Kết thúc phiên 6/9, chỉ số Dow Jones giảm 410,34 điểm (-1,01%) còn 40.345,41 điểm, S&P 500 mất 94,99 điểm (-1,73%) xuống 5.408,42 điểm và Nasdaq Composite trượt 436,83 điểm (-2,55%) xuống 16.690,83 điểm.
11 nhóm ngành thuộc S&P 500 đều trượt dốc, dẫn đầu là ngành dịch vụ truyền thông, hàng tiêu dùng không thiết yếu và công nghệ.
S&P 500 và Dow Jones chứng kiến mức giảm hàng tuần lớn nhất kể từ tháng 3/2023, trong khi Nasdaq là kể từ tháng 1/2022.
Đà sụt giảm của các cổ phiếu megacap, hay còn được gọi là Magnificent Seven, đã kéo tụt các chỉ số chính. Cụ thể, Nvidia giảm 4%, Tesla lao dốc 8,4%, Alphabet trượt 4%, Amazon giảm 3,7%, Meta giảm 3,2%, Microsoft mất 1,6% và Apple trượt 0,70%.
Nhiều cổ phiếu ngành chip cũng chịu áp lực lớn. Broadcom mất hơn 10,4% sau khi nhà sản xuất chip dự báo doanh thu quý 4 thấp hơn so với ước tính do chi tiêu yếu trong phân khúc băng thông rộng. Marvell Technology giảm 5,3% và Advanced Micro Devices trượt 3,7%. Chỉ số Philadelphia SE Semiconductor mất 4,5%, ghi nhận mức giảm hàng tuần lớn nhất kể từ tháng 3/2020.
Khối lượng giao dịch trên các sàn chứng khoán Mỹ là khoảng 11,8 tỷ cổ phiếu, cao hơn so với mức trung bình 10,7 tỷ cổ phiếu trong 20 ngày vừa qua.
Về khía cạnh kinh tế, dữ liệu của Bộ Lao động Mỹ cho thấy các nhà tuyển dụng đã bổ sung thêm 142.000 việc làm trong tháng 8, thấp hơn kỳ vọng của các nhà phân tích. Trong khi đó, tăng trưởng việc làm của tháng 7 được điều chỉnh xuống còn 89.000, cũng dưới mức dự báo.
Theo ông Lou Basenese, chủ tịch và chiến lược gia trưởng của MDB Capital nhận định, báo cáo này cho thấy Chủ tịch Fed Jerome Powell sẽ phải cắt giảm lãi suất vào cuối tháng này, nhưng cũng có thể là quá muộn để nền kinh tế đạt được một cuộc hạ cánh mềm.
Thống đốc Fed Christopher Waller hôm thứ Sáu cho biết đã đến lúc ngân hàng trung ương Mỹ bắt đầu một loạt các đợt cắt giảm lãi suất, đồng thời nên sẵn sàng cân nhắc về quy mô và tốc độ.
Theo công cụ FedWatch của CME Group, kỳ vọng của các nhà giao dịch về mức cắt giảm 0,25 điểm phần trăm là 73%, còn 0,50 điểm phần trăm là 27%.
"Tôi tin là Fed sẽ cắt giảm lãi suất 0,25 điểm phần trăm. Đây không phải là lúc Fed thực sự sẵn sàng để bấm nút hoảng loạn”, ông Tony Roth, giám đốc đầu tư của Wilmington Trust đánh giá.
GIÁ DẦU GIẢM 2%
Trên thị trường năng lượng, giá dầu ghi nhận mức lỗ hàng tuần lớn sau khi dữ liệu việc làm của Mỹ đã làm lu mờ hỗ trợ giá từ thông báo OPEC+ trì hoãn tăng sản lượng.
Hợp đồng tương lai dầu Brent giảm 1,63 USD, tương đương 2,24%, xuống còn 71,06 USD/thùng, mức thấp nhất kể từ tháng 12/2021. Dầu thô WTI của Mỹ giảm 1,48 USD, tương đương 2,14%, xuống còn 67,67 USD, mức thấp nhất kể từ tháng 6/2023.
Trong tuần, Brent giảm 10%, trong khi WTI giảm khoảng 8%.
Dữ liệu của chính phủ Mỹ cho thấy số lượng việc làm tăng ít hơn dự kiến trong tháng 8, nhưng tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống 4,2%. “Báo cáo việc làm có phần yếu, ngụ ý rằng nền kinh tế Mỹ đang chậm lại”, ông Bob Yawger, giám đốc điều hành hợp đồng tương lai năng lượng tại Mizuho cho biết.
Các lo ngại về nhu cầu từ Trung Quốc cũng tiếp tục gây áp lực lên giá.
Trước đó vào phiên 5/9, dầu Brent đã đóng cửa ở mức thấp nhất kể từ tháng 6/2023 mặc dù có tin tức lượng dầu tồn kho của Mỹ giảm và OPEC+ quyết định hoãn tăng sản lượng dầu.