Ông Đặng Minh Trường - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Sun Group
Ông Đặng Minh Trường - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Sun Group có những chia sẻ cụ thể hơn về các giải pháp này.
Tại hội thảo, ông đã nhấn mạnh đến việc đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông để phát triển du lịch. Thực tế, miền Trung- Tây Nguyên gần như tỉnh nào cũng đã có sân bay. Việc có thêm sân bay liệu có dẫn đến tình trạng thừa cảng mà thiếu khách không, thưa ông?
Hạ tầng giao thông, đặc biệt là sân bay, cảng biển, đường cao tốc… nếu không có những điều kiện cần đó, chắc chắn chúng ta không nên nói đến việc phát triển du lịch, nhất là ở thời điểm này. Nhìn vào thực trạng các sân bay ở miền Trung – Tây Nguyên, ai cũng thấy, sân bay Đà Nẵng đang quá tải, sân bay quốc tế Phú Bài (Huế) chờ được nâng cấp. Các sân bay Phú Yên, Đà Lạt, Nha Trang… cũng cần được nâng cấp để khang trang và hiện đại hơn.
Còn nói rộng hơn, cả Việt Nam hiện có 22 sân bay quốc tế và nội địa. Trước khi có Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn (Quảng Ninh), công suất toàn bộ 21 sân bay tại Việt Nam cộng lại mới bằng một sân bay lớn nhất tại Bangkok (Thái Lan), Changi (Singapore) hay Kuala Lumpur (Malaysia). Còn về số lượng, như Indonesia có tới 683 sân bay, mỗi hòn đảo nước này có ít nhất một sân bay quốc tế. Riêng đảo Java có tới 5 sân bay quốc tế.
Miền Trung – Tây Nguyên cần nhanh chóng đầu tư mới, nâng cấp các sân bay
Theo thống kê, thị trường vận tải hàng không Việt Nam tăng trung bình 16,64%/năm về hành khách. Trong khi đó, 40 năm qua, Việt Nam chỉ thực sự xây mới hoàn toàn và đưa vào vận hành sân bay Phú Quốc và mới nhất là sân bay Vân Đồn. Còn lại hầu hết được nâng cấp từ sân bay quân sự trên những quỹ đất hạn chế, khiến khả năng mở rộng rất ít. Chưa kể, thị trường khách du lịch quốc tế của chúng ta những năm qua đều tăng trưởng hơn 30% mỗi năm. Chỉ cần nhìn vào những con số trên thôi, cũng đủ thấy, việc đầu tư xây mới hoặc nâng cấp các sân bay là không thể chờ lâu được nữa.
Vấn đề cảng biển không còn mới nữa khi cả miền Trung - Tây Nguyên với đường bờ biển dài 1.870 km chưa có nổi một cảng tàu khách quốc tế chuyên biệt. Những doanh nghiệp như Sun Group có thể làm gì để thay đổi thực trạng này?
Sở hữu đường bờ biển chưa tới 200km nhưng Singapore lại là một trong những quốc gia dẫn đầu thế giới về vận tải biển. Những bến cảng ở đảo quốc sư tử được đầu tư bài bản, thu hút hàng triệu du khách từ khắp thế giới.
Chẳng hạn như tới Singapore Cruise Centre (SCC), du khách sẽ vô cùng ấn tượng với cơ sở vật chất và dịch vụ tuyệt vời của cảng, nhưng điều đáng nói, cảng chỉ cách đảo Sentosa ở bờ bên kia một quãng ngắn, nơi có thủy cung lớn nhất thế giới, một câu lạc bộ golf hạng sang, Universal Studios Singapore, một số khách sạn đẳng cấp quốc tế và Resorts World Sentosa. Kết nối mật thiết giữa hạ tầng giao thông với chuỗi sản phẩm du lịch đồng bộ, hiện đại- đó là cách Singapore bứt phá.
