Chỉ số chuẩn S&P 500 giảm 1,12% và kết thúc ở mức 4.145,58 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 1,26% xuống 12.560,25 điểm và chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones giảm 0,69% xuống 33.055,51 điểm.
Trong các diễn biến cổ phiếu riêng lẻ, Zoom Video Communications trượt giảm hơn 8% sau khi nền tảng này báo cáo mức tăng trưởng doanh thu hàng quý chậm nhất từ trước đến nay.
Cổ phiếu của nhà bán lẻ BJ's Wholesale Club Holdings, Inc. mất hơn 7% vì báo cáo doanh thu thấp hơn kỳ vọng của các nhà phân tích.
Yelp Inc. tăng hơn 5% khi nhà đầu tư TCS Capital Management xác nhận cổ phần của mình trong công ty và yêu cầu công ty khám phá các lựa chọn thay thế chiến lược, bao gồm cả khả năng bán lại.
Cổ phiếu của Pfizer Inc. cũng tăng tích cực nhờ vào một nghiên cứu cho thấy kết quả giảm cân khả quan đối với những bệnh nhân dùng thuốc điều trị bệnh tiểu đường của nhà sản xuất dược phẩm.
Broadcom Inc tăng 1,2% sau khi nhà sản xuất chip này ký một thỏa thuận trị giá hàng tỷ USD với Apple Inc để sử dụng chip sản xuất tại Mỹ. Cổ phiếu Apple giảm 1,5%.
Cổ phiếu của những tổ chức cho vay trong khu vực đã kéo dài mức tăng từ thứ Hai, dẫn đầu là 7,9% của PacWest Bancorp, với chỉ số ngân hàng khu vực KBW tăng 0,9%.
Khối lượng trên các sàn giao dịch của Hoa Kỳ tương đối thấp, với 10,3 tỷ cổ phiếu được giao dịch, so với mức trung bình 10,6 tỷ cổ phiếu trong 20 phiên trước đó.
Theo đánh giá của các nhà chiến lược được Reuters thăm dò, chỉ số S&P 500 sẽ kết thúc năm ở mức 4.150 điểm, giảm nhẹ so với mức đóng cửa hôm thứ Hai là 4.192,63 điểm. Yếu tố giúp hạn chế những tổn thất lớn hơn ở chỉ số chuẩn là dữ liệu S&P Global, cho thấy hoạt động kinh doanh của Mỹ đã tăng lên mức cao nhất trong 13 tháng vào tháng 5 nhờ sự tăng trưởng mạnh mẽ trong lĩnh vực dịch vụ.
Báo cáo này của Reuters là dấu hiệu mới nhất cho thấy nền kinh tế Mỹ đã giữ đà tăng trưởng vào đầu quý 2 bất chấp nguy cơ suy thoái kinh tế gia tăng.
Về mặt kinh tế, chỉ số PMI tổng hợp của Mỹ trên S&P Global, theo dõi hoạt động trong cả lĩnh vực dịch vụ và sản xuất, đạt 54,5 điểm trong tháng 5, tăng từ mức 53,4 trong tháng 4 và cao hơn mức 53 mà các nhà kinh tế ước tính, đánh dấu mức tăng trong 13 tháng cho chỉ số.
Chỉ số chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE) tháng 4 của Bộ Thương mại, thước đo lạm phát ưa thích của Fed, sẽ đến hạn vào thứ Sáu.
Bên cạnh các dữ liệu kinh tế, giới đầu tư đang theo dõi chặt chẽ cuộc đàm phán về giới hạn nợ ở Washington, hy vọng sẽ có kết quả trước thời điểm ngày 1/6, hay còn được gọi là ngày X, ngày mà chính phủ Mỹ có thể vỡ nợ. Một số đảng viên Đảng Cộng hòa tại Hạ viện vào hôm 23/5 đã đặt câu hỏi về tính chính xác của ngày vỡ nợ dự kiến này.
Các đại diện của Tổng thống Mỹ Joe Biden và các đảng viên Cộng hòa trong quốc hội đã kết thúc một vòng đàm phán khác về trần nợ vào 23/5 nhưng vẫn chưa có nhiều tiến triển như kỳ vọng.
Nỗi lo về giới hạn nợ đã đẩy lợi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn một tháng lên mức cao kỷ lục 5,888%.
Ngoài ra, thị trường cũng đang chờ đợi biên bản cuộc họp tháng 5 của Cục Dự trữ Liên bang, dự kiến được phát hành vào thứ Tư, để đánh giá động thái lãi suất tiếp theo của ngân hàng trung ương.
Hai chủ tịch Fed khu vực là ông James Bullard và Neel Kashkari trước đó đã đưa ra một số bình luận có hàm ý rằng ngân hàng trung ương Mỹ có thể cần tiếp tục tăng lãi suất nếu lạm phát vẫn ở mức cao.
Trong cùng ngày, chỉ số STOXX 600 toàn châu Âu đóng cửa giảm 0,6%, mức giảm phần trăm trong ngày lớn nhất trong ba tuần. Chỉ số STOXX Europe Luxury 10 cũng ghi nhận mức giảm hàng ngày lớn nhất kể từ giữa tháng 12/2022, do các động thái chốt lời sau một đợt tăng trưởng xuất sắc của lĩnh vực xa xỉ trong bối cảnh nhu cầu ở Mỹ có dấu hiệu suy yếu.
Nhìn chung, dữ liệu hoạt động cho thấy tăng trưởng kinh doanh của khu vực đồng euro vẫn ổn định.
Chỉ số chứng khoán thế giới MSCI, theo dõi cổ phiếu ở 49 quốc gia, giảm 0,96%.