Chùa Ba Vàng – Tâm linh tại đất xứ Quảng

Mùi hương phảng phất, man mác trong không gian uy nghiêm, tĩnh mịch nhưng không kém phần thơ mộng giúp lòng thanh thản, buông bỏ những sân si của đời thường

Ở xứ than Quảng Ninh, có một nơi như thế, một ngồi chùa nằm giữa lừng chừng núi, được bao quanh bởi rừng cây ngút ngàn làm say lòng không biết bao trái tim đã dừng chân tại chốn này. Đó là…

Ngôi chùa nằm trên ngọn núi Thành Đắng, một trong những cảnh quan đẹp nhất của tỉnh Quảng Ninh. Từ xa xưa, ngôi chùa có tên là Bảo Quang Tự, tượng trưng cho thứ ánh sáng quý giá mà nay được gọi là chùa Ba Vàng. Chùa Ba Vàng hoành tráng mà khách du lịch khi tới Quảng Ninh được chiêm ngưỡng và thăm thú bây giờ đã trải qua nhiều cung bậc thăng trầm mới được khoác lên mình tấm áo lụa là như ngày nay. Chùa Ba Vàng có lịch sử lâu đời nhưng do chiến tranh và thiên tai tàn phá mà dấu tích xưa cổ nơi đây còn lại khá mờ nhạt.

Sau thời gian được trùng tu, chùa hiện có ba gian bái đường, một gian hậu cung gồm các ban thờ Phật, thờ Mẫu và Đức Ông. Tòa “Đại hùng bảo điện” có quy mô nhất với kiến trúc hai tầng. Chùa Ba Vàng có nơi thờ Tam Bảo và trống độc mộc được công nhận là lớn nhất Việt Nam. Hệ thống tượng pháp trong chùa làm bằng gỗ cũng có kích thước lớn như tượng Tam thế, Quan âm, ông Thiện, ông Ác,… đều cao từ 2m trở lên. Trong đó, pho tượng A Di Đà là một trong những tượng Phật bằng gỗ vào loại lớn nhất miền Bắc.

Cổng chùa (Ảnh: Chùa Ba Vàng)

Chùa Ba Vàng mang nhiều dáng dấp và đặc trưng của một ngôi chùa yên vị nơi đất Bắc. Các công trình khác trong khuôn viên của chùa như: khu giảng đạo, thư viện, lầu chuông,… đều được thiết kế thuận lợi cho các vị sư tăng và phật tử đến cúng bái di chuyển một cách dễ dàng.

Một điểm cực kỳ đặc biệt trong chùa Ba Vàng là di tích giếng ngọc không bao giờ cạn. Tương truyền, ai mà uống được nước lấy từ giếng sẽ khỏe mạnh và khỏi bách bệnh. Bởi vậy, nhiều phật tử, du khách thập phương tới đây đều muốn được uống nước lấy từ giếng lên.

Thời điểm đẹp nhất để thưởng thức toàn cảnh vẻ đẹp của chùa Ba Vàng có lẽ là khi mặt trời bắt đầu lui về núi. Đứng trên cao nhìn ngắm cảnh vật lúc hoàng hôn, trước mắt là rừng thông vi vu gió, những ngọn núi nhấp nhô trong ánh chiều tà, sông Bạch Đằng gợn sóng, uốn khúc quanh co; những mái nhà ẩn hiện trong sắc xanh của rừng làm cho con người dường như quên đi những mệt mỏi, những âu lo với bộn bề công việc để hòa mình vào chốn linh thiêng giữa mây ngàn.

Về khuya, nơi những ngôi chùa trên núi thường nghe gió đại ngàn từng đợt, lúc xào xạc ngọn cây khi ồn ào cuồng phong vần vũ “trêu núi ghẹo trăng”. Đó là điều tự nhiên vốn thấy ở nơi đây, khi dịu dàng nũng nịu, khi cuồng nộ lúc thanh bình,… Nhưng cảnh khuya ở chùa Ba Vàng nghiêm tịnh đến khó tả. Dường như, những khoảng u tịch của đại ngàn thiêng liêng kỳ vĩ khi về đêm nơi đây đã tạm lãnh đi đâu đó để nhường chỗ cho những làn gió thanh mát, êm đềm. Bởi vậy mà không ít những du khách chỉ chọn thời điểm từ hoàng hôn tới đêm khuya để vãn cảnh chùa Ba Vàng.

Chùa Ba Vàng khi về đêm.

(Ảnh: Chùa Ba Vàng)

Chùa Ba Vàng dường như hội tụ tất cả cảnh đẹp để tạo nên chốn tâm linh huyền bí, mang những điều tinh túy của đất trời vào ngôi chùa đầy linh thiêng. Dẫu thời gian có đang trôi đi không chờ đợi ai, dẫu con người có đang già đi theo năm tháng thì những giá trị văn hóa tâm linh kia vẫn cứ mãi trường tồn và được người đời ghi nhớ, truyền cho thế hệ con cháu về sau. Để mỗi khi tâm hồn muốn có nơi để dựa vào thì ta vẫn biết đâu đó còn có nơi an yên, che chở, bao bọc để buông bỏ hết những bụi trần của cuộc sống.