Khu vực miền Trung - Tây Nguyên chưa có cảng tàu khách du lịch quốc tế chuyên biệt
Singapore là một hình mẫu để miền Trung – Tây Nguyên của chúng ta có thể học hỏi bài học về việc tận dụng nguồn tài nguyên du lịch đường biển, về việc làm du lịch đồng bộ. Với những gì đã làm được bước đầu tại Quảng Ninh, trong việc đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông phục vụ cho du lịch, tôi tin Sun Group có thể đóng góp thay đổi thực trạng du lịch đường biển tại khu vực giàu tiềm năng như miền Trung- Tây Nguyên.
Tại hội nghị, ông có đưa ra đề xuất “nới lỏng visa”, “mở cửa bầu trời”. Nới lỏng visa thì rõ rồi, còn kiến nghị “mở cửa bầu trời” trong lĩnh vực du lịch cụ thể là gì?
Hạn chế trong chính sách visa khiến chúng ta chưa thu hút được thêm nhiều thị trường khách mới, có khả năng chi tiêu cao. Như Ấn Độ chẳng hạn, mỗi năm du khách Ấn chi tiêu ở nước ngoài hơn 13 tỷ USD, dự kiến tăng lên 91 tỷ USD vào năm 2030 và đây là đối tượng khách có mức chi tiêu nhiều nhất thế giới sau Trung Quốc. Nhưng đáng tiếc chúng ta chưa miễn visa, chưa tổ chức các hoạt động quảng bá, giới thiệu du lịch tại Ấn Độ.
Bên cạnh nới lỏng visa, việc “mở cửa bầu trời” cũng là vấn đề đáng quan tâm. Số lượng các chuyến bay thuê chuyến (charter flight) đến Việt Nam, nhất là miền Trung ngày càng tăng, nhưng bất cập là các chuyến bay này chỉ được dừng ở một điểm đến tại Việt Nam và quay về điểm xuất phát. Nếu cho phép các chuyến bay thuê chuyến được đưa khách bay tiếp hành trình tới các điểm khác ở Việt Nam, rõ ràng sẽ tạo thuận lợi để các điểm đến khắp miền Trung - Tây Nguyên liên kết được với nhau, tăng trải nghiệm và thời gian lưu trú cho du khách. Đây là điều mà chúng ta nên cân nhắc bởi đối tượng du khách bay thuê chuyến đều là những người có khả năng chi tiêu cao.
Vai trò của kinh tế tư nhân đã liên tục được đặt ra tại Hội nghị lần này. Từ góc độ một doanh nghiệp tư nhân làm du lịch, ông có kiến nghị gì với lãnh đạo các địa phương khu vực miền Trung – Tây Nguyên?
Tạo cơ chế để doanh nghiệp tư nhân tham gia đầu tư cho du lịch là giải pháp thiết thực
Không nói đến chính sách du lịch, những điểm nghẽn của du lịch miền Trung – Tây Nguyên như hạ tầng giao thông, hạ tầng du lịch hay hoạt động xúc tiến, quảng bá đều cần nguồn kinh phí rất lớn. Vì thế, trong điều kiện hiện nay, việc xã hội hóa, khơi thông dòng vốn tư nhân đầu tư cho các lĩnh vực trên là giải pháp phù hợp.
Chúng tôi mong rằng, chính quyền các địa phương khu vực miền Trung – Tây Nguyên sẽ tạo điều kiện thuận lợi, tạo cơ chế linh hoạt, thông thoáng, cởi mở để các doanh nghiệp tư nhân có thể chung vai góp sức cho công cuộc phát triển du lịch, từ việc đầu tư sân bay, cảng biển, đường cao tốc kết nối khu vực, xây dựng các công trình, sản phẩm du lịch đẳng cấp và khác biệt, thúc đẩy hiệu quả hoạt động quảng bá du lịch… Với rất nhiều doanh nghiệp tư nhân đang cùng tham gia sâu vào lĩnh vực du lịch hiện nay, tôi tin rằng hiệu quả từ việc huy động nguồn lực tư nhân sẽ rất lớn.
Xin cảm ơn ông!
>> “Cuộc chơi mới" của Sun Group !