Chứng khoán Mỹ chịu lực cản lớn từ nhóm ngân hàng

Chứng khoán Mỹ kết thúc phiên giao dịch 9/3 đầy ảm đạm khi những lo lắng bao trùm lĩnh vực ngân hàng…
chứng khoán Mỹ

Ba chỉ số chứng khoán chính của Phố Wall đều trượt giảm vào ngày 9/3, với các cổ phiếu ngân hàng tạo ra lực cản lớn nhất trong khi các nhà đầu tư cũng lo ngại rằng báo cáo việc làm tháng 2 có thể thúc đẩy các đợt tăng lãi suất mạnh mẽ hơn từ Cục Dự trữ Liên bang (Fed). 

Chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones giảm 543,54 điểm, tương đương 1,66%, còn 32.254,86 điểm, chỉ số S&P 500 giảm 73,69 điểm, tương đương 1,85%, còn 3.918,32 điểm và chỉ số Nasdaq Composite giảm 237,65 điểm, hay 2,05%, xuống 11.338,36 điểm. 

Tất cả 11 lĩnh vực công nghiệp chính của S&P đều kết thúc phiên giao dịch ở mức thấp. Mảng Tiện ích, giảm 0,8% là ngành có mức giảm nhỏ nhất. Trong khi đó, lực cản lớn nhất đối với S&P 500 đến từ lĩnh vực tài chính và công nghệ thông tin. 

Cụ thể, chỉ số ngân hàng của S&P 500 đã giảm 6,6% sau khi chạm mức thấp nhất kể từ giữa tháng 10/2022. Các nhà đầu tư đã tìm cách “tháo chạy” sau khi Ngân hàng công nghệ SVB công bố bán gần như toàn bộ danh mục đầu tư chứng khoán của mình với khoản lỗ 1,8 tỷ USD. Cổ phiếu SVB đã lao dốc 60% vào thứ 9/3.

Không chỉ SVB, Silvergate cũng gây chú ý khi ngân hàng công bố ngừng hoạt động vì chịu tổn thất nặng nề trong bối cảnh mất đi dòng tiền gửi khổng lồ từ cơ sở khách hàng tài sản kỹ thuật số. Cổ phiếu của Silvergate, đã mất hơn 95% trong năm qua, giảm 41% trong ngày. 

Trong số các ngân hàng lớn của Hoa Kỳ, cổ phiếu của JPMorgan, Bank of America và Wells Fargo đều giảm hơn 5% vào cùng ngày. 

S&P 500 ghi nhận 5 mức cao mới trong 52 tuần và 22 mức thấp mới; Nasdaq Composite ghi nhận 58 mức cao mới và 289 mức thấp mới.

Trên các sàn giao dịch của Hoa Kỳ, có 11,69 tỷ cổ phiếu được trao tay so với mức trung bình 10,95 tỷ cổ phiếu trong 20 phiên gần đây.

Về mặt kinh tế, các nhà đầu tư cũng đang căng thẳng trước báo cáo việc làm phi nông nghiệp tháng 2 của Mỹ, sẽ được công bố vào 10/3. 

Bà Mona Mahajan, chiến lược gia đầu tư cấp cao của Edward Jones, New York, cho biết: "Có rất nhiều dự đoán xung quanh báo cáo bảng lương ngày mai. Trong tuần tới, chúng ta cũng sẽ nhận được một loạt dữ liệu về lạm phát và doanh số bán lẻ trước thềm cuộc họp tháng 3 của Fed vào ngày 21 và 22/3.

Các phát biểu của Chủ tịch Fed Jerome Powell trong tuần này cũng đã cũng cố thêm mối lo ngại về các đợt tăng lãi suất sắp tới nhằm chống lại lạm phát. 

Các nhà đầu tư đã đặt cược rằng cơ hội tăng lãi suất 0,5 điểm phần trăm trong cuộc họp tháng 3 là khoảng 60%, theo công cụ FedWatch của CME Group, tăng mạnh so với xác suất 31% trước khi ông Powell xuất hiện tại Quốc hội vào hai ngày 7 và 8/3. 

Cũng trong ngày 9/3, báo cáo từ Bộ Lao động Mỹ cho thấy số đơn xin trợ cấp thất nghiệp đã tăng lên 211.000 vào tuần trước, cao hơn so với dự báo của các nhà kinh tế là 195.000 đơn. Mặc dù số đơn xin trợ cấp thất nghiệp gia tăng có thể xem là dấu hiệu đầu tiên cho thấy thị trường lao động có dấu hiệu nới lỏng, nhưng các phân tích vẫn cần thêm một số điểm dữ liệu sắp tới để xác định xu hướng chung trên thị trường. 

Có thể bạn quan tâm