Là một trong những công trình mang tính biểu tượng tại Ấn Độ, cung điện Umaid Bhawan không những được biết đến bởi kiến trúc nguy nga, tráng lệ mà còn cả những câu chuyện khởi nguồn đầy thú vị và ly kì.
Umaid Bhawan được xây nên từ lời tiên tri
Theo nhiều giai thoại kể lại từ xa xưa, vùng Jodhpur tại tây bắc Ấn Độ vốn rất thịnh vượng và màu mỡ nhưng bỗng có một vị thánh đã tiên đoán sẽ có một nạn hạn hán sẽ kéo đến làm ảnh hưởng tới cuộc sống của toàn bộ dân chúng nơi đây.
Quả thật, đến những năm 1920, kết thúc giai đoạn trị vì 50 năm của người đứng đầu bộ lạc Rathore hùng mạnh - ngài Pratap Singh, thì hạn hán, mất mùa và đói kém đã diễn ra liên tiếp 3 năm.
Người kế thừa ngôi vị (được gọi là Maharaja) lúc đó là Umaid Singh. Ông ra lệnh xây dựng một cung điện hoành tráng để tạo ra công ăn việc làm cho người nông dân. Với ý tưởng đó, việc khởi công xây dựng bắt đầu từ năm 1928, hoàn thành năm 1943. Trong suốt 15 năm này, nhiều người nhờ đi xây cung điện mà có đồng lương đủ sống qua thời kỳ đói kém.
Cung điện hoàng gia cuối cùng trước khi Ấn Độ giành độc lập
Cung điện Umaid Bhawan xây xong khoảng 4 năm trước khi Ấn Độ giành độc lập vào ngày 15/8/1947, chính thức mở ra giai đoạn nước Cộng hòa Ấn Độ.
Sau khi thống nhất, tuy Ấn Độ không còn các vương quốc nhỏ nữa, nhưng những người từng đứng đầu các bộ lạc/vùng đất và cuộc sống xa hoa của họ vẫn tồn tại. Cung điện Umaid Bhawan là một ví dụ, đến nay, hậu duệ của chủ nhân đầu tiên Umaid Singh vẫn còn tiếp tục sinh sống bên trong cung điện.
Không chỉ cung điện, Umaid Bhawan còn là thư viện và khách sạn
Umaid Bhawan là nơi ở của hậu duệ hoàng gia như chúng ta nhắc đến ở trên. Họ sống một cuộc đời khá sung túc và kín đáo cách xa con mắt thế tục.
Ngoài ra, cung điện cũng là một viện bảo tàng mở cửa cho công chúng. Các mẫu vật tráng lệ tại đây bao gồm đồ gốm sứ, thủy tinh quý giá; đồng hồ cổ lạ mắt; áo giáp, bộ sưu tập đồ gia dụng đắt tiền vào thập niên 30; xác ướp báo hoa và cả lá cờ biểu tượng do Nữ hoàng Victoria (Vương quốc Anh) ban tặng từ năm 1877.
Dĩ nhiên, một phần khác của cung điện là khách sạn - nơi sẽ diễn ra lễ cưới của Nick Jonas và cựu Hoa hậu Thế giới, thuộc sở hữu của tập đoàn Taj Hotel Group. Khách sạn Taj Hotel gồm 25 phòng thường và 39 phòng suite cao cấp (trong đó lại chia thành 5 đẳng cấp khác nhau như phòng hạng sang, phòng hoàng gia, phòng vương giả...).
Được thiết kế với phong cách diễm lệ và cầu kì của nền văn hoá Ấn Độ nhiều màu sắc, các phòng nghỉ đều giữ lại những nét cổ điển vốn có của cung điện với những bức chân dung hoàng tộc và thảm trải cao cấp. Khách sạn cũng nổi tiếng với khu vườn thượng uyển nuôi chim công đẹp như tranh vẽ mà bất cứ thượng khách nào cũng muốn trải nghiệm một bữa tối lãng mạn tại đây.
Ngoài ra, toàn cung điện Umaid Bhawan cũng là điểm du lịch hấp dẫn nhất của thành phố Jodhpur, bên cạnh Pháo đài Mehrangarh.
Hôn lễ sắp tới của hai nhân vật nổi tiếng Nick Jonas và Priyanka Chopra sẽ là một điểm nhấn độc đáo trên hành trình lịch sử của cung điện Umaid Bhawan. Cũng như cung điện xa hoa này chính là nơi không thể thích hợp hơn cho "hôn lễ thế kỷ" mà người dân Ấn Độ và fan quốc tế đang nóng lòng chờ đợi.
Tổng hợp