Chứng khoán Mỹ mất điểm khi những dấu hiệu từ Fed cho thấy đợt tăng lãi suất mạnh tay hơn

Các chỉ số chứng khoán Mỹ giảm mạnh vào phiên giao dịch 7/3 sau khi Chủ tịch Fed Jerome Powell cho biết về khả năng tăng lãi suất nhiều hơn dự kiến để kiềm chế lạm phát…
chứng khoán Mỹ

Trong số 3 chỉ số chính của Phố Wall, chỉ số công nghiệp trung bình Dow Jones mất điểm nhiều nhất với mức giảm 1,7%, tương đương 574,98 điểm xuống còn 32.856,46, trong khi S&P 500 giảm 1,5%, tương đương 62,05 điểm xuống mức 3.986,37 và Nasdaq Composite mất gần 1,3%, tương đương 145,40 điểm xuống 11.530,33.

Tất cả 11 lĩnh vực chính của S&P đều đóng cửa ở mức thấp hơn, dẫn đầu là lĩnh vực tài chính với mức giảm 2,5%. Mức giảm ít nhất là chỉ số tiêu dùng thiết yếu, mất 0,97%.

Ở những diễn biến cổ phiếu riêng lẻ, Rivian Automotive trượt giảm 14,5% sau khi nhà sản xuất ô tô điện công bố kế hoạch bán trái phiếu trị giá 1,3 tỷ USD.

Trong khi đó, cổ phiếu Tesla Inc đóng cửa giảm 3% khi Giám đốc điều hành Elon Musk phát biểu về kế hoạch sản xuất phương tiện nhỏ hơn với chi phí sản xuất chỉ bằng một nửa so với Model 3 tại một hội nghị nhà đầu tư. 

S&P 500 đã công bố 10 mức cao mới trong 52 tuần và 9 mức thấp mới; Nasdaq Composite ghi nhận 55 mức cao mới và 146 mức thấp mới.

Trên các sàn giao dịch của Mỹ, 11,17 tỷ cổ phiếu đã được giao dịch, tăng từ mức trung bình 10,98 tỷ trong 20 phiên gần đây.

Vào đầu ngày 7/3, Chủ tịch Cục Dữ trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell đã khiến các nhà đầu tư “thất thần” khi phát biểu trước Quốc hội rằng ngân hàng Trung ương sẵn sàng tăng lãi suất cao nếu dữ liệu kinh tế cho thấy cần có các biện pháp cứng rắn hơn để kiểm soát giá cả. 

"Nếu toàn bộ dữ liệu kinh tế chỉ ra rằng việc thắt chặt nhanh hơn cần được đảm bảo, thì chúng tôi sẽ sẵn sàng tăng tốc tăng lãi suất”, ông Powell nói với Ủy ban Ngân hàng Thượng viện trong bài phát biểu được chuẩn bị trước. “Mặc dù lạm phát đã được kiểm soát trong những tháng gần đây, nhưng quá trình đưa lạm phát trở lại mục tiêu 2% vẫn còn một chặng đường dài phía trước và có thể sẽ có rất nhiều thách thức,” ông Jerome Powell nói thêm.

Nhà kinh tế trưởng của Morgan Stanley, Ellen Zentner cho biết bài phát biểu của chủ tịch Jerome Powell dường như đưa ra tín hiệu cho tính khả thi của việc tăng lãi suất thêm 0,5 điểm phần trăm. “Nếu xuất hiện một “bất ngờ ngược" trong báo cáo việc làm tháng Hai từ Bộ Lao động, điều này có thể thúc đẩy một chu kỳ thắt chặt nhanh hơn và dài hơn", ghi chú của bà Zentner cho thấy. 

Các dữ liệu ảnh hưởng đến lộ trình tăng lãi suất sắp tới của Fed sẽ bao gồm bảng lương phi nông nghiệp của tháng Hai. Các nhà kinh tế tham gia cuộc thăm dò ý kiến của Reuters đang kỳ vọng sẽ có thêm 200.000 việc làm mới được bổ sung vào thị trường so với mức 517.000 việc làm được báo cáo vào tháng 1.

Cũng trong bài phát biểu trước Thượng viện Mỹ, chủ tịch Fed Jerome Powell nhấn mạnh lại một lần nữa rằng Fed sẽ không xem xét thay đổi mục tiêu lạm phát 2% và thị trường việc làm hiện không cho thấy suy thoái kinh tế sắp đến gần.

Trong cuộc họp chính sách tháng 12/2022, Fed dự kiến lãi suất sẽ cần tăng lên mức 5% đến 5,25%; nhưng với những diễn biến mới nhất trong nền kinh tế, nhiều nhà phân tích cho rằng lãi suất có thể sẽ chạm gần mốc 6% trong năm nay. 

Hiện tại, lãi suất chuẩn của ngân hàng trung ương nằm trong khoảng 4,5% đến 4,75%.

Trong khi đó, lợi suất trái phiếu kho bạc của Mỹ kỳ hạn 2 năm, phản ánh tốt nhất kỳ vọng lãi suất ngắn hạn, lần đầu tiên đạt 5% kể từ tháng 7/2007.

Lợi suất trái phiếu tăng có xu hướng ảnh hưởng đến định giá cổ phiếu, đặc biệt là cổ phiếu tăng trưởng và cổ phiếu công nghệ, vì lãi suất cao hơn làm giảm giá trị của dòng tiền trong tương lai.

Xem thêm

Chứng khoán Mỹ giảm điểm trước các bình luận của Fed

Chứng khoán Mỹ giảm điểm trước các bình luận của Fed

Các chỉ số của Phố Wall hầu như đều mất điểm vào ngày 1/3 khi dữ liệu sản xuất cho thấy lạm phát có khả năng duy trì ở mức cao, trong khi các quan chức Cục Dự trữ Liên bang (Fed) đề xuất một chiến dịch tăng lãi suất mạnh mẽ hơn trong những tháng tới.

Có thể bạn quan tâm