Kết thúc phiên 9/4, chỉ số Dow Jones tăng 2.962,86 điểm (+7,87%) lên 40.608,45 điểm, S&P 500 thêm 474,13 điểm (+9,52%) đạt 5.456,90 điểm - mức cao nhất trong một ngày kể từ năm 2008 - và Nasdaq leo 1.857,06 điểm (+12,16%) thành 17.124,97 điểm – mức tăng lớn nhất kể từ 2001.
Tất cả 11 nhóm ngành chính thuộc S&P 500 đều vượt trội, trong đó nhóm công nghệ dẫn đầu với đà tăng 14,15%. Ngành tiện ích có mức tăng thấp nhất, chỉ 3,91%.
Các cổ phiếu công nghệ lớn đóng vai trò thúc đẩy thị trường, với Nvidia leo 18,7% và Apple nhảy vọt 15,3%. Chỉ số S&P 500 Ô tô tăng mạnh 20,95% – mức tăng một ngày lớn nhất trong lịch sử.
Chỉ số Russell 2000 cũng thêm 8,66% – mức tăng mạnh nhất trong một ngày kể từ tháng 3/2020.
Trong khi đó, chỉ số biến động CBOE (VIX), thường được gọi là "thước đo nỗi sợ hãi của Phố Wall", đã quay đầu chốt phiên ở mức 33,62 điểm, thấp hơn nhiều so với mốc cao điểm trong ngày là 57,96.
Đợt phục hồi này trên Phố Wall diễn ra nhờ thông báo từ chính quyền Donald Trump về việc sẽ tạm thời hoãn thuế đối với 75 quốc gia, nhưng sẽ tăng thuế đối với riêng hàng nhập khẩu từ Trung Quốc lên 125%. Ngoài ra, Nhà Trắng vẫn duy trì mức thuế 10% áp dụng cho hầu hết hàng nhập khẩu vào Mỹ.
"Đây chính là khoảnh khắc mà chúng tôi chờ đợi. Phản ứng của thị trường ngay lập tức rất tích cực vì nhà đầu tư coi đây là một bước tiến hướng đến sự rõ ràng cần thiết”, bà Bà Gina Bolvin, Chủ tịch Bolvin Wealth Management Group nhận định.
Tuy nhiên, bà cũng cảnh báo rằng "mây mù" vẫn còn đó bởi chưa ai biết điều gì sẽ xảy ra sau 90 ngày, do vậy, có nguy cơ thị trường sẽ phải đối mặt thêm với biến động lớn trong thời gian tới.
Sau tuyên bố của ông Trump, ngân hàng Goldman Sachs đã rút lại dự báo suy thoái và quay về với kịch bản trước đó, dự đoán kinh tế Mỹ sẽ tăng trưởng vào năm 2025.
Một yếu tố khác giúp trấn an tâm lý thị trường trong ngày qua là phiên đấu giá trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 năm trị giá 39 tỷ USD của Bộ Tài chính Mỹ. Lãi suất trúng thầu ở mức 4,435%, thấp hơn dự báo trước đó, cho thấy nhu cầu từ nhà đầu tư vẫn mạnh.
Biên bản cuộc họp của Cục Dự trữ Liên bang (Fed) tháng trước cũng được công bố vào buổi chiều ngày 9/4. Các nhà hoạch định chính sách gần như đồng thuận rằng nền kinh tế Mỹ đang đối mặt với rủi ro lạm phát cao hơn đi kèm với tăng trưởng chậm lại. Một số thành viên Fed lưu ý rằng ngân hàng trung ương Mỹ có thể sẽ phải đưa ra các quyết định đánh đổi đầy khó khăn.
Mùa báo cáo lợi nhuận sắp tới cũng sẽ cung cấp thêm thông tin về sức khỏe của doanh nghiệp Mỹ, trong bối cảnh còn nhiều lo ngại về tác động tiêu cực từ thuế quan đối với tăng trưởng kinh tế.
Khối lượng giao dịch trên các sàn chứng khoán Mỹ lập kỷ lục 30,5 tỷ cổ phiếu, cao hơn nhiều so với mức trung bình 18,06 tỷ cổ phiếu trong 20 phiên gần đây.
GIÁ DẦU BẬT TĂNG
Trên thị trường năng lượng, giá dầu đã tăng hơn 4% sau cập nhật thuế quan mới nhất từ Mỹ. Hợp đồng tương lai dầu Brent tăng 2,66 USD, tương đương 4,23%, lên 65,48 USD/thùng. Giá dầu WTI tăng 2,77 USD, tương đương 4,65%, lên 62,35 USD/thùng.
Trước đó, cả hai đều giảm khoảng 7% trước khi phục hồi.
Ông Phil Flynn, nhà phân tích cấp cao tại Price Futures Group, nhận xét: "Chúng ta đang ở một bước ngoặt trong cuộc chiến thương mại. Ông Trump đồng ý để các nước đàm phán tìm kiếm giải pháp nhưng lại dường như đang cô lập Trung Quốc về mặt kinh tế”.
Trong khi đó, Trung Quốc thông báo sẽ áp thuế bổ sung 84% lên hàng hóa Mỹ kể từ ngày 11/4.
“Thị trường vẫn kỳ vọng về một thoả thuận giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ được đưa ra trong tương lai gần”, ông Bob Yawger, Giám đốc giao dịch năng lượng tại Mizuho nói.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cảnh báo cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung vẫn đang có nguy cơ gây áp lực lên giá dầu.