
Sáng 4/4/2025, Công ty Cổ phần Chứng khoán DSC (mã chứng khoán: DSC) đã tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên, thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2025 với tổng doanh thu 566 tỷ đồng, tăng 12%, lợi nhuận trước thuế mục tiêu đạt 260 tỷ đồng, tăng 18% so với thực hiện năm trước.
Ông Nguyễn Đức Anh, Chủ tịch Hội đồng quản trị DSC cho biết, năm 2025, mặc dù có nhiều cơ hội đang được mở ra cho nền kinh tế Việt Nam. Tuy nhiên, song song với đó là một thách thức lớn khi khi Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đặt quyết tâm đưa kinh tế năm 2025 đạt mức tăng trưởng 8%, thay vì mức 6,5-7%, phấn đấu đạt 7-7,5% như Quốc hội đã quyết nghị.
Đặc biệt là đặt trong bối cảnh cả kinh tế thế giới và trong nước vẫn đang đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức, biến động địa chính trị toàn cầu còn phức tạp, thì đây là một bài toán không dễ giải.
Việc Tổng thống Donald Trump dự kiến sẽ đánh thuế những quốc gia như Việt Nam hay việc Trung Quốc sẽ có những động thái đáp trả đối với chính sách thuế mới của Mỹ cũng dự kiến đem lại ảnh hưởng tiêu cực tới sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam nói chung và sự phát triển của Công ty nói riêng.
Với tình hình đó, giải pháp thực hiện hoạt động kinh doanh trong năm 2025 của DSC sẽ theo hướng củng cố công tác quản trị, điều hành; tập trung tái cấu trúc nhằm cải thiện hiệu quả hoạt động của các mảng kinh doanh cốt lõi và phù hợp với diễn biến của nền kinh tế & thị trường chứng khoán; đẩy mạnh chiến lược để cá nhân hóa quảng cáo thông qua việc sử dụng marketing số và tận dụng AI; đẩy mạnh công tác quản trị rủi ro, kiểm tra nội bộ & đặc biệt là kiểm soát tuân thủ
Được biết, năm 2024, DSC đạt doanh thu hơn 503 tỷ, tăng trưởng 15% và lợi nhuận sau thuế 176 tỷ đồng, tăng đến 47% so với năm 2023. Đồng thời, DSC sẽ chia cổ tức năm 2024 với tỷ lệ 17%.
Ngoài ra, DSC sẽ phát hành thêm 34,8 triệu cổ phiếu để tăng vốn điều lệ, với giá 10.000 đồng/cổ phiếu, tương đương tăng vốn thêm 348 tỷ đồng. Đồng thời, phát hành thêm 5 triệu cổ phiếu theo phương thức ESPO. Thời gian thực hiện năm 2025-2026, khi được chấp thuận của Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước.
Nếu được chấp thuận vốn điều lệ của DSC dự kiến sau phát hành sẽ tăng lên 2.800 tỷ đồng. Mục đích sử dụng vốn nhằm bổ sung vốn cho hoạt động đầu tư và cho vay ký quỹ.
Đáng chú ý, ngay trước đại hội, ông Vũ Nhật Lâm, Thành viên Hội đồng quản trị đã xin từ nhiệm. Do đó, tại trong Đại hội đồng cổ đông 2025 đã bầu bổ sung ông Bùi Văn Hùng (người đại diện của Công ty Cổ phần Đầu tư NTP) vào vị trí thay ông Lâm.
Báo cáo tại hội nghị, ông Bạch Quốc Vinh, Tổng giám đốc DSC cho biết, sau 3 năm tái cấu trúc, quy mô vốn điều lệ của DSC đã tăng từ 60 tỷ tăng lên 2.048 tỷ đồng, nằm ở vị trí 30/75 công ty chứng khoán về vốn hoá.

