Phát biểu tại toạ đàm về phát triển thị trường bất với chủ đề “Thị trường Condotel và nỗi lo thừa cung?” do Thời báo Kinh tế Việt Nam tổ chức chiều 10/8, ông Phạm Văn Thường - Trưởng phòng Quản lý Bất động sản - Cục Quản lý Nhà và Thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cho biết, condotel là loại hình bất động sản mới và các Luật chưa quy định cụ thể, chứ chưa phải chưa có.
"Chưa thấy cuốn sổ đỏ condotel nào"
Theo ông Thường, đối với những dự án du lịch nghỉ dưỡng hiện áp dụng theo Luật Đầu tư và chủ yếu các nhà đầu tư được địa phương chỉ định thầu hoặc giao đất. Trong đó, nhà đầu tư sẽ quy hoạch và được nhà nước phê duyệt. Condotel nếu đúng như trước đều là các dự án khách sạn cho thuê, nhưng nhà đầu tư muốn chia sẻ lợi ích, huy động vốn trong dân và muốn bán đi thay vì chỉ cho thuê.
"Bộ Tài nguyên và Môi trường khi cấp sổ vướng chuyện sử dụng đất, theo quy định luật có 2 loại thời hạn sử dụng: lâu dài và có thời hạn, lâu dài thì chỉ có đất ở. Tôi chưa thấy sổ đỏ nào ở condotel, Tổng cục Đất đai cũng nói là chưa bao giờ thấy sổ đỏ", ông Thường nói.
Ông Phạm Văn Thường cũng cho biết, sau khi các Hiệp hội có ý kiến với Bộ Xây dựng về tính pháp lý sở hữu condotel, Bộ Xây dựng đã báo cáo với Thủ tướng. Thủ tướng sau đó giao cho 3 bộ, trong đó Bộ Xây dựng được giao nhiệm vụ xây dựng quy chuẩn loại hình này, Bộ Tài nguyên và Môi trường nhiệm vụ xây dựng, quản lý, sở hữu tài sản trên đất, Bộ Tài chính sẽ chuẩn bị khung pháp lý quản lý tài chính phát triển mô hình này.
"Sắp tới, cơ sở pháp lý của các loại hình như này được tính đến rõ ràng hơn. Về nguyên lý thì doanh nghiệp được làm những gì pháp luật không cấm", ông Thương nhấn mạnh.
Theo ông Thưởng, gần đây, cơ quan quản lý có tổ chức các đoàn đến công tác tại các địa phương, đến các toạ đàm để nghe xem nhà đầu tư đánh giá thị trường như thế nào, cũng như nghe những đề xuất về pháp lý để thị trường phát triển bền vững, đúng luật để người dân không lo ngại.
“Hiện nói đến sự lo ngại của người dân, nếu tôi là dân tôi cũng lo ngại. Một loại hình chỉ dựa vào cam kết của chủ đầu tư, tôi không nói không tin tưởng cam kết chủ đầu tư nhưng cũng còn nhiều vấn đề. Khách hàng chúng tôi đánh giá là yếu thế hơn chủ đầu tư, ngay như hợp đồng do chủ đầu tư soạn chứ có phải là thoả thuận đâu. Cam kết phải do nhà nước quản lý thì chủ đầu tư mới không chạy đi đâu được”, vị đại diện cơ quan quản lý nêu quan điểm cá nhân.
Cần sớm có hành lang pháp lý
Liên quan tới tính pháp lý, bà Hương Trần Kiều Dung - Phó Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FLC cho biết, hiện nay, hình thức căn hộ khách sạn có rất lâu rồi nhưng điểm mới ở đây là phương thức kinh doanh.
"Để kinh doanh thì condotel phải được xác nhận là nhà ở nhưng không hình thành đơn vị ở, người mua không có hộ khẩu ở đó. Điều này mang lại lợi ích lớn cho địa phương bởi tiền sử dụng đất xác định trên đất ở cao hơn nhiều so với đất dịch vụ, địa phương không bị tăng dân số do người mua không ở, lại thu hút thêm khách du lịch, cơ sở hạ tầng", bà Dung nói.
Trên cơ sở đó, bà Dung đề nghị Bộ Xây dựng và đơn vị liên quan sớm có hành lang pháp lý, hỗ trợ cho condotel đi vào hoạt động. Đây cũng là động lực để các chủ đầu tư mạnh tay đầu tư hơn nữa vào loại hình này.
Phát biểu tại buổi tọa đàm, bà Vũ Thị Lan Anh - Phó tổng giám đốc Tập đoàn CEO, cho hay, Hiệp hội Bất động sản, doanh nghiệp đã có kiến nghị với Bộ Xây dựng và Thủ tướng về văn bản pháp lý với condotel trong khi khách hàng cũng mong muốn có giấy chứng nhận đảm bảo quyền sở hữu.
"Đây cũng như là của để dành của họ. Để đảm bảo quyền, lợi ích của khách hàng, nhà đầu tư chúng tôi mong muốn có văn bản hướng dẫn cho phép mua condotel cấp giấy chứng nhận sở hữu gắn liền với đất", bà Lan Anh nói.
Ngoài ra, liên quan tới vấn đề về mặt pháp lý quy định người nước ngoài không được mua condotel, bà Lan Anh cho rằng điều này sẽ là hạn chế dòng vốn từ nước ngoài.
“Với lợi nhuận và cam kết đầu tư như hiện tại cũng hấp dẫn với người nước ngoài, kể cả đang sinh sống làm việc tại Việt Nam hoặc ở nước ngoài. Nếu có thể mở cửa cho đối tượng này cũng giúp tận dụng nguồn vốn phát triển từ nước ngoài”, bà Lan Anh nói.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Mạnh Hà - Chủ tịch Hội đồng Quản trị Phú Quý Land cho biết: “Vừa rồi, Phú Quý Land có làm việc với khách hàng Hàn Quốc, Hồng Kông, Singapore, họ rất quan tâm thị trường Việt Nam. Họ rất yêu thích sản phẩm bất động sản nghỉ dưỡng nhưng hồ sơ pháp lý hoàn thiện rất khó. Đây là khuyết điểm nên kiến nghị có hành lang pháp lý, sớm cởi mở cho đối tượng này, nhằm phát triển condotel, khai thác tiềm năng kinh tế biển".
“Chúng ta ra nước ngoài mua được thì sao không cho phép người nước ngoài mua tại Việt Nam?”, ông Hà đặt câu hỏi.
Theo Phương Dung/ Dân trí
>> Người mua condotel ở Việt Nam đối mặt rủi ro gì?