Chủ phòng trọ tăng giá điện 20-30% sau khi EVN tăng giá điện 4,8%

Ngay khi Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) thông báo về việc tăng giá điện theo mức nhất định, nhiều chủ nhà trọ đã tận dụng cơ hội này để tăng giá điện một cách đáng kể, gây áp lực lên sinh viên và người lao động thu nhập thấp…

Sinh viên lo lắng trước nguy cơ nhiều chủ nhà sẽ tăng giá điện
Sinh viên lo lắng trước nguy cơ nhiều chủ nhà sẽ tăng giá điện

Vừa qua, EVN có quyết định về việc điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân tăng 4,8% lên 2.103 đồng/kWh, mức giá mới được áp dụng từ ngày 11/10. Việc điều chỉnh giá định bình quân sẽ tác động trực tiếp đến từng nhóm khách hàng.

Mặc dù EVN cho biết, việc điều chỉnh giá điện được dựa trên cơ sở chính trị, cơ sở pháp lý và cơ sở thực tiễn. Quyết định điều chỉnh tăng giá điện được thực hiện trong từng giai đoạn, đây cũng là một trong những mục tiêu nhằm đảm bảo an ninh năng lượng trong thời gian dài. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, một số hoạt động kinh tế - xã hội vẫn sẽ chịu tác động từ việc tăng giá điện.

Theo phản ánh của một số khách trọ, trong đó có đối tượng sinh viên và người lao động có thu nhập thấp cho rằng, dù chưa đến thời điểm chốt giá điện tháng 10, nhưng nhiều chủ nhà trọ đã thông báo sẽ tăng giá điện lên mức 20-30% so với tháng trước.

Mới đây, trên trang mạng xã hội Facebook, bài đăng của một bạn trẻ phản ánh về việc chủ nhà trọ bất ngờ thông báo tăng giá điện tháng 10 từ 4000 đồng lên 5000 đồng/số kWh điện sử dụng với lời giải thích là do nhà nước tăng giá khiến nhiều người rất bức xúc. Không những vậy, chủ nhà trọ còn tỏ thái độ áp đặt gây khó khăn cho khách thuê trọ.

page-5571.jpg
Khách trọ bất ngờ nhận thông báo tăng giá trọ từ chủ nhà

Trường hợp tương tự của bạn Bùi Khánh Linh (sinh viên năm 3 một trường đại học tại quận Cầu Giấy) chia sẻ nỗi lo: "Mình đang ở trọ cùng em gái, giá điện hiện nay là 4500 đồng/số kWh, so với thời điểm mới vào năm nhất, mức giá này đã tăng 500 đồng vào cuối năm 2023. Nay, có thông tin tăng giá điện, cô chủ nhà trọ đã thông báo là sẽ tăng giá, mà chưa biết chính xác sẽ tăng bao nhiêu”. Khánh Linh bày tỏ lo lắng khi chi phí sinh hoạt tăng cao sẽ tạo áp lực lên bố mẹ ở quê nhà khi đang nuôi hai chị em Linh ăn học tại Hà Nội.

Thực trạng chủ nhà trọ tự ý tăng giá điện vốn vẫn tồn tại trong thời gian qua đặc biệt là với tâm lý “té nước theo mưa” mỗi lần có chính sách tăng giá điện của cơ quan quản lý. Việc chủ nhà trọ tự ý tăng giá điện đã khiến cuộc sống của sinh viên và người lao động thuê trọ trở nên khó khăn hơn bao giờ hết. Gánh nặng chi tiêu sinh hoạt ngày càng đè nặng, khiến việc cân đối tài chính trở nên gian nan. Nhiều người buộc phải cắt giảm các khoản chi tiêu khác để có đủ tiền trả tiền điện, ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng cuộc sống.

