Chứng khoán Mỹ lao dốc vì hãi thuế quan ông Trump, giá dầu giảm

Phố Wall kết thúc phiên giao dịch thứ Năm trong sắc đỏ khi thị trường lo ngại rằng cuộc chiến thuế quan giữa Mỹ và các đối tác thương mại lớn có thể khiến lạm phát tăng cao trở lại và đẩy nền kinh tế vào suy thoái….

Chứng khoán Mỹ lao dốc vì hãi thuế quan ông Trump, giá dầu giảm

Kết thúc phiên 13/3, chỉ số Dow Jones giảm 537,36 điểm (-1,3%) thành 40.813,57 điểm, S&P 500 mất 77,78 điểm (-1,39%) còn 5.521,52 điểm, và Nasdaq trượt 345,44 điểm (-1,96%) xuống 17.303,01 điểm.

Làn sóng bán tháo trên diện rộng khiến cả ba chỉ số chính của chứng khoán Mỹ lao dốc, trong đó nhóm cổ phiếu công nghệ và các mã công nghệ vốn hóa lớn kéo Nasdaq giảm gần 2%.

Chỉ số S&P 500 đóng cửa thấp hơn 10,1% so với mức kỷ lục ngày 19/2, xác nhận chính thức rơi vào vùng điều chỉnh. Nasdaq cũng xác nhận rơi vào vùng điều chỉnh hôm 6/3, khi giảm 10,4% so với mức cao nhất mọi thời đại hôm 16/12.

Chỉ số vận tải Dow Jones, thước đo sức khỏe kinh tế Mỹ, đóng cửa thấp hơn 18,9% so với mức kỷ lục ngày 25/11/2024. Mức giảm 20% sẽ xác nhận chỉ số này bước vào thị trường giá xuống (bear market).

Trong 11 nhóm ngành chính của S&P 500, chỉ duy nhất có tiện ích giữ được sắc xanh, trong khi lĩnh vực dịch vụ truyền thông và tiêu dùng tùy ý ghi nhận đà giảm mạnh nhất.

Ở các hoạt động riêng lẻ, cổ phiếu Intel bật tăng 14,6% sau khi công ty bổ nhiệm chuyên gia kỳ cựu Lip-Bu Tan làm CEO mới. Ngược lại, Adobe lại lao dốc 13,9% do dự báo doanh thu quý chỉ bằng với kỳ vọng.

Dữ liệu doanh số cửa hàng trong cùng kỳ của chuỗi bán lẻ giá rẻ Dollar General gây thất vọng thất vọng, nhưng kết quả kinh doanh quý lạc quan đã giúp cổ phiếu tăng 6,8%.

Khối lượng giao dịch trên các sàn chứng khoán Mỹ đạt 15,11 tỷ cổ phiếu, thấp hơn mức trung bình 16,6 tỷ cổ phiếu trong 20 phiên vừa qua.

Về khía cạnh kinh tế, trong diễn biến mới nhất của cuộc chiến thương mại đa phương giữa Mỹ và các đối tác hàng đầu, Liên minh châu Âu (EU) đã áp thuế 50% lên rượu whisky nhập khẩu từ Mỹ. Đáp lại, Tổng thống Trump doạ sẽ đánh thuế lên tới 200% đối với rượu vang và rượu mạnh nhập khẩu từ châu Âu.

"Tâm lý thị trường hiện đang khá tồi tệ khi ngày nào cũng có tin tức mới về thuế quan”, ông Mike Dickson, trưởng bộ phận nghiên cứu tại Horizon Investments nhận xét.

Bên cạnh các bất ổn đến từ thuế quan, ông Chuck Carlson, CEO Horizon Investment Services còn cho rằng việc nhà đầu tư lo nghĩ về viễn cảnh “hạ cánh cứng” của nền kinh tế cũng khiến thị trường chao đảo.

Một cuộc thăm dò của Reuters/Ipsos ngày 11-12/3 cho thấy 57% người Mỹ cho rằng cách ông Trump điều hành nền kinh tế quá thất thường, và 53% nghĩ rằng cuộc chiến thuế quan sẽ gây hại nhiều hơn lợi.

Trong khi đó, báo cáo chỉ số giá sản xuất (PPI) của Mỹ công bố hôm thứ Năm cho thấy dữ liệu thấp hơn dự kiến, tương tự với chỉ số giá tiêu dùng (CPI) công bố trước đó. Điều này càng củng cố niềm tin rằng lạm phát đang trên đà giảm dần về mục tiêu 2% hàng năm của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Bên cạnh đó, báo cáo về đơn xin trợ cấp thất nghiệp ổn định cũng mang lại chút lạc quan rằng thị trường lao động vẫn vững vàng.

Giới đầu tư cũng đang theo dõi sát sao cuộc tranh luận gay gắt tại Quốc hội Mỹ khi các nhà lập pháp gấp rút thông qua dự luật chi tiêu tạm thời trước hạn chót để tránh nguy cơ chính phủ đóng cửa một phần.

GIÁ DẦU GIẢM GẦN 2%

Trên thị trường năng lượng, giá dầu Brent giảm 1,07 USD, tương đương 1,5%, xuống 69,88 USD/thùng, trong khi dầu thô WTI của Mỹ giảm 1,13 USD tương đương 1,7%, xuống 66,55 USD/thùng.

Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) dự báo nguồn cung dầu toàn cầu có thể vượt nhu cầu khoảng 600.000 thùng/ngày trong năm nay. Nhu cầu dầu toàn cầu hiện dự kiến chỉ tăng 1,03 triệu thùng/ngày, thấp hơn 70.000 thùng/ngày so với dự báo tháng trước.

Báo cáo cũng chỉ ra rằng tình trạng kinh tế vĩ mô suy yếu và căng thẳng thương mại leo thang là nguyên nhân chính khiến triển vọng nhu cầu dầu 2025 bị hạ thấp.

Tổng thống Mỹ Donald Trump tiếp tục đẩy căng thẳng lên cao trào khi đe dọa áp thuế 200% lên rượu châu Âu, mở thêm mặt trận mới trong cuộc chiến thương mại toàn cầu và làm dấy lên lo ngại về những rào cản khắc nghiệt hơn trên thị trường tiêu dùng. "Căng thẳng thương mại làm lung lay niềm tin của nhà đầu tư, người dân và doanh nghiệp. Tâm lý thị trường suy yếu dù cho nhiều yếu tố cơ bản vẫn tích cực”, ông Phil Flynn, chuyên gia phân tích cấp cao tại Price Futures Group nhận xét.

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm

Toàn cảnh Hội nghị đối thoại tại Hong Kong, tháng 4/2025

Thêm tín hiệu tích cực cho tiến trình nâng hạng thị trường chứng khoán

Trong chương trình công tác tại Hong Kong, Trung Quốc (từ ngày 07/4 - 10/4/2025), Bộ Tài chính đã phối hợp cùng Ngân hàng Thế giới và Hiệp hội Thị trường tài chính chứng khoán châu Á (ASIFMA) tổ chức Hội nghị Đối thoại với các nhà đầu tư tổ chức quốc tế tại Hong Kong. Đây là hoạt động duy trì đối thoại, chia sẻ, cung cấp thông tin thường xuyên, liên tục giữa cơ quan quản lý chứng khoán và các thành viên thị trường, các nhà đầu tư trong nước, quốc tế, các định chế tài chính và tổ chức cung cấp ch

Thất vọng vì thuế quan, S&P 500 chạm đáy gần một năm

Thất vọng vì thuế quan, S&P 500 chạm đáy gần một năm

Chỉ số S&P 500 giảm mạnh, lần đầu tiên đóng cửa dưới mốc 5.000 điểm sau gần 1 năm do tâm lý nhà đầu tư trở nên bi quan hơn khi hy vọng về việc Mỹ trì hoãn hoặc nhượng bộ trong chính sách thuế quan đang dần tan biến…

Nhà đầu tư nên cẩn thận khi thử bắt đáy

Nhà đầu tư nên cẩn thận khi thử bắt đáy

Thị trường chứng khoán lao dốc mạnh, VN-Index mất gần 78 điểm do áp lực giải chấp, các công ty chứng khoán khuyến nghị nhà đầu tư hạn chế bắt đáy và tránh dùng chiến thuật Long...

Định vị nhà đầu tư cá nhân trong "cuộc chơi mới" của thị trường chứng khoán Việt Nam

Định vị nhà đầu tư cá nhân trong "cuộc chơi mới" của thị trường chứng khoán Việt Nam

Thị trường chứng khoán Việt Nam có thể vượt qua ranh giới "cận biên" để gia nhập nhóm "mới nổi" vào 2025? Câu trả lời này không chỉ là bước ngoặt, mà còn mở ra cơ hội vàng cho các nhà đầu tư cá nhân, đánh dấu một kỷ nguyên mới đầy thách thức và tiềm năng trên thị trường chứng khoán...

Cuộc đua công nghệ giữa các ngân hàng: Ai đang dẫn đầu?

Cuộc đua công nghệ giữa các ngân hàng: Ai đang dẫn đầu?

Cuộc đua công nghệ giữa các ngân hàng đang trở nên khốc liệt, khi việc đầu tư và tự phát triển hệ thống công nghệ, đặc biệt là core banking và giao diện người dùng trở thành yếu tố then chốt để nâng cao trải nghiệm khách hàng, tăng CASA, giành lợi thế cạnh tranh trong bối cảnh số hóa toàn ngành...