Theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN), thời gian gần đây cơ quan này đã nhận được phản ánh của một số tổ chức tín dụng về các cơ quan có thẩm quyền thông báo hủy/thu hồi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp cho cá nhân, hộ gia đình.
Trong đó, bao gồm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của tài sản bảo đảm đã được thế chấp cho khoản vay vì có vi phạm quy định tại Điều 64 Luật đất đai năm 2013, do cơ quan có thẩm quyền cấp không đúng quy định và một số lý do khác.
Việc hủy/thu hồi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đang được sử dụng trong quan hệ thế chấp tại các tổ chức tín dụng đã ảnh hưởng đến quyền xử lý tài sản bảo đảm của tổ chức tín dụng khi khách hàng vi phạm nghĩa vụ trả nợ, tiềm ẩn nguy cơ phát sinh nợ xấu, nợ quá hạn.
Do đó, để đảm bảo an toàn trong hoạt động cấp tín dụng của các tổ chức tín dụng, nhằm phòng ngừa, hạn chế rủi ro trong trường hợp này, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các tổ chức tín dụng nghiên cứu các quy định pháp luật về đất đai có liên quan như Luật Đất đai năm 2013; Nghị định 43/2014/NĐ-CP… để đánh giá đầy đủ rủi ro, kịp thời bổ sung hoàn thiện các quy định nội bộ về cấp tín dụng khách hàng.
Đồng thời, các tổ chức tín dụng phải bảo đảm kiểm soát chặt chẽ, hạn chế tối đa rủi ro bằng cách bổ sung thỏa thuận hoặc cam kết của khách hàng về biện pháp bảo đảm thay thế trong trường hợp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất bị hủy/thu hồi, trách nhiệm/nghĩa vụ của khách hàng thông báo cho tổ chức tín dụng khi phát sinh tình huống này hoặc các biện pháp phòng ngừa rủi ro cần thiết khác.
Mặt khác, theo quy định hiện hành, Ủy ban nhân dân các cấp phải có trách nhiệm thông báo việc thu hồi đất cho người sử dụng đất và đăng tải trên trang thông tin điện tử của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện. Vì vậy, các tổ chức tín dụng cần thường xuyên tham khảo thông tin trên để có biện pháp xử lý phù hợp.
Đối với các trường hợp cơ quan có thẩm quyền không thông báo đủ số ngày, hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để cấp mới cho người sử dụng đất với lý do bị mất trong khi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất vẫn đang lưu giữ tại tổ chức tín dụng… thì tổ chức tín dụng cần kịp thời phản ánh với các cơ quan có thẩm quyền để bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp.
Theo chia sẻ của một Luật sư, những rủi ro pháp lý ngân hàng có thể gặp phải đến từ nhiều phía, từ pháp luật bất cập cho đến sai sót của các cơ quan chức năng và vi phạm của người thế chấp... Ngoài câu chuyện cấp trùng sổ đỏ, có thể nhắc đến nhiều rủi ro phổ biến khác như cơ quan chức năng tính sai diện tích, vị trí đất, tên tuổi chủ sở hữu; xác nhận, đăng ký thế chấp cho người giao dịch hay sổ đỏ giả mạo,... Vấn đề là khi rủi ro xảy ra, dù lỗi do bất cứ bên nào, thì người gánh chịu cuối cùng vẫn là các ngân hàng.