Bảng giá điện mới được áp dụng, mức thu giá điện tối đa hiện nay là 3.302 đ/kWh, tuy nhiên, nhiều chủ trọ đang thu giá điện với “giá chung” quá mức quy định là 5000-6000 đ/kWh. Pháp luật cũng đã có quy định về mức xử phạt đối với hành vi chủ nhà trọ tự ý tăng giá tiền điện. Cụ thể, theo Điều 12 Nghị định 134/2013/NĐ-CP được sửa đổi bởi Khoản 15 Điều 2 Nghị định 17/2022/NĐ-CP về vi phạm các quy định về sử dụng điện, trong đó quy định phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với người cho thuê nhà thu tiền điện của người thuê nhà cao hơn giá quy định trong trường hợp mua điện theo giá bán lẻ điện để phục vụ mục đích sinh hoạt, sản xuất, kinh doanh, dịch vụ.

Ngoài ra, nếu vi phạm, chủ nhà trọ bị buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện vi phạm hành chính (bao gồm cả mọi chi phí phát sinh do hành vi vi phạm gây ra) để hoàn trả cho cá nhân, tổ chức bị chiếm đoạt. Trường hợp không xác định được cá nhân, tổ chức để hoàn trả thì nộp toàn bộ số tiền chênh lệch do bán cao hơn mức giá quy định vào ngân sách nhà nước.

Tuy nhiên, để tự bảo vệ quyền lợi, khách thuê trọ cũng nên có thỏa thuận rõ ràng các mức chi phí với chủ nhà tại hợp đồng thuê nhà. Đồng thời lộ trình tăng phí cũng được đảm bảo nhằm tránh tình trạng chủ nhà lợi dụng tình hình chung, tăng các loại chi phí sinh hoạt quá mức quy định nhằm trục lợi cá nhân.

Trước đó, trả lời về vấn đề tăng giá điện sẽ tác động như thế nào đến người dân, Phó Tổng giám đốc EVN Nguyễn Xuân Nam cho biết, về cơ bản, việc điều chỉnh giá điện lần này sẽ bảo đảm các hộ nghèo, các gia đình chính sách bị ảnh hưởng ở mức không đáng kể.

Theo số liệu thống kê, năm 2023 cả nước có 815.000 hộ nghèo chung và các hộ chính sách xã hội được hỗ trợ tiền điện theo chủ trương của Chính phủ. Các hộ nghèo, hộ chính sách xã hội tiếp tục được hỗ trợ theo quy định tại Quyết định số 28/2014/QĐ-TTg ngày 07/4/2014 của Thủ tướng Chính phủ. Trong đó, hộ nghèo được hỗ trợ với mức hỗ trợ hàng tháng tương đương số lượng điện sử dụng 30kWh/hộ/tháng. Hộ chính sách xã hội có lượng điện sử dụng không quá 50 kWh/tháng được hỗ trợ với mức hỗ trợ hàng tháng tương đương số lượng điện sử dụng 30kWh/hộ/tháng.

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm

Đại sứ Nga: "Việt Nam là một thị trường rất thú vị"

Đại sứ Nga: "Việt Nam là một thị trường rất thú vị"

Việt Nam là đối tác thương mại truyền thống của Liên Xô trước đây và Liên bang Nga ngày nay. Các loại hàng hóa tiêu dùng từ xứ sở bạch dương không chỉ chứa đựng tình cảm, sự gần gũi mà còn rất thiết thực đối với người dân Việt Nam...

Vàng thế giới và trong nước “rủ nhau” tăng giá

Vàng thế giới và trong nước “rủ nhau” tăng giá

Giá vàng thế giới vẫn giữ vững được đà tăng trên mốc hỗ trợ quan trọng 2.600 USD/ounce trong phiên giao dịch sau kỳ nghỉ lễ Giáng sinh. Trong nước, vàng miếng SJC tiếp tục tăng thêm 200.000 đồng/lượng…

Giá xăng đồng loạt bật tăng mạnh

Giá xăng đồng loạt bật tăng mạnh

Giá xăng, dầu đồng loạt tăng trở lại trong kỳ điều hành mới nhất của liên Bộ Công Thương - Tài chính, gây không ít bất ngờ cho người tiêu dùng và các doanh nghiệp...