Chân dung các ông chủ “đình đám” mua lại một phần dự án 700ha VSIP Bắc Ninh

Năm nhà đầu tư thứ cấp này được biết đến đều là những tên tuổi "đáng gờm" trong giới bất động sản, chẳng hạn như: Bình Dương (thành viên của tập đoàn Becamex IDC), Bất động sản Singland, Việt Nhân Bắc Ninh (thành viên của Việt Nhân Group), Đệ Tam, Hoa Đất.

Chân dung các ông chủ “đình đám” mua lại một phần dự án 700ha VSIP Bắc Ninh

Mới đây, đoàn Thanh tra tỉnh Bắc Ninh đã thanh tra và phát hiện Công ty TNHH VSIP Bắc Ninh ký thư chào chuyển nhượng cho hai trong số 5 nhà đầu tư thứ cấp mua lại một phần dự án Khu đô thị và dịch vụ VSIP Bắc Ninh khi chưa có văn bản đồng ý của Chủ tịch tỉnh, tự ý giao đất khi chưa có quyết định thu hồi, "bán chui" một phần dự án,...

Được biết, năm nhà đầu tư thứ cấp này đều là những tên tuổi "đáng gờm" trong giới bất động sản, chẳng hạn như: Bình Dương (thành viên của tập đoàn Becamex IDC), Bất động sản Singland, Việt Nhân Bắc Ninh (thành viên của Việt Nhân Group), Đệ Tam, Hoa Đất.

CÔNG TY CỔ PHẦN KINH DOANH VÀ ĐẦU TƯ BÌNH DƯƠNG

Đây chính là doanh nghiệp đứng đầu trong danh sách bị thanh tra "bêu tên" với hàng loạt những sai phạm...

Theo tìm hiểu của Thương gia, Công ty được thành lập từ năm 2003, khởi điểm là doanh nghiệp của nhà nước, trong đó, UBND tỉnh Bình Dương chiếm 30% vốn điều lệ, Nguyễn Văn Chạt (chiếm 7,18%), Phạm Xuân Phương (chiếm 11,84%) và Nguyễn Thị Khánh (chiếm 50,83%).

Đến năm 2018, khi thực hiện theo Nghị định số 126/2017/NĐ-CP của Thủ tướng Chính phủ về cổ phần hoá, UBND tỉnh đã thoái vốn khỏi Công ty Cổ phần kinh doanh và đầu tư Bình Dương. Cùng với đó, bà Nguyễn Thị Khánh cũng thoái vốn hoàn toàn khỏi công ty này. Số cổ phần còn lại đã được Công ty Bình Dương pha loãng thành cổ phần phổ thông theo mệnh giá 100.000 đồng/cổ.

Lúc này, Chủ tịch HĐQT, kiêm người đại diện pháp luật là ông Phạm Xuân Phương (sinh năm 1965). Ông Phương được biết đến từng là Giám đốc Chi nhánh Công ty Thương mại và Xuất nhập khẩu Becamex tại Lạng Sơn, thành viên HĐQT Công ty Cổ phần Chứng khoán Phố Wall, thành viên HĐQT Công ty Cổ phần Khoáng sản Miền Đông AHP,...

Còn từ năm 2021 đến nay, người đại diện pháp luật được thay thế thành ông Trương Văn Nghĩa. Ông Nghĩa cũng là người của Tập đoàn Becamex IDC.

Về vốn điều lệ, theo đăng ký kinh doanh hồi tháng 3/2020, Công ty Cổ phần kinh doanh và đầu tư Bình Dương có số vốn lên tới 268 tỷ đồng và được tăng lên là 428 tỷ đồng, đến tháng 10/2020 là 618,38 tỷ đồng.

Đáng chú ý, mặc dù hơn 80% số cổ phần của công ty đã bị pha loãng thành cổ phần phổ thông, nhưng Tập đoàn Becamex IDC đã mua lại tới 44,42% số cổ phần này và trở thành cổ đông lớn nhất của công ty. Hiện tại, Công ty Cổ phần Kinh doanh và Đầu tư Bình Dương trở thành một trong những thành viên chủ chốt của tập đoàn này.

Becamex IDC được biết đến là một trong những nhà phát triển bất động sản công nghiệp và đô thị lớn nhất của Việt Nam, với tổng tài sản lên tới 53.180 tỷ đồng (tính đến hết ngày 31/12/2023). Hiện nay, Becamex đã và đang phát triển hàng loạt các dự án trên toàn quốc tại những vị trí công nghiệp đắc địa, từ Bắc vào Nam và tại vùng duyên hải miền Trung. Riêng, bất động sản công nghiệp, Becamex IDC sở hữu tới 21 dự án.