Thảo luận tại Đại hội:
Trước khi đi vào thảo luận, Tổng giám đốc DSC chia sẻ về việc Mỹ áp thuế 46% với Việt Nam, khiến thị trường chứng khoán lao dốc, ông Vinh cho rằng, thị trường chứng khoán vận hành như một vòng tuần hoàn, có người rời đi thì sẽ có người khác sẽ thế chỗ.
Việc thị trường lao dốc mạnh mẽ như hiện tại có thể khiến nhiều người bất ngờ, nhưng với tính linh hoạt vốn có, chỉ trong một đến hai tuần, thị trường sẽ dần tìm lại nhịp điều chỉnh và phục hồi. Khi thị trường chạm đáy, đó không chỉ là tín hiệu tiêu cực mà còn mở ra cơ hội hấp dẫn cho những nhà đầu tư sẵn sàng nhập cuộc.
Ngoài ra, về kế hoạch, hướng đi mới của Chứng khoán DSC, ông Bạch Quốc Vinh bộc bạch, DSC từ trước nay vốn đi theo mô hình truyền thống, nhưng ba năm tới sẽ là bước ngoặt lớn.
"Công ty sẽ chuyển mình theo hướng giống một ngân hàng thu nhỏ, tinh gọn về nhân sự nhưng hiệu quả vận hành vượt trội, tạo nền tảng bền vững hơn cho cổ phiếu. Chúng tôi đã bắt đầu triển khai kế hoạch này từ 2,3 năm trước và trong năm nay sẽ chính thức giải ngân vốn để tăng tốc thực hiện. Đây là chiến lược trọng điểm, hướng tới mục tiêu lọt vào nhóm những công ty hàng đầu trên thị trường chứng khoán”, ông Vinh nhấn mạnh.
Tổng giám đốc Chứng khoán DSC cho biết thêm, trong 2-3 năm tới, công ty sẽ không còn tập trung mạnh vào mảng môi giới truyền thống dành cho khách hàng cá nhân. Thay vào đó, DSC sẽ chuyển dịch sang lĩnh vực quản lý tài sản – không chỉ giúp khách hàng gia tăng lợi nhuận mà còn mở ra nguồn thu bền vững cho chính công ty. Đây là một phân khúc chưa được khai thác nhiều trên thị trường, và DSC kỳ vọng sẽ tạo ra đột phá trong lĩnh vực này.
Hiện tại, phần lớn các công ty chứng khoán vẫn bám trụ vào mô hình môi giới truyền thống, nhưng DSC lại chọn con đường khác: Tìm kiếm những khách hàng lớn, có tiềm lực tài chính, và trực tiếp quản lý tài sản cho họ. Cách tiếp cận này giúp DSC tối ưu nguồn nhân lực, song cũng đặt ra thách thức lớn. Việc chuyển đổi từ mô hình môi giới thu phí sang tư vấn quản lý tài sản hoàn toàn khác biệt, buộc nhân viên phải thay đổi tư duy, không còn phụ thuộc vào phí giao dịch.
Minh chứng cho hướng đi mới, năm ngoái DSC đã thử nghiệm hợp đồng tư vấn trị giá 70 tỷ đồng, và từ đó giúp tài sản khách hàng tăng lên 600-700 tỷ đồng. DSC tin rằng đây là một chiến lược khả thi, giàu tiềm năng, nhưng để mở rộng quy mô trên toàn thị trường không phải điều dễ dàng.
"Chúng tôi không thể tự mình quyết định tất cả. Thị trường chưa thực sự sẵn sàng, và bản thân đội ngũ môi giới cũng chưa muốn thay đổi mô hình quen thuộc. Nhưng DSC chấp nhận thách thức, vì chúng tôi nhìn thấy tương lai ở hướng đi này," ông nhấn mạnh.
Với diễn biến thị trường giao dịch từ hôm qua tới nay, ban lãnh đạo có những giải pháp nào để quản trị rủi ro?
