Theo ông Thắng, an toàn là yếu tố đầu tiên và tiên quyết để đảm bảo các dịch vụ du lịch của doanh nghiệp được diễn ra một cách suôn sẻ, thành công khi dịch Covid-19 vẫn chưa được khống chế.
Linh hoạt là “kim chỉ nam” của doanh nghiệp
Bộ Giao thông Vận tải vừa chấp thuận với đề xuất của Vietnam Airlines triển khai 16 chuyến bay quốc tế đối với những hành khách có “hộ chiếu vaccine” giai đoạn từ tháng 11/2021 đến tháng 1/2022. Ông bình luận gì về những tín hiệu này?
Đề xuất trên được đưa ra dựa trên Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ về Quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”. Đây là tín hiệu tốt. Trong bối cảnh này, việc sống chung với Covid, thích ứng với bối cảnh mới là điều cần phải làm. Việc Việt Nam phủ vaccine ngày càng rộng sẽ giúp doanh nghiệp hoạt động tốt trong bối cảnh bình thường mới. Qua mấy mùa dịch, hoạt động du lịch nội địa vẫn được triển khai. Tuy nhiên với du lịch quốc tế, doanh nghiệp luôn muốn mở khi đủ điều kiện nhưng cần cân nhắc về tính an toàn…
Trong bối cảnh Covid-19 vẫn chưa được khống chế ở Việt Nam và nhiều quốc gia trên thế giới, theo ông Chính phủ cần ưu tiên vào vấn đề gì để ngành du lịch có thể mở cửa trở lại một cách an toàn và hiệu quả?
Tình hình dịch vẫn còn phức tạp. Vấn đề chính là cần phủ vaccine trên diện rộng. Đạt được miễn dịch cộng đồng thì việc triển khai các hoạt động phát triển kinh tế trong đó có phát triển du lịch mới được an toàn.
Thứ đến, cần phải linh hoạt vì tình hình dịch thay đổi liên tục. Đây có thể được coi là “kim chỉ nam” cho rất nhiều doanh nghiệp trong bối cảnh hiện tại. Các doanh nghiệp có thể dựa trên những điều ấy để xây dựng kế hoạch một cách chi tiết, giám sát mức độ an toàn khi triển khai hoạt động du lịch của doanh nghiệp mình. Tôi rất tâm đắc với chương trình “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” của Chính phủ bởi với bối cảnh hiện tại thì việc thích ứng an toàn, linh hoạt là phù hợp hơn cả.
Đối với việc tổ chức du lịch, chúng ta phải nhìn nhận được thị trường đang như thế nào. Trước mắt chúng ta cần tập trung vào khai thác du lịch nội địa. Với tình hình như hiện tại, chúng ta có thể triển khai bó hẹp trong một tỉnh, một thành phố; có điểm kết nối của thành phố này với một thành phố khác trong khu vực, thậm chí là trong một miền nếu miền đó tình hình dịch đã an toàn dựa trên nguyên tắc từ điểm du lịch an toàn này tới điểm du lịch an toàn khác.
Việc tổ chức hoạt động du lịch cũng nên có sự kiểm soát, không nên phát triển loại hình du lịch tự do để hạn chế rủi ro khi bị nhiễm Covid-19. Chúng ta phải kiểm soát đến khi miễn dịch cộng đồng cũng như thế giới khống chế được dịch và cả thế giới chuyển sang giai đoạn hậu Covid.
Theo tôi giai đoạn từ giờ đến giai đoạn hậu Covid là giai đoạn rất quan trọng để chúng ta thích ứng một cách an toàn. Đối với những đơn vị tổ chức những luồng du lịch hay là những tuyến du lịch cần đảm bảo yếu tố đầu tiên là yếu tố an toàn.
3 yếu tố cần và đủ để đảm bảo sự an toàn
Vậy làm thế nào để giữ được an toàn trong bối cảnh này, thưa ông?
Có 3 nội dung rất cơ bản để giữ được sự an toàn. Thứ nhất, người tham gia vào hoạt động du lịch gồm khách du lịch, người lao động trong ngành du lịch phải đảm bảo sự an toàn thông qua việc đầu tiên là tiêm vaccine. Đối với những đơn vị du lịch như Hanoitourist, khi tổ chức các tour du lịch, yếu tố dịch tễ của khách là ưu tiên hàng đầu vì mỗi tour đều có nhiều đối tượng tham gia. Do đó muốn an toàn cho cả đoàn rõ ràng chúng ta phải đề cao yếu tố dịch tễ.