Tuy nhiên, trong thương vụ mua bán với Công ty TNHH VSIP Bắc Ninh, VSIP Bắc Ninh đã tiến hành bàn giao đất cho Bình Dương trước khi UBND tỉnh Bắc Ninh có quyết định thu hồi đất và giao đất. Chưa kể, theo quyết định chấp thuận điều chỉnh chủ trương đầu tư xác định tiến độ thực hiện phải “hoàn thành xây dựng các công trình trên đất trong năm 2021”, nhưng đến nay dự án vẫn chưa hoàn thành, chưa đưa vào sử dụng.

Doanh nghiệp này còn lập dự án sai đơn giá vật liệu, vận dụng định mức; không tiến hành thẩm tra dự toán đối với các mẫu nhà xây thô và hoàn thiện ngoài; bán chui 155 lô đất,...

CÔNG TY CỔ PHẦN VIỆT NHÂN BẮC NINH

Nếu so sánh giữa các nhà đầu tư thứ cấp được VSIP Bắc Ninh bán lại một phần dự án, Việt Nhân không phải là tên tuổi đáng gờm nhất, nhưng sẽ là cái tên đáng quan tâm nhất, bởi lẽ doanh nghiệp này đã mua lại được phần dự án có giá trị lớn nhất, lên tới 1.870 tỷ đồng, cao hơn cả 4 dự án kia cộng lại.

viet-nhan-group-9254.png
Hệ thống Việt Nhân Group đang phát triển trên toàn quốc. Ảnh: Việt Nhân Group

Dự án có tên thương mại là Đại đô thị Centa VSIP Bắc Ninh và có quy mô công trình xây dựng là 503 căn nhà liền kề, 86 căn biệt thự và 196 căn nhà biệt thự song lập. Với tổng diện tích chuyển nhượng là 138.416m2.

Theo tìm hiểu của Thương gia, Việt Nhân là thành viên của Tập đoàn Việt Nhân Group. Đây là tập đoàn bất động sản đô thị, công nghiệp do ông Đào Duy Yên (sinh năm 1975) sáng lập kiêm Chủ tịch Hội đồng quản trị. Trụ sở chính của tập đoàn này ở tại TP. Hồ Chí Minh.

Từ các thông tin được công bố, tập đoàn này được thành lập từ năm 2006, với tiền thân là Công ty Cổ phần thiết kế xây dựng Bất động sản Việt Nhân. Sau 17 năm hình thành và phát triển, doanh nghiệp này đang sở hữu hàng loạt các dự án bất động sản, khu công nghiệp trải dài khắp cả nước như TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Quảng Ngãi, Hải Phòng, Bắc Ninh...

Tại thị trường phía Nam, Tập đoàn Việt Nhân Group được biết đến với như “ông trùm” phân lô với hàng loạt dự án được triển khai tại thị trường khu Đông, TP.HCM như: Dự án tại quận 9 (cũ) như Việt Nhân 1234; Khu dân cư Việt Nhân đường số 1 cầu Ông Nhiêu; Khu dân cư Việt Nhân Villas; Trường Lưu Cental; Khu dân cư Việt Nhân Long Phước 123.

Còn trong lĩnh vực bất động sản công nghiệp, Tập đoàn Việt Nhân Group đã bắt tay với VSIP Group. Đầu tiên là cuộc bắt tay đầu tiên là tại dự án Khu đô thị Belhomes (thành phố Hải Phòng), với tổng diện tích 5,7ha, bao gồm 365 căn hộ nhà liền kề và nhà phố thương mại. Sau đó là Đại đô thị Centa VSIP Bắc Ninh bị thanh tra.

Tiếp đến, Việt Nhân Group còn là đơn vị hợp tác phân phối độc quyền các dự án khác của VSIP tại Bình Dương, cụ thể là dự án Sun Casa Central sở hữu 30ha với 879 căn nhà phố liên kế, nhà phố thương mại, biệt thự đơn lập, biệt thự song lập. Hay dự án Oasis City với diện tích 47ha, tại thị xã Bến Cát - Bình Dương và Mixed Service Land (Quảng Ngãi)...

Còn riêng về Công ty Cổ phần Việt Nhân Bắc Ninh, doanh nghiệp này đã có cuộc "lột xác" thần tốc trong việc tăng vốn điều lệ. Điển hình là vào năm 2018, vốn điều lệ tăng gấp 20 lần, từ 20 tỷ đồng lên 200 tỷ đồng (vào tháng 7/2018), đến tháng 11 đã là 400 tỷ đồng.

Đây cũng chính là giai đoạn, Việt Nhân Group dấn thân vào cuộc chơi bất động sản đô thị công nghiệp, bởi nếu không tăng vốn thì khi đó với tiềm lực và kinh nghiệm không mấy ấn tượng của mình, phải rất khó để doanh nghiệp này có thể thuyết phục phía VSIP Group trở thành đối tác của mình.

