Chủ thẻ ngân hàng đang phải gánh quá nhiều phí

Hàng triệu chủ thẻ ngân hàng đang rất bức xúc khi mới đây các ngân hàng thương mại kiến nghị Ngân hàng Nhà nước cho phép tăng phí để bù đắp một phần chi phí đầu tư hệ thống ATM.
Chủ thẻ ngân hàng đang phải gánh quá nhiều phí

Kiến nghị trên đã bị Ngân hàng (NH) Nhà nước bác bỏ với lý do trên thực tế, đa số mức phí rút tiền hiện được áp dụng trong khoảng 500 - 3.000 đồng, mà chưa áp dụng đến hết mức phí tối đa cho phép, nên chưa nghiên cứu việc tăng thêm phí giao dịch ATM.

Đó là một quyết định đúng đắn. Thực tế, một chiếc thẻ ATM đang chịu vài chục loại phí. Chẳng hạn, Agribank đang thu khoảng 25 loại phí giao dịch trên một thẻ ATM tùy theo giao dịch trong hay ngoài hệ thống NH; BIDV đang thu 20 loại phí trên chiếc thẻ tín dụng quốc tế, 16 loại phí trên thẻ ghi nợ quốc tế; Techcombank thu khoảng 13 loại phí...

Chuyên gia về thẻ Trần Quang Thoại nêu thực tế, NH “đẻ” ra rất nhiều khoản phí lặt vặt trên chiếc thẻ ATM, khiến phí không chỉ dày đặc lên mà còn cao hơn so với thời gian trước, nhiều loại phí lên đến mức vài chục đến cả trăm ngàn.

Mỗi ngân hàng tính toán chi phí hoạt động khác nhau, nhưng so với mặt bằng lãi suất thẻ tín dụng phổ biến ở mức 30 - 40%/năm và phí nhiều như hiện nay, thì không ít ngân hàng có biểu hiện muốn kiếm tiền nhanh trên chủ thẻ

Ngoài 6 loại phí cơ bản như rút tiền, chuyển tiền, phát hành thẻ, phí thường niên, truy vấn số dư, in sao kê thì xuất hiện nhiều loại phí lạ và cao. Chẳng hạn, VIB thu phí khiếu nại sai 200.000 đồng; BIDV thu phí đóng thẻ có thể lên đến 30.000 đồng, Agribank thu phí trả thẻ tại ATM của Agribank là 5.000 đồng, tại ATM của NH khác là 20.000 đồng, Vietcombank thu phí đòi bồi hoàn 50.000 đồng, hoặc có NH thu phí thông báo thẻ mất cắp, thất lạc lên đến 200.000 đồng...

Đối với thẻ tín dụng, phí chuyển đổi ngoại tệ trước đây là 1,5 - 1,8% giờ vọt lên 2 - 2,5%; mức phí vượt hạn mức tín dụng khá cao, có nơi từ 8 - 15% số tiền vượt hạn mức, phí rút tiền mặt đến 4%, phí phạt chậm thanh toán ở thẻ tín dụng có NH áp đến 6%. “Điều đáng lưu ý là nhiều chủ thẻ không được cập nhật kịp thời các loại phí này, mà chỉ khi phát sinh sự cố thì mới nắm được”, ông Thoại nói.

Chủ thẻ “còng lưng” gánh lãi

Theo ông Thoại, tình trạng quá nhiều loại phí dẫn đến tình trạng phí chồng phí mà chủ thẻ không để ý. Chẳng hạn, phí tra soát, khiếu nại hay phí trả thẻ, phí mở khóa thẻ hoặc phí đòi bồi hoàn có phần chồng chéo. Đặc biệt, khi tính lãi đối với thẻ tín dụng, nhiều NH gom phí trễ hạn cộng dồn vào gốc lãi, dẫn đến tình trạng lãi chồng lãi, khiến chủ thẻ phải trả nợ nhiều hơn.

