầu tư và tài chính, chuyên sâu về định giá, thị trường tài chính và tiền tệ.

Duy trì danh mục với cổ phiếu giữ được biên độ sideway theo VN-Index hoặc tăng nhẹ nhờ lực cầu ổn định

Duy trì danh mục với cổ phiếu giữ được biên độ sideway theo VN-Index hoặc tăng nhẹ nhờ lực cầu ổn định

Nhà đầu tư chỉ nên duy trì danh mục đối với những cổ phiếu xác nhận hỗ trợ thuyết phục, giữ được biên độ sideway theo VN-Index hoặc vẫn tăng nhẹ nhờ lực cầu ổn định. Đồng thời, có thể cân nhắc giải ngân thêm khi thị trường có nhịp rung lắc ở những cổ phiếu này...

Lợi nhuận 9 tháng MWG gấp 37 lần cùng kỳ, vượt 20% kế hoạch năm

Lợi nhuận 9 tháng MWG gấp 37 lần cùng kỳ, vượt 20% kế hoạch năm

Trong 9 tháng đầu năm 2024, MWG ghi nhận doanh thu thuần đạt 99.767 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 2.881 tỷ đồng, gấp hơn 37 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Với kết quả này, MWG đã hoàn thành gần 80% mục tiêu doanh thu và vượt 20% kế hoạch lợi nhuận cả năm mà công ty đề ra...

Nasdaq chạm đỉnh lịch sử

Nasdaq chạm đỉnh lịch sử

Nasdaq lập kỷ lục mới trong phiên 29/10 khi các nhà đầu tư đánh giá hàng loạt báo cáo lợi nhuận và chờ đợi kết quả từ Alphabet được công bố sau giờ đóng cửa…

Nắm giữ các cổ phiếu dài hạn, chuẩn bị tiền mặt để giải ngân khi về định giá hấp dẫn

Nắm giữ các cổ phiếu dài hạn, chuẩn bị tiền mặt để giải ngân khi về định giá hấp dẫn

Nhà đầu tư nên theo sát diễn biến tỷ giá, giá dầu và các thị trường thế giới để chờ đợi các tín hiệu xác nhận xu hướng hồi phục rõ ràng hơn. Đồng thời, tập trung nắm giữ các cổ phiếu dài hạn và chuẩn bị sẵn lượng tiền mặt để giải ngân khi các cổ phiếu này về định giá hấp dẫn...