Lớn nhanh như thổi, nhưng Việt Nhân Group và doanh nhân Đào Duy Yên đều rất kín tiếng trên truyền thông, ông Yên cũng xuất hiện vô cùng ít trước báo chí và truyền hình. Đáng chú ý, không rõ vì lý do gì nhưng từ khi có kết luận thanh tra về dự án Khu đô thị và dịch vụ VSIP Bắc Ninh, website chính thức của tập đoàn này bỗng nhiên trong trạng thái "bị khoá".

CÔNG TY CỔ PHẦN BẤT ĐỘNG SẢN SINGLAND

Nếu Bình Dương và Việt Nhân được biết đến là công ty con của những tập đoàn chuyên về bất động sản thì Bất động sản Singland lại được biết đến là đơn vị thành viên của Công ty Cổ phần đầu tư Phú Bình Group. Đây là doanh nghiệp chuyên cung cấp hóa chất công nghiệp hàng đầu tại Việt Nam, với hệ thống một loạt các công ty thành viên.

Phải mãi đến năm 2017, Phú Bình Group mới lấn sân sang bất động sản, khi cùng với 5 cổ đông cá nhân khác thành lập nên Công ty Cổ phần Bất động sản Singland. Đáng chú ý, dù theo đăng ký kinh doanh, tháng 6/2018, Phú Bình Group lại rút hoàn toàn vốn khỏi Singland, nhưng thay vào đó, ông Nguyễn Đức Hiếu (sinh năm 1984) từng là Chủ tịch Hội đồng quản trị, kiêm Tổng giám đốc Công ty Cổ phần đầu tư Phú Bình Group (nhiệm kỳ 2016 – 2021) được bầu làm Chủ tịch Hội đồng quản trị, kiêm người đại diện pháp luật của Singland.

nguyen-duc-hieu-319.jpeg
Ông Nguyễn Đức Hiếu Chủ tịch Hội đồng quản trị, kiêm người đại diện pháp luật của Singland

Ngoài ra, vị doanh nhân trẻ này còn được biết đến là Chủ tịch hội đồng quản trị của hàng loạt các công ty khác. Và theo tìm hiểu của Thương gia, tháng 6/2018, Công ty Cổ phần đầu tư Phú Bình Group chính thức chuyển đổi mô hình hoạt động holdings, thành lập công ty mẹ là Công ty Cổ phần đầu tư Phú Bình Holdings.

Tuy nhiên, Công ty Cổ phần đầu tư Phú Bình Holdings sẽ nắm giữ cổ phần và tham gia quản lý vốn, không tham gia trực tiếp điều hành các công ty con.

Các công ty con được quyền độc lập trong lập kế hoạch và chiến lược phát triển, bao gồm: Công ty Cổ phần Đầu tư Phú Bình Group, Công ty TNHH thương mại Nhựa Phú Bình, Công ty TNHH kỹ thuật tổng hợp Phú Bình, Công ty TNHH tư vấn và phát triển công nghệ CTECH Việt Nam, Công ty cổ phần đầu tư xuất nhập khẩu Phú Bình, Công ty TNHH thương mại Việt Graphite.

Hệ sinh thái Công ty Cổ phần đầu tư Phú Bình Holdings phát triển các lĩnh vực đa dạng: Kinh doanh hạt nhựa và các sản phẩm nhựa, hoá chất công nghiệp, vật tư thiết bị khoa học kỹ thuật, xuất khẩu Graphite và các sản phẩm chế biến sâu và đầu tư bất động sản.

Được biết, Công ty Cổ phần Bất động sản Singland có trụ sở tại Vũ Trọng Phụng, Thanh Xuân, Hà Nội. Và hiện đang có số vốn điều lệ là 106 tỷ đồng. Ngoài ra, dự án mà công ty này mua lại tại Khu đô thị và dịch vụ VSIP Bắc Ninh có tên là Khu đô thị Sing Garden, với tổng mức đầu tư 494, 6 tỷ đồng.

Mặc dù luôn được giới thiệu là đơn vị kinh doanh năng động và có tầm nhìn chiến lược trong việc phát triển các khu đô thị tại các khu công nghiệp lớn tại Việt Nam có trụ sở chính tại Hà Nội, nhưng theo tìm hiểu của Thương gia, từ khi thành lập tới nay, Singland chỉ triển khai duy nhất một dự án này và chưa thấy có thêm động thái gì khác.

CÔNG TY TNHH MỘT THÀNH VIÊN BẤT ĐỘNG SẢN HOA ĐẤT

Đúng như tên gọi Công ty TNHH Một thành viên, Bất động Hoa Đất là doanh nghiệp của riêng ông Nguyễn Văn Ngọc (sinh năm 1985, quê gốc Bắc Ninh), với số vốn điều lệ là 20 tỷ đồng. Công ty có trụ sở tại Khu Công Nghiệp, đô thị và dịch vụ VSIP Bắc Ninh, phường Phù Chẩn, thành phố Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh.