Chẳng hạn, một người chi tiêu qua thẻ tín dụng 10 triệu đồng không trả nợ đúng hạn, với lãi suất 30%/năm cộng với lãi phạt 150% lãi suất trong hạn, tổng cộng phải trả khoảng 362.000 đồng/tháng. Nếu chủ thẻ không trả đúng hạn, NH sẽ gộp luôn 362.000 đồng vào đợt trả nợ sau thành 10,362 triệu đồng. Lần trả nợ sau chủ thẻ sẽ trả lãi trên hơn 10,36 triệu đồng này, chứ không phải là dư nợ ban đầu 10 triệu đồng.

“Cách gộp gốc lãi như vậy sẽ khiến lãi mẹ đẻ lãi con nhanh chóng mặt. Đây là lý do có nhiều khách hàng không hiểu vì sao từ khoản vay nhỏ ban đầu mà lãi tăng chóng mặt như vậy. Có NH rủi ro tín dụng lên đến 33%, nghĩa là cứ 10 người vay thì có hơn 3 người trễ nợ. Cách tính này buộc khách hàng có trách nhiệm và kỷ luật trả nợ hơn”, một lãnh đạo NH nói và cho biết thêm rất ít NH tách lãi và phí chậm nộp ra tính dứt điểm mỗi tháng, là cách tính có lợi hơn cho chủ thẻ.

Theo chuyên gia tài chính Huỳnh Trung Minh, phí là một trong những khoản thu nhập chính yếu và các NH ngày càng tìm cách tăng tỷ trọng mạnh hơn. Có loại phí hữu hình phải thông báo cho chủ thẻ, nhưng cũng có loại phí vô hình NH âm thầm được hưởng lợi. Chẳng hạn, khách hàng để tiền trong tài khoản thanh toán hầu như không được trả lãi, hoặc lãi rất thấp, từ 0,5 - 0,75%/năm, trong khi lãi suất tiết kiệm là 6 - 8%/năm, NH hưởng không 5 - 6%.

Theo tính toán, chỉ cần 50% trên 110 triệu thẻ duy trì số dư tối thiểu trong tài khoản từ 50.000 - 100.000 đồng, thì số tiền chủ thẻ không hưởng lãi ở NH đã lên đến 2.700 - 5.500 tỉ đồng. Bên cạnh đó, trung bình 1 thẻ có giao dịch 1 lần/tháng, thì chỉ riêng phí rút tiền (tính cả thuế VAT) là 1.100 - 3.300 đồng/lần, NH đã thu được 60 - 180 tỉ đồng mỗi tháng, tương đương 720 - 2.160 tỉ đồng một năm.

“Đó cũng là một loại phí, NH kiếm tiền từ đó mà khách hàng không hay biết. NH rầm rộ phát hành thẻ vì khoản thu phí dịch vụ ngày càng lớn”, ông phân tích.

Theo tính toán của ông Trần Quang Thoại, khoảng 3 - 4 năm trước, với mức lãi suất bình quân 17 - 18%/năm là NH đủ bù đắp chi phí hoạt động nói chung, đảm bảo NH có được biên độ hòa vốn trong 3 - 5 năm. Còn hiện tại, mức lãi này khoảng 25% là đủ. “Không thể lấy mức này áp cho toàn hệ thống, vì mỗi NH tính toán chi phí hoạt động khác nhau, nhưng so với mặt bằng lãi suất thẻ tín dụng phổ biến ở mức 30 - 40%/năm và phí nhiều như hiện nay, thì không ít NH có biểu hiện muốn kiếm tiền nhanh trên chủ thẻ”, ông Thoại phân tích.

