Kết thúc phiên 7/5, chỉ số Dow Jones tăng 284,97 điểm (+0,70%) lên 41.113,97 điểm, S&P 500 thêm 24,37 điểm (+0,43%) thành 5.631,28 điểm và Nasdaq Composite leo 48,50 điểm (+0,27%) đạt 17.738,16 điểm.
Trong phần lớn phiên giao dịch, chỉ số Nasdaq rơi vào vùng đỏ do cổ phiếu của Alphabet (công ty mẹ của Google) giảm hơn 7%, kéo theo chỉ số dịch vụ truyền thông trượt 1,8%, trở thành lĩnh vực có mức giảm sâu nhất trong số 11 nhóm ngành thuộc S&P 500.
Cổ phiếu Apple cũng mất 1,1% sau khi có báo cáo cho thấy “Nhà Táo” đang xem xét tích hợp chức năng tìm kiếm bằng AI vào trình duyệt web của mình.
Ngược lại, Dow Jones được hỗ trợ bởi sức bật 10,8% của cổ phiếu Disney nhờ công bố kết quả kinh doanh vượt kỳ vọng.
Cho đến gần thời điểm đóng cửa, Phố Wall phục hồi được hết khoản lỗ trước đó khi cổ phiếu của các hãng sản xuất chip bứt phá. Nguyên nhân là bởi thông tin chính quyền Donald Trump có kế hoạch dỡ bỏ các hạn chế đối với chip AI. Một người phát ngôn của Bộ Thương mại Mỹ đã xác nhận tin tức này. Chỉ số bán dẫn PHLX kết phiên tăng 1,7%.
Thị trường chứng khoán Mỹ đã trải qua một phiên giao dịch đầy biến động khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) quyết định giữ nguyên lãi suất, một động thái đã được giới đầu tư dự đoán từ trước. Chủ tịch Fed Jerome Powell cho biết nguy cơ lạm phát trở lại và tỷ lệ thất nghiệp cao hơn đã gia tăng, càng khiến triển vọng kinh tế trở nên mờ mịt hơn khi Fed phải vật lộn với các tác động từ chính sách thuế quan của ông Trump.
“Rõ ràng, tuyên bố này muốn gửi thông điệp đến Nhà Trắng rằng những hành động gần đây của họ đã khiến môi trường kinh tế trở nên khó khăn hơn,” bà Ellen Hazen, chiến lược gia trưởng tại F.L. Putnam Investment Management nhận định
Chủ tịch Fed cũng thừa nhận tâm lý của người dân và doanh nghiệp đang xấu đi vì nguy cơ bất ổn gia tăng, dù cho nền kinh tế vẫn đang trong tình trạng khoẻ mạnh. Ông tiết lộ thêm, việc cắt giảm lãi suất có thể được xem xét nếu dữ liệu kinh tế cho phép, nhưng Fed không thể hành động sớm cho đến khi có thêm sự rõ ràng.
Dữ liệu từ LSEG cho thấy thị trường vẫn đang đặt cược vào khả năng Fed sẽ cắt giảm ít nhất 0,25 điểm phần trăm tại cuộc họp tháng 7.
Ở một diễn biến khác, Washington thông báo về việc đại diện của Mỹ và Trung Quốc sẽ gặp nhau vào cuối tuần tại Thụy Sĩ để bắt đầu đàm phán thương mại sau nhiều tuần căng thẳng. Chính quyền Trump lưu ý thêm rằng họ đang tiến hành đàm phán với các đối tác thương mại lớn, nhưng thị trường vẫn chưa thấy được kết quả rõ ràng từ các cuộc thảo luận này.
Trước đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump vẫn quả quyết ông không có ý định rút lại mức thuế quan 145%.
Khối lượng giao dịch trên các sàn chứng khoán Mỹ đạt 15,43 tỷ cổ phiếu, thấp hơn mức trung bình 17,55 tỷ cổ phiếu mỗi phiên trong 20 ngày giao dịch vừa qua.
GIÁ DẦU GIẢM HƠN 1 USD/THÙNG
Trên thị trường năng lượng, hợp đồng tương lai dầu Brent giảm 1,03 USD, tương đương 1,66%, xuống còn 61,12 USD/thùng. Giá dầu thô WTI của Mỹ mất 1,02 USD, tương đương 1,73%, xuống còn 58,07 USD/thùng.
Thị trường hiện đang theo dõi sát sao cuộc gặp sắp tới giữa Mỹ và Trung Quốc. “Dù cuộc gặp tại Thuỵ Sĩ có thể là dấu hiệu của một khởi đầu tích cực, nhưng kỳ vọng đạt được một giải pháp mang tính bước ngoặt là không cao. Trừ khi Mỹ nhận được những nhượng bộ thương mại lớn, nếu không khả năng hạ nhiệt căng thẳng là rất thấp”, nhà phân tích thị trường Thiago Duarte từ Axi bình luận.
Trên thực tế, khi được hỏi về cuộc gặp sắp tới với phía Trung Quốc, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent thẳng thắn trả lời rằng các cuộc đàm phán này hoàn toàn chưa có tiến triển.
Trong khi đó, Phó Tổng thống Mỹ JD Vance lại tiết lộ cuộc đàm phán với Iran cho đến nay vẫn diễn ra suôn sẻ và tự tin hai bên có thể đạt được một thỏa thuận nhằm đưa Iran trở lại nền kinh tế toàn cầu đồng thời ngăn nước này sở hữu vũ khí hạt nhân.
Mỹ từng đe dọa áp đặt các biện pháp trừng phạt thứ cấp với Iran sau khi vòng đàm phán thứ tư bị hoãn. Iran hiện là thành viên OPEC sản xuất hơn 3 triệu thùng dầu mỗi ngày, tương đương khoảng 3% nguồn cung toàn cầu.