Đáng chú ý, Bất động sản Hoa Đất được thành lập vào năm 5/2018, trước chỉ đúng 6 tháng so với thời điểm UBND tỉnh Bắc Ninh (tháng 1/2019) ra quyết định chấp thuận cho phép Công ty TNHH VSIP Bắc Ninh chuyển nhượng một phần dự án tại Khu đô thị và dịch vụ VSIP Bắc Ninh cho các nhà đầu tư thứ cấp.

Theo đó, Bất động Hoa Đất đã được chuyển nhượng 21.004 m2, với tổng mức đầu tư là 263,3 tỷ đồng. Tuy nhiên, vào tháng 12/2020, UBND tỉnh Bắc Ninh đã ra một quyết định "Về việc chấp thuận cho phép Công ty TNHH VSIP Bắc Ninh chuyển nhượng một phần dự án tại Khu đô thị và dịch vụ VSIP Bắc Ninh" theo đề nghị của Công ty TNHH một thành viên Bất động sản Hoa Đất.

Theo đó, tổng diện tích đất chuyển nhượng là 84.988 m2, với tổng mức đầu tư của dự án sau khi chuyển nhượng lên tới 1.149 tỷ đồng. Quy mô đầu tư xây dựng là 370 căn nhà ở, bao gồm 255 căn nhà liền kề, 11 căn nhà ở biệt thự, 104 căn biệt thự song lập.

Vào năm 2021, Bất động Hoa Đất bỗng dưng đổi thành công ty cổ phần, lấy tên là Công ty Cổ phần Bất động sản Hoa Đất, và ông Nguyễn Văn Ngọc vẫn giữ vị trí là Giám đốc, kiêm người đại diện theo pháp luật của công ty.

Công ty có 3 cổ đông chính là: Hồ Nhã Vy (chiếm 30% vốn), Nguyễn Văn Ngọc (chiếm 40% vốn) và Lê Thị Nhung (chiếm 30% vốn). Đến tháng 12/2022, công ty này đã tăng vốn điều lệ từ 30 tỷ đồng lên 100 tỷ đồng.

Được biết, hiện tại, ông Ngọc cũng đang là chủ của Công ty TNHH Một thành viên Bất động sản Minh Đạt, có trụ sở tại TP.HCM.

CÔNG TY CỔ PHẦN ĐỆ TAM

Công ty Cổ phần Đệ Tam (Hose: DTA) được thành lập năm 2003 với số vốn ban đầu 2,5 tỷ đồng, đến nay công ty tăng lên 203 tỷ đồng. Công ty hoạt động trong các mảng đầu tư kinh doanh, môi giới bất động sản, sản xuất và kinh doanh vật liệu xây dựng. Trong đó, hoạt động chính là đầu tư phát triển dự án bất động sản và kinh doanh sản phẩm bất động sản.

de-tam-4395.jpeg
Dự án DTA Garden House của Công ty Đệ Tam tại Khu đô thị VSIP Bắc Ninh

Theo tìm hiểu của Thương gia, Đệ Tam là công ty có quy mô tương đối nhỏ trong ngành bất động sản. Thị trường chủ yếu là địa bàn tỉnh Đồng Nai, thành phố Hồ Chí Minh, Phú Quốc,...

Hiện, ông Trần Đức Lợi là Chủ tịch HĐQT của công ty. Theo báo cáo kinh doanh, năm 2023, công ty đạt lợi nhuận vỏn vẹn hơn 2 tỷ đồng, thấp hơn năm 2022 là 8 tỷ đồng và năm 2021 là 9,9 tỷ đồng.

Tính đến hết năm 2023, tổng tài sản của Đệ Tam là 710 tỷ đồng, trong đó nợ phải trả lên tới 506 tỷ đồng và chủ yếu là nợ ngắn hạn. Do làm ăn không mấy thuận lợi, nên giá cổ phiếu của doanh nghiệp này tính đến ngày 14/3 chỉ còn 5.000 đồng/cổ phiếu.

Mới đây, Đệ Tam đã bị người dân kiện về "Tranh chấp hợp đồng đặt cọc" liên quan tới đặt chỗ chọn mua nhà phố tại dự án DTA Garden House (Từ Sơn, Bắc Ninh). Đây cũng chính là dự án mà công ty này đã được Công ty TNHH VSIP Bắc Ninh chuyển nhượng tại Khu đô thị và thương mại VSIP Bắc Ninh, với tổng giá trị lên tới hơn 200 tỷ đồng.

Đến ngày 19/1/2024, vụ án này vẫn được tiếp tục xử phiên phúc thẩm tại Toà án Nhân dân tỉnh BắC Ninh.

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm