Kết thúc phiên 15/5, chỉ số Dow Jones tăng 0,65% đạt 42.322,75 điểm, S&P 500 nhích 0,41%, lên 5.916,93 điểm còn Nasdaq giảm 0,18% xuống 19.112,32 điểm.
8 trong số 11 nhóm ngành chính thuộc chỉ số S&P 500 đều tăng điểm, dẫn đầu là tiện ích với mức tăng 2,1%, tiếp theo là hàng tiêu dùng thiết yếu leo 2%.
Cổ phiếu Cisco Systems “nhảy vọt” gần 5% sau khi công ty công nghệ mạng nâng dự báo lợi nhuận cả năm nhờ vào sự bùng nổ của trí tuệ nhân tạo (AI).
Ngược lại, UnitedHealth Group lao dốc 11% xuống mức thấp nhất trong 5 năm sau khi tờ Wall Street Journal đưa tin Bộ Tư pháp Mỹ đang tiến hành điều tra hình sự công ty với cáo buộc gian lận bảo hiểm Medicare. Tuy nhiên, UnitedHealth khẳng định họ chưa nhận được bất kỳ thông báo chính thức nào từ các công tố viên liên bang về cuộc điều tra này.
Cổ phiếu của Walmart mất 0,5% khi tập đoàn bán lẻ này cảnh báo sẽ bắt đầu tăng giá sản phẩm trong tháng này vì tác động từ thuế quan, mặc dù doanh thu quý 1/2025 tại thị trường nội địa vượt kỳ vọng. Walmart đã từ chối đưa ra dự báo lợi nhuận cho quý 2.
Amazon, đối thủ của Walmart và cũng là doanh nghiệp chịu ảnh hưởng nặng nề từ chính sách thuế, cũng sụt 2,4% và gây sức ép lên chỉ số Nasdaq.
Khối lượng giao dịch trên các sàn chứng khoán Mỹ là 17,9 tỷ cổ phiếu, cao hơn mức trung bình 16,8 tỷ cổ phiếu trong 20 phiên gần đây.
Trong ngày, các dữ liệu mới cho thấy tăng trưởng doanh số bán lẻ tại Mỹ đã chậm lại trong tháng 4. Còn một báo cáo khác chỉ ra rằng chỉ số giá sản xuất bất ngờ giảm, nối tiếp theo công bố trước đó về chỉ số giá tiêu dùng tương đối ổn định.
“Nhà đầu tư “nơm nớp” lo sợ nguy cơ lạm phát bật tăng rõ rệt. Nhưng đến lúc này, điều đó vẫn chưa xảy ra”, ông John Augustine, Giám đốc đầu tư của ngân hàng Huntington National Bank nhấn mạnh.
Hiện chỉ số S&P 500 vẫn thấp hơn khoảng 4% so với mức đỉnh lịch sử đạt được vào ngày 19/2. Tuy nhiên, S&P 500 đã phục hồi được hoàn toàn sau đợt bán tháo hồi tháng 4 do lo ngại về chiến tranh thương mại toàn cầu khi Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố thuế quan đối ứng.
Giới đầu tư hiện đặt cược rằng Washington sẽ sớm đạt được các thỏa thuận với đối tác thương mại để gỡ bỏ hàng loạt mức thuế cao.
GIÁ DẦU TRƯỢT GIẢM
Trên thị trường năng lượng, giá dầu giảm hơn 2% trước dự đoán Mỹ có thể đạt được thỏa thuận hạt nhân với Iran, từ đó dẫn đến việc nới lỏng các lệnh trừng phạt và đưa thêm nguồn cung dầu ra thị trường.
Hợp đồng tương lai dầu Brent giảm 1,56 USD, tương đương 2,36%, xuống còn 64,53 USD/thùng. Dầu thô WTI của Mỹ giảm 1,53 USD, tương đương 2,42%, còn 61,62 USD/thùng.
Tổng thống Mỹ Donald Trump mới đây cho biết Washington đang tiến gần đến một thỏa thuận hạt nhân với Iran và phía Tehran đã phần nào đồng ý với các điều kiện. Một quan chức Iran trả lời phỏng vấn NBC News rằng Iran sẵn sàng thỏa thuận với Mỹ để đổi lấy việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt kinh tế.
“Việc gỡ bỏ lệnh trừng phạt ngay lập tức có thể giúp Iran xuất khẩu thêm khoảng 800.000 thùng dầu/ngày, điều rõ ràng sẽ gây áp lực giảm giá”, chuyên gia Ole Hvalbye của ngân hàng SEB nhận định.
Về triển vọng dài hạn, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) đã nâng dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu toàn cầu năm 2025 lên 740.000 thùng/ngày, tăng 20.000 thùng so với báo cáo trước đó, nhờ kỳ vọng tăng trưởng kinh tế khả quan hơn và giá dầu thấp thúc đẩy tiêu dùng.
Nhưng cũng theo IEA, nếu tăng trưởng kinh tế chậm lại và doanh số xe điện tăng lên mức kỷ lục thì nhu cầu dầu sẽ giảm xuống còn 650.000 thùng/ngày trong phần còn lại của năm, thấp hơn đáng kể so với mức gần 1 triệu thùng/ngày trong quý đầu tiên.
Trong khi đó, Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh (OPEC+) đang tiếp tục tăng nguồn cung. Tuy nhiên, OPEC gần đây đã hạ dự báo tăng trưởng sản lượng từ các nước ngoài OPEC+ trong năm nay.