Thứ hai, điểm khách đi và điểm khách đến đều là điểm an toàn. Thứ ba, các doanh nghiệp tổ chức hoạt động du lịch cần phải cung cấp chuỗi dịch vụ an toàn như khách sạn an toàn, hành khách an toàn...
Hanoitourist đã thực hiện 3 yếu tố trên và còn dày công hơn ở khâu, sau khi khách du lịch kết thúc chuyến du lịch, phía công ty thống nhất với khách là sẽ theo dõi sức khỏe của khách trong vòng 14 ngày. Cứ 3 ngày sẽ gọi điện cho khách để ghi lại thông tin sức khoẻ của khách.
Đối với khách quốc tế, vẫn mở cửa nhưng mở trong sự thận trọng để luôn đảm bảo yếu tố an toàn cho người lao động cũng như cho người dân của mình.
Đa số khách đều có tâm lý ngại đi test Covid ở dịch vụ bên ngoài. Do đó các đơn vị du lịch nên trực tiếp test Covid-19 cho khách. Điều này sẽ giúp chúng ta kiểm soát dịch bệnh tốt hơn. Hanoitourist cũng đang nghiên cứu dịch vụ này để áp dụng vào trong các tour du lịch của mình.
Ông Phùng Quang Thắng - Chủ tịch Hội Lữ hành Hà Nội, Giám đốc Công ty Lữ hành Hanoitourist
Chú trọng du lịch xanh và du lịch văn hoá
Có thể nói ngành du lịch đã bị "trọng thương" khi trải qua 4 đợt tấn công của đại dịch Covid-19. Để sống an toàn, phát triển tốt trong thời gian tới khi Việt Nam và cả thế giới vẫn còn phải "sống chung" với đại dịch Covid-19, theo ông ngành du lịch cần tái định vị như thế nào, cần thay đổi gì?
Sau đại dịch này, nhu cầu của khách quốc tế cũng như khách nội địa đã có sự thay đổi, do đó ngành du lịch cũng cần nắm bắt được nhu cầu đó để thay đổi sản phẩm của mình để bán cho khách.
Thứ nhất, cần chú trọng du lịch xanh và du lịch văn hoá. Cách trải nghiệm du lịch văn hoá sẽ khác hơn so với trước đây. Do đó cần đưa ra bài toán làm thế nào để du khách đến với du lịch văn hoá có cảm xúc, có cảm nhận, có ấn tượng sâu sắc về mảng văn hoá này.
Với du lịch thiên nhiên sẽ gặp thuận lợi hơn vì cảnh quan hay khí hậu ôn hoà… đều là những điều kiện đã có sẵn. Nhưng du lịch văn hoá cần phải có độ sâu để khách du lịch cảm nhận được. Điều này phụ thuộc rất nhiều vào các sản phẩm văn hoá có giá trị, tạo ra sản phẩm tốt để khách có trải nghiệm tốt hơn.
Thứ hai, chúng ta cần ứng dụng công nghệ 4.0 để phát triển loại hình “du lịch không chạm” nhằm hạn chế sự tiếp xúc. Đó là điều mà chúng ta cần phải thích ứng.
Ngoài ra còn có hình thức trải nghiệm theo nhu cầu của khách du lịch. Hiện giờ xu hướng khách hay đi theo nhóm nhỏ như nhóm bạn, gia đình; không đi theo đoàn như trước nên họ có thể tự kiểm soát thời gian trải nghiệm của mình. Một số dịch vụ trải nghiệm theo nhu cầu của khách đã được thực hiện như ở cùng nhà với người dân bản địa, cùng họ cấy lúa, hái rau…
Đối với khách quốc tế, vì họ vượt quãng đường xa xôi đến Việt Nam nên nhu cầu ở lại của họ tương đối dài. Do đó cần tạo hệ thống sản phẩm đủ về lượng cũng như về chất để phù hợp với công người ta bỏ ra và quãng đường họ tới với mình.