"Chúng ta luôn phải chấp nhận cuộc chơi luôn có những đột biến, cuộc chơi trong bối cảnh mới, thị trường có thể trao đảo bất cứ lúc nào. Chúng tôi đã nhìn ra và tính quản trị rủi ro và thiết kế những sản phẩm trong 2,3 năm qua.
Chúng tôi thiết kế rổ marin, khách hàng thông qua hệ thống mỗi giới thì sẽ không được mua một mã, phải mua tối thiểu 2 đến 3, để tránh rủi ro khi có vấn. Với thị trường này thì chúng tôi rất tự tin. Khi cho vay đã có những hàng rào tránh rủi ro, rất chặt chẽ, ví dụ, 1 kỳ báo cáo tài chính lỗ đã không cho vay rồi, không cần chờ đến kỳ thứ 2.
Năm 2024, tỷ lệ tăng marin cao hơn tăng trưởng giá trị giao dịch của nhà đầu tư lại chỉ khoảng 10-11%, vậy bản chất tăng trưởng marin của DSC trong năm 2024 là gì?
Cổ đông hoàn toàn đúng, đây cũng là phản ánh của thị trường chứng khoán, không phải lúc nào tốc độ tăng trưởng môi giới cũng giống hoặc đi cùng tốc độ tăng trưởng marin. Tại DSC, những hợp đồng cho vay lớn hầu hết là cổ phiếu ngân hàng, dù lãi không cao nhưng các ngành khác nhưng an toàn.
Chúng tôi gần như không cấp cho vay bất động sản. Hiện nay, nhiều công ty chứng khoán khác có mức tỷ trọng cao hơn DSC rất nhiều, lên tới mười mấy lần. Nên đây là hoạt động bình thường và điển hình của các công ty chứng khoán.
Trong báo cáo của DSC, hiện giờ công ty dùng 300 tỷ cho tự doanh, mỗi một năm chúng tôi kỳ vọng 2 sóng. Lúc thị trường thuận thì "ăn" 2 sóng, còn không thì 1 sóng, nhưng thông thường trong 2-3 năm qua, 1 sóng DSC lãi trung bình 15%.
Trong bối cảnh mà các quỹ đầu tư còn khá khó tìm ra cơ hội, ý tưởng đầu tư đối với các doanh nghiệp trước niêm yết, vậy DSC có những chiến lược như thế nào để tìm ra cơ hội này?
Nói về kế hoạch mới, ông Vinh cho biết, tham vọng lớn phải có sự chuẩn bị, DSC đã xây nền tảng từ 2-3 năm trước, nên DSC rất tự tin thực hiện. Trong thời gian qua, DSC đi tư vấn tài chính, tìm kiếm khách hàng, doanh nghiệp (tiềm năng, tăng trưởng, muốn niêm yết) và tìm đối tượng phù hợp với DSC. Những doanh nghiệp này thực sự muốn niêm yết, còn không thì DSC chỉ tư vấn tài chính.
Hai, ba năm qua, chúng tôi cũng đi cày, đi cuốc, miếng nào vừa miếng mới lựa chọn, chứ không phải chờ doanh nghiệp. Hiện nay, không phải lúc nào cầm tiền đi đầu tư cũng thành công, vậy phải đầu tư cả dài hạn, phải có thời gian chuẩn bị, ví dụ 2025 mới có cơ hội góp vốn thì phải đi tìm 2-3 năm trước, và cứ vận hành như vậy.
Chúng tôi cùng cổ đông hoạch định cuộc chơi, không đi theo cuộc chơi của thị trường, của người khác. Đi theo hướng này có một điều thuận là nếu tốt thì chúng ta không phải trích lập dự phòng, thuận theo báo cáo tài chính, giảm áp lực cho ban điều hành.
Ngoài ra, với định hướng kinh doanh này, DSC có thể đầu tư số tiền lớn hơn, gấp đôi mức trung bình hiện nay.