Chứng khoán Mỹ cắm đầu lao dốc do “vòng xoáy” thuế quan, giá dầu chạm mức thấp nhất trong 3 năm

Phố Wall chao đảo, xác nhận chỉ số Nasdaq rơi vào “thị trường gấu” và Dow Jones bước vào vùng điều chỉnh khi căng thẳng thương mại toàn cầu leo thang…

Chứng khoán Mỹ cắm đầu lao dốc do “vòng xoáy” thuế quan, giá dầu chạm mức thấp nhất trong 3 năm

Kết thúc phiên 4/4, chỉ số Dow Jones giảm 2.231,07 điểm (-5,50%) xuống 38.314,86 điểm, xác nhận bước vào vùng điều chỉnh so mức đỉnh lịch sử 45.014,04 điểm vào ngày 4/12. S&P 500 mất 322,44 điểm (-5,97%) thành 5.074,08 điểm, mức thấp nhất trong 11 tháng. Nasdaq trượt 962,82 điểm (-5,82%) còn 15.587,79 điểm, chính thức bước vào lãnh thổ “thị trường gấu” với mức giảm hơn 20% so với đỉnh 20.173,89 điểm thiết lập ngày 16/12.

Cả ba chỉ số chính của Phố Wall đều ghi nhận mức sụt giảm 2 ngày lớn nhất kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát trong nhiệm kỳ đầu tiên của Tổng thống Donald Trump. Chỉ trong hai ngày 3/4 và 4/4, Dow Jones mất 9,3%, S&P 500 giảm 10,5% và Nasdaq giảm 11,4%.

Hệ quả từ loạt động thái thuế quan mạnh tay của chính quyền Trump đã làm dấy lên lo ngại về một cuộc suy thoái toàn cầu, khiến hàng nghìn tỷ USD vốn hóa của các công ty Mỹ “bốc hơi”. Chỉ số biến động CBOE, còn được gọi là "thước đo nỗi sợ hãi" của Phố Wall, đã tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 4/2020, phản ánh tâm lý hoảng loạn của giới đầu tư. Khối lượng giao dịch trên các sàn chứng khoán Mỹ đạt kỷ lục 26,79 tỷ cổ phiếu, vượt mức cao nhất trước đó là 24,48 tỷ vào ngày 27/1/2021.

Chính phủ các nước, điển hình như Canada, Trung Quốc, Liên Minh Châu Âu… đã bắt đầu có phản ứng trước loạt chính sách của ông Trump. Bộ Tài chính Trung Quốc tuyên bố sẽ áp thuế bổ sung 34% đối với toàn bộ hàng hóa Mỹ từ ngày 10/4. Trong khi đó, các nhà lãnh đạo Anh Quốc, Australia và Italy đều đã tổ chức thảo luận về cách đối phó với động thái của Mỹ.

“Chúng ta đang rơi vào tình trạng hỗn loạn trong một cuộc chiến thương mại thực sự”, bà Mariam Adams, Giám đốc điều hành tại UBS Wealth Management đánh giá.

Trong tuần qua, chỉ số S&P 500 giảm 9,1%, Dow Jones mất 7,9% và Nasdaq lao dốc 10%. Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Jerome Powell đã lên tiếng, cảnh báo rằng các mức thuế cao bất ngờ này có thể đẩy lạm phát lên cao hơn và làm chậm tăng trưởng kinh tế, đặt ra thách thức lớn cho các nhà hoạch định chính sách tiền tệ Mỹ.

Ngân hàng JP Morgan nâng dự báo khả năng suy thoái kinh tế toàn cầu vào cuối năm 2025 lên 60% so với mức 40% trước đó.

Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm đã xuống dưới ngưỡng 4%. Điều này gây thêm áp lực lên cổ phiếu ngân hàng, khi triển vọng cắt giảm lãi suất suy yếu cùng tác động tiêu cực của thuế quan có thể làm giảm lợi nhuận của ngành. Chỉ số S&P Banks giảm 7,3%.

Toàn bộ 11 nhóm ngành thuộc chỉ số S&P 500 đều mất hơn 4,5%, trong đó năng lượng là lĩnh vực giảm mạnh nhất (-8,7%) khi các công ty năng lượng chịu ảnh hưởng từ đợt sụt giảm của giá dầu thô Mỹ.

