Kết thúc phiên 7/3, chỉ số Dow Jones tăng 222,64 điểm (+0,52%) đạt 42.801,72 điểm, S&P 500 thêm 31,68 điểm (+0,55%) thành 5.770,20 điểm và Nasdaq Composite leo 126,97 điểm (+0,70%) lên 18.196,22 điểm.
Trong 11 nhóm ngành chính của S&P 500, tiện ích, năng lượng, công nghệ và công nghiệp có đà tăng mạnh nhất. Ngược lại, lĩnh vực tiêu dùng không thiết yếu, tài chính và hàng tiêu dùng thiết yếu lại là những lực cản lớn nhất.
Chỉ số Russell 2000, đo lường nhóm cổ phiếu vốn hóa nhỏ, giảm 3,86%.
Cổ phiếu Hewlett Packard Enterprise lao dốc 12% sau khi công ty cảnh báo lợi nhuận năm nay sẽ bị ảnh hưởng bởi thuế quan của Mỹ. Costco cũng mất giảm 6% do chi phí hàng hóa tăng, khiến lợi nhuận quý không đạt kỳ vọng.
Ngược lại, Broadcom tăng 8,6% nhờ dự báo lợi nhuận quý 2 khả quan, trấn an nhà đầu tư về nhu cầu cơ sở hạ tầng trí tuệ nhân tạo (AI).
Khối lượng giao dịch trên các sàn chứng khoán Mỹ là 16,92 tỷ cổ phiếu, cao hơn mức trung bình 16,23 tỷ cổ phiếu trong 20 ngày vừa qua.
Tính cả tuần, S&P 500 giảm 3,1%, Nasdaq mất 3,45% và Dow Jones giảm 2,37%.
Cả S&P 500 và Nasdaq đều có tuần giảm thứ ba liên tiếp, chuỗi giảm dài nhất kể từ giữa tháng 7 và đầu tháng 8/2024.
Thị trường đã biến động mạnh trong tuần qua do sự không chắc chắn liên quan đến quyết định thuế quan của Tổng thống Mỹ Donald Trump đối với hàng nhập khẩu từ Canada, Mexico và Trung Quốc.
Mặc dù vậy, Phố Wall vẫn hồi phục được phần nào sau các phát biểu của Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell. Trong đó, ông Powell cho biết Fed sẽ không vội cắt giảm lãi suất, đồng thời nhấn mạnh rằng nền kinh tế hiện tại vẫn đang trong trạng thái tốt.
Về dữ liệu kinh tế, tăng trưởng việc làm tại Mỹ trong tháng 2 đã cao hơn so với tháng 1/2025. Tuy nhiên, hàng nghìn lao động liên bang bị sa thải gần đây chưa được phản ánh trong số liệu.
Trong khi đó, tỷ lệ thất nghiệp tăng lên 4,1%, làm dấy lên lo ngại về khả năng chống chịu của nền kinh tế. Morgan Stanley và Goldman Sachs đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Mỹ.
GIÁ DẦU TĂNG
Trên thị trường năng lượng, giá dầu tăng hơn 1% sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump đe dọa áp đặt lệnh trừng phạt đối với Nga nếu nước này không đạt được thỏa thuận ngừng bắn với Ukraine.
Hợp đồng tương lai dầu Brent chốt phiên ở mức 70,36 USD/thùng, tăng 90 cent, tương đương 1,3%. Giá dầu WTI tăng 68 cent, tương đương 1,02% lên 67,04 USD/thùng.
Trong bài đăng trên nền tảng Truth Social, ông Trump cho biết bản thân đang xem xét nghiêm túc lệnh trừng phạt đối với một số ngân hàng và áp thuế lên hàng hóa Nga nếu quân đội nước này tiếp tục tấn công Ukraine.
Trong phiên giao dịch sớm, giá Brent đã có lúc tăng lên 71,40 USD/thùng, còn WTI đạt 68,22 USD/thùng bởi Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak tuyên bố OPEC+ sẽ tiến hành tăng sản lượng vào tháng 4 nhưng có thể cân nhắc các biện pháp khác, bao gồm cả cắt giảm sản lượng, sau đó.
Ông Phil Flynn, chuyên gia phân tích cấp cao tại Price Futures Group nhận xét, thông báo từ OPEC+ và khả năng Mỹ trừng phạt Nga đã lấn át những tin tức khác, bao gồm cả việc Israel và Hamas trì hoãn đàm phán ngừng bắn lâu dài ở Gaza.
Tính cả tuần, dầu Brent giảm 3,8%, đánh dấu tuần giảm mạnh nhất kể từ tuần 11/11/2024. Giá dầu WTI giảm 3,9%, mức giảm theo tuần lớn nhất kể từ tuần 21/1.