Dự án FLC Quy Nhơn đi vào hoạt động, đem lại doanh thu lớn cho tập đoàn
Doanh thu thuần tăng 10%
FLC vừa công bố báo cáo tài chính quý 1/2017 hợp nhất và riêng lẻ với kết quả tăng trưởng không đáng kể. Theo BCTC hợp nhất, doanh thu thuần về bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt 1.587,6 tỷ đồng, tăng 10,4% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận gộp đạt 287,4 tỷ đồng, tăng 22 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước.
Trong kỳ, các chi phí tăng đột biến, gồm: chi phí tài chính mà chủ yếu là lãi vay tăng gấp đôi lên tới 60 tỷ đồng, chi phí bán hàng tăng gấp 5 lần lên 52,8 tỷ đồng, chi phí quản lý doanh nghiệp gần gấp đôi là 81,3 tỷ đồng.
Do đó, lợi nhuận trước thuế ghi nhận gần 205,5 tỷ đồng, chỉ xêm xêm mức lợi nhuận của quý 1 năm trước. Lãi sau thuế hợp nhất 152,6 tỷ đồng và lãi sau thuế của công ty mẹ là 150,6 tỷ đồng. Lãi cơ bản trên cổ phiếu là 236 đồng/CP.
Trước đó, ĐHCĐ thường niên năm 2017 của FLC đã thông qua kế hoạch kinh doanh năm nay với mức tăng trưởng đột biến. Cụ thể: mục tiêu doanh thu đạt 13 nghìn tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế mục tiêu 1.230 tỷ đồng và lãi sau thuế 984 tỷ đồng. Tỷ lệ chia cổ tức không thấp hơn 7% vốn điều lệ.
Tại thời điểm 31/3/2017, vốn điều lệ của FLC ở mức 6.380 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu tiếp tục tăng lên mức 8.556 tỷ đồng.
Tổng tài sản tăng thêm hơn 1.000 tỷ đồng lên mức 19.100 tỷ đồng so với đầu năm 2017, trong đó chủ yếu là các khoản phải thu ngắn hạn, dài hạn…
Nợ phải trả hơn 10.500 tỷ đồng
Đến cuối quý 1, tổng nợ phải trả của FLC tiếp tục tăng 10,9% lên mức 10.544 tỷ đồng. Trong đó, nợ ngắn hạn chiếm gần 67,5%, tương ứng 7.113 tỷ đồng, gồm chủ yếu là các khoản người mua trả tiền trước từ các dự án bất động sản, chi phí phải trả ngắn hạn, vay nợ tài chính…
Nợ dài hạn chiếm hơn 3.431 tỷ đồng, trong số này có tới 3.361 tỷ đồng là nợ vay tài chính dài hạn. Tỷ lệ nợ phải trả và tổng nợ vay trên vốn chủ sở hữu của FLC lần lượt ở mức 1,23 lần và 0,46 lần.
Thuyết minh BCTC cho thấy, FLC đang ghi nhận các khoản phải thu ngắn hạn rất lớn gần 7.920 tỷ đồng, bao gồm: các khoản phải thu về cho vay 5.237 tỷ đồng, trả trước cho người bán 1.487 tỷ đồng, phải thu ngắn hạn khách hàng 821 tỷ đồng…
Các khoản phải thu cho vay ngắn hạn chủ yếu là ở các đơn vị có liên quan, công ty liên kết, đối tác như: Công ty TNHH Đầu tư Thương mại và Xuất nhập khẩu Vietexco (1.270 tỷ đồng), Công ty TNHH Sản xuất và Xuất nhập khẩu Huy Hoàng (1.316 tỷ đồng), Công ty CP Đầu tư Fujikaen Việt Nam (999 tỷ đồng), Công ty CP Vật tư thiết bị và Xây dựng Đô Thành Hà Nội (1.485 tỷ đồng), Công ty Damexco 36 tỷ đồng…
Ngoài ra, FLC cũng còn khoản phải thu về cho vay dài hạn đối với Công ty TNHH KCN Toàn Cầu trị giá 887 tỷ đồng.
Đến cuối kỳ, FLC còn các khoản phải trả ngắn hạn cho các đối tác, nhà thầu xây dựng, cung cấp vật liệu lên tới 861 tỷ đồng…
Trong khoản mục vay và nợ thuê tài chính, FLC Hiện đang có quan hệ vay nợ tại 10 tổ chức tín dụng trong nước với dư nợ vay ngắn hạn gần 567 tỷ đồng.
Đáng chú ý, dư nợ vay dài hạn còn hơn 3.361 tỷ đồng, chủ yếu tại các ngân hàng lớn.
Các khoản vay này nhằm phục vụ các dự án đầu tư bất động sản nghỉ dưỡng, nhà ở của FLC tại nhiều địa phương như Hà Nội, Quảng Ninh, Bình Định, Thanh Hoá… Khoản vay được bảo đảm bằng toàn bộ tài sản hình thành từ vốn vay và vốn tự có./.
>> FLC: Kế hoạch lợi nhuận 1.230 tỷ, sắp phát hành cổ phiếu tăng vốn?