Kết thúc phiên 5/9, chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones giảm 219,22 điểm (-0,54%) xuống 40.755,75 điểm; S&P 500 mất 16,66 điểm (-0,30%) còn 5.503,41 điểm và Nasdaq Composite tăng 43,37 điểm (+0,25%) lên 17.127,66 điểm.
8 trong số 11 lĩnh vực thuộc S&P 500 đều chìm trong sắc đỏ, dẫn đầu là mức sụt giảm lớn của cổ phiếu y tế và công nghiệp. Lĩnh vực tiêu dùng không thiết yếu dẫn đầu đà tăng, một phần nhờ vào thành tích của cổ phiếu Tesla.
Cụ thể, Tesla đã “nhảy vọt” gần 5% sau khi hãng xe điện Mỹ cho biết họ đang chờ phê duyệt từ cơ quan quản lý và sẽ ra mắt phần mềm hỗ trợ tự lái hoàn chỉnh tại châu Âu và Trung Quốc trong quý 1 năm sau.
Cổ phiếu của JetBlue Airways tăng 7% nhờ thông báo nâng dự báo doanh thu quý 3.
Trong khi đó, Frontier Communications mất hơn 10% khi Verizon tiết lộ thương vụ mua lại công ty này với giá 20 tỷ USD bằng tiền mặt. Cổ phiếu của Verizon giảm 0,4%.
Trong lịch sử, tháng 9 thường là tháng mà thị trường tài chính có hoạt động khá ảm đạm, với S&P 500 ghi nhận mức giảm trung bình khoảng 1,2% kể từ năm 1928. Trong tuần này, S&P 500 đến nay đã giảm hơn 2,5% và loạt cổ phiếu công nghệ lớn mất 4,8%.
Tổng khối lượng giao dịch trên các sàn chứng khoán Mỹ là 10,6 tỷ cổ phiếu, thấp hơn so với mức trung bình 10,7 tỷ cổ phiếu trong 20 ngày vừa qua.
Trong phiên, thị trường có tâm lý thận trọng hơn trước thềm công bố dữ liệu việc làm phi nông nghiệp toàn diện - một yếu tố quan trọng có thể dẫn đến quyết định cắt giảm lãi suất vào cuối tháng này của Cục Dự trữ Liên bang (Fed).
"Giới đầu tư tiếp tục theo dõi sát sao các bộ dữ liệu mới để hình dung xem nền kinh tế đang đi về đâu và điều này sẽ ảnh hưởng thế nào đến chính sách lãi suất của Fed”, ông Wasif Latif, chủ tịch và giám đốc đầu tư tại Sarmaya Partners nhận xét.
Theo báo cáo của Bộ Lao động Mỹ, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp giảm mạnh trong tuần trước. Trong tháng 8, các nhà tuyển dụng tư nhân Mỹ đã tuyển dụng ít lao động nhất kể từ tháng 1/2021.
Dữ liệu vào tháng trước đó cũng được điều chỉnh giảm, điều này có thể ám chỉ sự chững lại rõ rệt của thị trường lao động, theo phân tích từ Báo cáo việc làm quốc gia ADP.
GIÁ DẦU CHẠM ĐÁY 14 THÁNG
Trên thị trường năng lượng, giá dầu hiện đang ở mức thấp nhất trong 14 tháng do lo ngại về nhu cầu tại Mỹ và Trung Quốc, thêm vào đó là khả năng phục hồi nguồn cung ở Libya.
Hợp đồng tương lai dầu Brent giảm 1 cent, đóng cửa ở mức 72,69 USD/thùng, trong khi giá dầu thô West Texas Intermediate (WTI) của Mỹ giảm 5 cent, tương đương 0,1%, xuống mức 69,15 USD/thùng.
Đây là mức đóng cửa thấp nhất của Brent kể từ tháng 6/2023 trong hai ngày liên tiếp và mức thấp nhất của WTI kể từ tháng 12/2023 trong ba ngày liên tiếp.
Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh do Nga dẫn đầu, được gọi chung là OPEC+, đã có các cuộc thảo luận về việc trì hoãn tăng sản lượng dự kiến vào tháng 10 và tháng 11. Đồng thời, họ sẵn sàng tạm dừng hoặc đảo ngược các đợt tăng nếu thấy cần thiết. Tuy nhiên, thị trường tỏ ra khá thờ ơ với tin tức từ OPEC+, ông Bob Yawger, giám đốc hợp đồng tương lai năng lượng tại Mizuho cho biết.