"Chưa có đường đi" để xã hội hóa đầu tư hạ tầng hàng không

Theo ông Lương Hoài Nam, chuyên gia hàng không, khó khăn trong xã hội hóa đầu tư hạ tầng hàng không nằm ở chỗ cả chính quyền và doanh nghiệp đều loay hoay về thủ tục hành chính, thủ tục đầu tư...
đầu tư hạ tầng hàng không

Theo đó, trong Tọa đàm Huy động các nguồn lực phát triển hạ tầng hàng không, khi được hỏi về khó khăn trong thu hút vốn xã hội hóa đầu tư hạ tầng hàng không, ông Lương Hoài Nam cho rằng do: "Chưa có đường đi".

Phân tích rõ hơn, ông Nam cho biết đó là nhà đầu tư chưa biết đi thế nào về thủ tục hành chính, thủ tục đầu tư; các địa phương không biết đi thế nào, làm như thế nào để thực hiện các đề án xã hội hóa.

Dẫn các dự án sân bay Vinh (Nghệ An), sân bay Thành Sơn (Đồng Nai)... ông Nam cho biết, các nhà đầu tư đều "bỏ cuộc" do thủ tục khó nên dừng lại, không theo. Còn nhà đầu tư muốn đầu tư vào sân bay Phù Cát là doanh nghiệp bất động sản, thì nói rằng vừa qua gặp cơn bão khủng hoảng về bất động sản nên họ thôi không làm nữa. 

Rõ ràng, hệ quả của "Chưa có đường đi" là các nhà đầu tư muốn tham gia vào các dự án sân bay nữa.

Thực tế, vấn đề xã hội hóa hạ tầng sân bay đã được đặt ra từ 10 năm nay, nhưng đến nay mới chỉ có một sân bay xã hội hóa được là sân bay Vân Đồn. Ngoài ra có hai dự án nhà ga được xã hội hóa là nhà ga sân bay quốc tế Đà Nẵng và nhà ga sân bay quốc tế Cam Ranh.

đầu tư hạ tầng hàng không
Ông Lương Hoài Nam

Về kinh nghiệm trên thế giới, ông Nam cho biết, tại châu Âu, ở Mỹ… hiện để cho tư nhân làm hết. Còn ở Nga thực hiện theo cách cho thuê sân bay như thuê tài sản. 

Tại Ấn Độ, hai sân bay lớn nhất là New Delhi và Bombay thì thực hiện theo mô hình nhượng quyền, cho một tập đoàn sở hữu, có sở hữu nước ngoài, có sở hữu của Ấn Độ, có sở hữu của nhiều thành phần tham gia quản lý.

Còn tại Việt Nam, vẫn đang loay hoay xác định rõ mô hình cho hình thức xã hội hóa để xử lý các vấn đề phát sinh của mô hình này đặt ra.

Trong đó, ông Nam cho rằng có e vấn đề cần làm rõ, đó là quan hệ về đất đai, quan hệ về hạ tầng khu bay và xử lý tài sản.

Về quan hệ về đất đai, ông Nam cho rằng hiện ACV quan hệ với đất đai như thế nào thì nhà đầu tư tư nhân sẽ quan hệ với Nhà nước về đất đai như vậy, cùng một chính sách bởi đất đai thuộc về Nhà nước.

Đối với quan hệ về hạ tầng khu bay, hiện nay Bộ Giao thông vận tải, đại diện chủ sở hữu, đang giao toàn bộ hạ tầng khu bay của Nhà nước cho ACV quản lý và khai thác, không nhượng quyền, không cho thuê. Nhưng khi xã hội hóa hạ tầng sân bay, thì không thể miễn phí như trước, phải có một cách quan hệ thế nào đó đối với tài sản nhà nước là khu bay. Ông Nam cho rằng, để công bằng, quan hệ của ACV với khu bay như thế nào thì quan hệ của các nhà đầu tư trong quá trình xã hội hóa tới đây đối với khu bay cũng như thế, cũng phải theo một công thức giống nhau.

Vấn đề cuối là xử lý tài sản của ACV, ông Nam cho rằng đây là vấn đề rắc rối vì chưa rõ các sân bay sẽ thực hiện xã hội hóa như thế nào.

"Với những thông tin mà tôi được tiếp cận với đề án này thì tôi thấy chưa rõ. Ngay trong báo cáo gần đây nhất của Bộ Giao thông vận tải với Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà vẫn có hai phương án. Một là ACV sẽ thoái vốn hết khỏi các sân bay đó. Phương án hai là ACV tiếp tục ở lại và làm cổ đông chi phối tại các sân bay xã hội hóa. Cá nhân tôi nghĩ rằng không nên đi theo phương án 2, bởi vì hiếm có doanh nghiệp tư nhân nào đưa tiền cho ACV để ACV chi phối trong các dự án phát triển sân bay. Tôi nghĩ phương án tốt nhất là ACV nên thoái ra để cho nhà đầu tư tư nhân và các liên doanh đầu tư tư nhân tham gia, vận hành. Nhưng vẫn phải có cách để giải quyết tài sản của họ cho khoa học, minh bạch, không thất thoát, rõ ràng", ông Nam nói.

Có thể bạn quan tâm