Cổ phiếu của các công ty Trung Quốc niêm yết tại Mỹ cũng lao dốc, với JD.com, Alibaba và Baidu đều trượt hơn 7,7%. Những doanh nghiệp có mức độ phụ thuộc cao vào thị trường Trung Quốc cũng bị ảnh hưởng, điển hình là Apple giảm 7,3%.

Chỉ số ngành bán dẫn giảm 7,6% sau khi đã mất 9,9% ở phiên trước đó. Đây là một trong số những ngành chịu tác động kép từ thuế quan, do nhiều công ty thiết kế chip tại Mỹ nhưng lại sản xuất tại Trung Quốc.

GIÁ DẦU “RƠI TỰ DO”

Trên thị trường năng lượng, giá dầu giảm hơn 7% và chạm mức thấp nhất trong hơn 3 năm khi Trung Quốc tuyên bố tăng thuế đối với hàng hóa Mỹ, làm trầm trọng thêm nguy cơ xảy ra một cuộc chiến thương mại toàn cầu. Nhiều quốc gia khác cũng đang chuẩn bị các biện pháp trả đũa việc Mỹ nâng thuế quan lên mức cao nhất trong hơn một thế kỷ.

Hợp đồng tương lai dầu Brent giảm 6,5%, tương đương 4,56 USD, xuống 65,58 USD/thùng, trong khi đó, giá dầu thô WTI của Mỹ mất 7,4%, tương đương 4,96 USD, còn 61,99 USD/thùng.

Tính cả tuần, giá dầu Brent mất 10,9%, mức giảm mạnh nhất trong một năm rưỡi qua, còn WTI trượt 10,6%, đánh dấu tuần giảm sâu nhất trong hai năm.

Thêm áp lực lên giá dầu là việc Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ và các đối tác (OPEC+) quyết định đẩy nhanh kế hoạch tăng sản lượng. Liên minh sẽ đưa 411.000 thùng dầu/ngày trở lại thị trường vào tháng 5, cao hơn đáng kể so với kế hoạch trước đó là 135.000 thùng/ngày.

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm

"Bán tháng 5" hay ngược sóng thị trường?

"Bán tháng 5" hay ngược sóng thị trường?

Trong bối cảnh thị trường chưa thực sự ổn định và nhiều yếu tố ngoại lực còn tiềm ẩn rủi ro, giới phân tích khuyến nghị nhà đầu tư nên duy trì thế phòng thủ, thận trọng trong phân bổ vốn và ưu tiên nhóm cổ phiếu có nền tảng cơ bản vững chắc...

VN-Index đang trên đà chinh phục 1.320 điểm

VN-Index đang trên đà chinh phục 1.320 điểm

VN-Index tiếp tục đà hồi phục mạnh mẽ, vượt mốc 1.300 điểm trong phiên 14/5 và đang dần áp sát vùng cản kỹ thuật 1.320–1.340 điểm, tuy nhiên, đà tăng này cũng tiềm ẩn những rung lắc khi thị trường tiệm cận vùng kháng cự mạnh, báo hiệu khả năng điều chỉnh ngắn hạn trong các phiên tới...

Khi cổ tức vượt xa thị giá, ai là những "ông vua” hào phóng?

Khi cổ tức vượt xa thị giá, ai là những "ông vua” hào phóng?

Trong khi phần lớn cổ phiếu trên thị trường èo uột về thanh khoản và lợi nhuận, loạt cái tên tưởng như bị lãng quên như May Phan Thiết, Mai táng Hải Phòng hay Cơ khí Phổ Yên lại “ghi điểm” với mức cổ tức lên đến hàng trăm phần trăm bằng tiền mặt...

VN-Index có thể vẫn giữ được quán tính tăng

VN-Index có thể vẫn giữ được quán tính tăng

Thị trường chứng khoán mở đầu tuần mới đầy khởi sắc khi VN-Index tăng gần 16 điểm, vượt qua vùng giá cao nhất kể từ đầu tháng 4 và tiến sát mốc tâm lý 1.300 điểm, tuy nhiên giới phân tích cảnh báo thị trường sẽ tiếp tục rung lắc và phân hóa trong ngắn hạn, đặc biệt tại những vùng kháng cự mạnh...