Kết phiên 9/5, chỉ số Dow Jones giảm 119,07 điểm (-0,29%) xuống 41.249,38 điểm; S&P 500 mất 4,03 điểm (-0,07%) còn 5.659,91 điểm; trong khi Nasdaq gần như đi ngang, nhích nhẹ 0,78 điểm lên 17.928,92 điểm.
Trong số 11 nhóm ngành thuộc S&P 500, năng lượng dẫn đầu với mức tăng 1,1%. Ngược lại, y tế giảm 1,1% và trở thành lĩnh vực có hoạt động kém nhất trong phiên.
Khối lượng giao dịch trên các sàn Mỹ đạt 16,03 tỷ cổ phiếu, thấp hơn mức trung bình 16,47 tỷ của 20 phiên gần nhất.
Tính cả tuần, S&P 500 giảm 0,47%, Nasdaq lùi 0,27% và Dow Jones mất 0,16%.
Tin tức được chú ý nhất trong ngày là việc Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố Trung Quốc nên mở cửa thị trường cho Mỹ và cho rằng mức thuế 80% đối với hàng hóa Trung Quốc là hợp lý. Đây là lần đầu tiên ông đưa ra đề xuất cụ thể về việc điều chỉnh thuế, hiện đang ở mức 145%.
Đại diện của Mỹ và Trung Quốc dự kiến sẽ gặp nhau tại Thụy Sĩ vào cuối tuần để thảo luận về thuế quan. Các nhà đầu tư kỳ vọng đây có thể là bước khởi đầu nhằm hạ nhiệt căng thẳng.
“Mỹ-Trung vẫn là tâm điểm. Tình hình có thể diễn biến theo bất kỳ hướng nào, nhưng ít nhất hai bên cũng đã ngồi lại với nhau. Dù cuộc gặp chỉ mang tính tìm hiểu hay có bước tiến thực chất trong thỏa thuận, thì chúng ta vẫn phải chờ xem”, nhận định của ông Russell Price, chuyên gia kinh tế trưởng tại Ameriprise.
Kể từ khi ông Trump áp thuế đối ứng lên phần lớn các đối tác thương mại vào ngày 2/4, thị trường tài chính đã chứng kiến nhiều đợt biến động mạnh. Tuy nhiên, Phố Wall đã phục hồi và tiệm cận lại ngưỡng trước thời điểm áp thuế, một phần nhờ kết quả kinh doanh tích cực từ các doanh nghiệp. Trong số 450 công ty thuộc chỉ số S&P 500 đã công bố lợi nhuận, khoảng 76% vượt kỳ vọng của giới phân tích. Dù vậy, nhiều doanh nghiệp đã phải cắt giảm hoặc rút lại các dự báo kinh doanh.
Trước đó, trong phiên 8/5, cả ba chỉ số chứng khoán chính đồng loạt tăng mạnh sau khi Mỹ và Anh đạt được một thỏa thuận thương mại, thỏa thuận đầu tiên kể từ khi ông Trump tuyên bố tạm hoãn áp thuế trong 90 ngày. Tuy nhiên, mức thuế cơ bản 10% đối với hàng hóa nhập khẩu từ Anh vào Mỹ vẫn được giữ nguyên.
Gần đây, Reuters dẫn nguồn tin cho biết Ấn Độ đã đề xuất thu hẹp khoảng cách thuế quan với Mỹ xuống dưới 4% (so với mức gần 13% hiện tại), nhằm đổi lấy việc được miễn trừ khỏi các mức thuế mà chính quyền Trump ban hành.
GIÁ DẦU CÓ TUẦN TĂNG ĐẦU TIÊN KỂ TỪ GIỮA THÁNG 4
Trên thị trường năng lượng, giá dầu tăng gần 2% khi thỏa thuận thương mại giữa Mỹ và Vương quốc Anh giúp nhà đầu tư lạc quan hơn về triển vọng cải thiện quan hệ thương mại toàn cầu.
Hợp đồng tương lai dầu Brent thêm 1,07 USD, tương đương 1,7%, thành 63,91 USD/thùng, trong khi dầu WTI của Mỹ leo 1,11 USD, tương đương 1,9%, lên 61,02 USD/thùng.
Tính cả tuần, cả hai hợp đồng đều tăng 4%.
“Thị trường năng lượng, dù từng ngập chìm trong tâm lý bi quan, giờ đây đã bắt đầu lấy lại sự lạc quan từ các tín hiệu tích cực về tiến trình đàm phán thương mại”, chuyên gia phân tích dầu mỏ Alex Hodes từ công ty môi giới StoneX cho biết.
Thỏa thuận mới với Vương quốc Anh và những tín hiệu ôn hoà hơn từ ông Donald Trump đã làm dấy lên hy vọng về một thỏa thuận tương tự giữa Mỹ và Trung Quốc. Theo kế hoạch, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent sẽ gặp Phó Thủ tướng Trung Quốc Hà Lập Phong tại Thụy Sĩ vào ngày 10/5.
Tình hình căng thẳng leo thang ở Trung Đông cũng góp phần đẩy giá dầu tăng trong tuần này, theo ông Nikos Tzabouras, chuyên gia phân tích thị trường cấp cao tại nền tảng giao dịch Tradu.
Tuy nhiên, triển vọng giá vẫn chưa rõ ràng và phần lớn sẽ còn phụ thuộc vào diễn biến thương mại giữa Mỹ và các đối tác, cũng như việc nước này thực thi loạt biện pháp trừng phạt đối với Iran và Nga.