Chúng ta phải chủ động tìm kiếm thị trường mới, đó là lời khuyên của ông Don Lam, nhà sáng lập kiêm giám đốc điều hành quỹ đầu tư VinaCapital, khi chia sẻ về những chiến lược kinh doanh trước một thế giới liên tục thay đổi.
Thay đổi mà ông Don Lam đang nói tới là sự rút lui của Mỹ khỏi TPP, vốn là hiệp định thương mại được kỳ vọng sẽ đem lại lợi ích lớn cho nền kinh tế Việt Nam.
Một trong những công ty mà VinaCapital đầu tư thuộc lĩnh vực may mặc và ngành này bị ảnh hưởng nặng nề khi TPP đổ vỡ. Trước tình hình đó, công ty của ông Don Lam đã tìm kiếm các thị trường khác ngoài Mỹ như Brazil, Nga, nhờ vậy năm nay công ty vẫn tăng trưởng xuất khẩu và không bị ảnh hưởng nhiều, ông chia sẻ.
Cũng chịu tác động bởi các hiệp định tự do thương mại, bà Somhatai Panichewa, chủ tịch Amata Việt Nam, cho biết các khách hàng thuê đất của bà để xây nhà xưởng nhằm đón đầu TPP đã bị ảnh hưởng nhiều.
Nhưng vị nữ lãnh đạo đến từ Thái Lan lạc quan rằng vẫn còn nhiều cơ hội để Việt Nam suy tính đến chuyện không có TPP.
Là lãnh đạo một công ty phát triển khu công nghiệp, bà Somhatai nhận thấy nhiều tập đoàn đã rời khỏi Trung Quốc. Bà luôn thắc mắc liệu các công ty đó sẽ tới đâu để xây dựng nhà xưởng?
Đông Nam Á, với lợi thế dân số hàng trăm triệu người, chính là điểm đến lý tưởng. Do đó, chúng ta cần phải sẵn sàng đón nhận điều này, bà nói.
Vậy, động lực nào để Việt Nam đổi mới?
Tỷ phú Nepal Binod Chaudhary, chủ tịch tập đoàn CG Corp và tập đoàn Chaudhary, cho rằng động lực để đổi mới đến từ sự cạnh tranh quyết liệt của các nước trong khu vực. Ngoài ra, giới doanh nhân trẻ Việt Nam phải đưa Việt Nam từ nền kinh tế sản xuất hàng hóa sang xuất khẩu trí tuệ.
Vị tỷ phú duy nhất của Nepal dẫn chứng về Jack Ma, người đứng sau thành công của tập đoàn thương mại điện tử khổng lồ Trung Quốc Alibaba.
Ông Jack Ma không có nguồn tài chính mạnh, không có gia đình giàu có hậu thuẫn và cũng không được chính phủ hỗ trợ. Lần đầu ông nhìn thấy máy tính đã 25 tuổi. Lúc đó ông tìm kiếm bia Trung Quốc trên internet nhưng không có, từ đó ông nảy ra ý tưởng kinh doanh. Trong vòng 15 năm, mặc dù không có sự hỗ trợ từ chính phủ, nhưng ông đã xây dựng nên tập đoàn thương mại điện tử lớn thứ hai thế giới như hiện tại.
Như vậy, thành công không có sự liên quan giữa việc bạn sinh ở đâu, chính phủ hỗ trợ gì mà hoàn toàn là do ý tưởng của bạn, ông Binod Chaudhary nhấn mạnh.
The Forbes Việt Nam