Mỗi người Việt sở hữu 1,15 thẻ

Tính lũy kế đến cuối năm 2016, các NH đã phát hành 111 triệu thẻ, tính bình quân mỗi người dân VN đang sở hữu hơn 1,15 chiếc thẻ NH. Tuy nhiên, 111 triệu thẻ là con số lũy kế, chưa trừ đi thẻ “rác”, thẻ bị “bỏ quên” không được sử dụng. Theo Hội Thẻ NH, doanh số sử dụng thẻ nội địa chiếm tỷ trọng 89% doanh số sử dụng thẻ nhưng chủ yếu dùng để rút tiền mặt, chiếm 86,81% trong tổng số giao dịch thẻ.

TS-LS Bùi Quang Tín, giảng viên Khoa Quản trị kinh doanh - Trường đại học Ngân hàng TP.HCM, nhận định cuộc chạy đua phát hành thẻ của các NH mới nhằm gia tăng số lượng thẻ, gây lãng phí mà chưa có sàng lọc đánh giá về thị trường để đầu tư phát triển hạ tầng tốt nhất. NH ép nhân viên về số lượng và chỉ tiêu mà không cần biết chủ thẻ có sử dụng thẻ hay không. Trong khi nhân viên NH không cần biết chủ thẻ đó có phải đối tượng của phân khúc thị trường NH mình hay không, họ cứ mời được khách hàng mở thẻ là được. Một người có khi có đến 5 - 10 thẻ nhưng chỉ có thể sử dụng 1 - 2 thẻ. Chính vì những điều trên dẫn đến sự lãng phí về chi phí phát hành, quản lý thẻ, chi phí đầu tư máy móc, nhân sự, công nghệ..., trong khi hiệu quả thấp.

Để tránh sự lãng phí mà vẫn thực hiện được mục tiêu đề án thanh toán không dùng tiền mặt đến năm 2020, ông Bùi Quang Tín kiến nghị cần đặt vấn đề an toàn thẻ lên hàng đầu, khi tháng nào cũng xảy ra việc mất tiền trong tài khoản thẻ. Điều này đòi hỏi NH cần nâng cao tính an toàn bảo mật trong sử dụng thẻ để người dân yên tâm. Đồng thời NH cần mở rộng mạng lưới chấp nhận thẻ thanh toán khi mua hàng hóa dịch vụ, gia tăng các tiện ích trong thanh toán thẻ…

Chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu cho rằng hệ thống NH nhận tiền gửi không kỳ hạn, thường lãi suất bằng 0 hoặc rất thấp nên có thể dùng dòng tiền đó cho vay, kiếm lời thì bù lại, khi khách hàng sử dụng ATM, NH nên áp dụng lệ phí hợp lý và chỉ áp dụng phí tối thiểu.

“Hầu hết NH ở Mỹ không tính phí rút tiền, bởi tiền của khách hàng có quyền rút bất cứ lúc nào. Rút ở ATM còn tiết giảm chi phí hoạt động cho NH. Giờ NH còn áp phí sao kê, rút tiền… là những loại phí lặt vặt, không cần thiết, không hợp lý, gây cho chủ thẻ cảm giác bị tận thu, mất thiện cảm”, ông đặt vấn đề.

Theo Thanhnien.vn

thanhnien.vn/kinh-doanh/chu-the-ganh-phi-nang-8287 http://thanhnien.vn/kinh-doanh/chu-the-ganh-phi-nang-828771.html

Có thể bạn quan tâm

Ngành ngân hàng 2025: Lợi nhuận trước thuế dự báo tăng 15%, chất lượng tài sản dần cải thiện

Ngành ngân hàng 2025: Lợi nhuận trước thuế dự báo tăng 15%, chất lượng tài sản dần cải thiện

Theo dự báo của VCBS, lợi nhuận trước thuế toàn ngành ngân hàng sẽ duy trì mức tăng trưởng ấn tượng khoảng 15% trong cả hai năm 2024 và 2025. Đồng thời, chất lượng tài sản toàn ngành ngân hàng sẽ dần được cải thiện, nhờ vào đà phục hồi của nền kinh tế và hiệu quả từ các chính sách hỗ trợ...