Thứ ba, du lịch cần sự kiểm soát, không để phát triển du lịch tự do trong giai đoạn hậu Covid. Khi có sự kiểm soát thì mức độ lây nhiễm sẽ được phòng tốt hơn so với việc phát triển du lịch tự do. Trước đây du lịch tự do phát triển nhiều nhưng với bối cảnh hiện tại chúng ta không thể phát triển theo lối cũ. Giải pháp hiện tại là cần đi theo tour khép kín, có công ty đứng ra tổ chức sẽ kiểm soát dịch tốt hơn như điều tra dịch tễ nơi đến, được theo dõi sức khoẻ sau chuyến du lịch…
Cái quan trọng khi sống chung với đại dịch đó là thông tin về tình hình dịch tại các địa phương cần phải cụ thể, chính xác và cập nhật. Khi đi du lịch khách rất quan trọng điều này. Công ty du lịch cũng rất cần những thông tin đó để thích ứng. Rõ ràng thông tin trong bối cảnh sống chung với dịch là rất cần thiết, phải được cập nhật thường xuyên và theo giờ chứ không phải theo ngày vì dịch có thể thay đổi bất cứ lúc nào.
Ông Phùng Quang Thắng - Chủ tịch Hội Lữ hành Hà Nội, Giám đốc Công ty Lữ hành Hanoitourist
Xây dựng kịch bản cho các tình huống rủi ro
Được biết Hanoitourist vẫn tổ chức được một số tour ngay khi tình hình dịch lắng xuống. Điều gì khiến Hanoitourist có thể thích ứng nhanh đến vậy trong khi nhiều doanh nghiệp du lịch đã phải ngừng nhiều hoạt động, cắt giảm nhân sự… bởi đại dịch, thưa ông?
Giai đoạn 2 năm bị ảnh hưởng với đại dịch Covid, nhiều doanh nghiệp du lịch đã bị ảnh hưởng nặng nề như bị đóng cửa, người lao động tạm nghỉ vì không có việc làm. Tuy nhiên Hanoitourist luôn xây dựng kịch bản cho các tình huống rủi ro nên khi dịch xuất hiện, chúng tôi không bị ảnh hưởng nhiều so với các doanh nghiệp cùng ngành khác.
Hanoitourist luôn xây dựng kịch bản cho các tình huống rủi ro.
Ông Phùng Quang Thắng - Chủ tịch Hội Lữ hành Hà Nội, Giám đốc Công ty Lữ hành Hanoitourist
Cụ thể như ngay từ đợt dịch bùng phát đầu tiên, Hanoitourist đã chung tay cùng Nhà nước trong công tác phòng chống dịch khi tiếp nhận người cách ly đến ở tại khách sạn Hoà Bình. Hoà Bình là khách sạn đầu tiên thực hiện việc tiếp nhận người cách ly trên địa bàn Hà Nội. Chính vì vậy dù dịch nhưng nhân viên vẫn có việc làm, doanh nghiệp vẫn duy trì được, không phải đóng cửa như các doanh nghiệp khác.
Trong thời gian Covid hoành hành, Hanoitourist cũng đã tổ chức nhiều hoạt động đào tạo cho người lao động như đào tạo về nghiệp vụ, về ngoại ngữ… Hanoitourist cũng đã tổ chức được nhiều tour du lịch khi dịch lắng xuống như tour Kiến trúc Pháp trong lòng Hà Nội, tour đêm Hoàng Thành Thăng Long, tour đêm Đền Hùng, tour đêm ghé thăm nhà tù Hoả Lò “đêm thiêng liêng sáng ngời tinh thần Việt”, tuyến du lịch liên tỉnh caravan mùa ban nở… Các tour này đều khác biệt, được nhiều khách du lịch đánh giá cao.
Hanoitourist luôn đề cao vấn đề an toàn trong mọi hoạt động của mình.
Ông Phùng Quang Thắng - Chủ tịch Hội Lữ hành Hà Nội, Giám đốc Công ty Lữ hành Hanoitourist
Hết dịch lần 4, Hanoitourist đưa ra 5 sản phẩm du lịch khác nhau như du lịch caravan an toàn, du lịch mùa thu an toàn, du lịch đặt phòng homestay an toàn, dịch vụ khách sạn an toàn, du lịch hội thảo hội nghị an toàn… Tour du lịch an toàn là vũ khí của doanh nghiệp trong bối cảnh hiện nay, và Hanoitourist luôn đề cao vấn đề này.
Hanoitourist cũng đang triển khai làm các sản phẩm đặc thù, dự kiến cuối năm sẽ tung ra thị trường…
Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này!