Kết thúc phiên 21/9, chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones giảm 370,46 điểm (-1,08%) xuống 34.070,42 điểm, S&P 500 mất 72,2 điểm (-1,64%) xuống 4.330 điểm và Nasdaq Composite trượt 245,14 điểm (-1,82%) còn 13.223,99 điểm.
Cả ba chỉ số chứng khoán chính của Mỹ đều giảm hơn 1% và lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm chạm mức cao nhất 16 năm, chỉ một ngày sau khi Chủ tịch Fed Jerome Powell cảnh báo rằng cuộc chiến chống lạm phát vẫn còn một chặng đường dài phía trước.
Tất cả 11 lĩnh vực chính của S&P 500 đều giảm gần 1% trở lên, trong đó bất động sản có mức giảm phần trăm trong một ngày lớn nhất kể từ tháng 3.
Các cổ phiếu siêu vốn hóa nhạy cảm với lãi suất, bao gồm Amazon.com, Nvidia Corp, Apple Inc và Alphabet Inc đều kéo S&P 500 và Nasdaq xuống mức thấp nhất kể từ tháng 6.
Broadcom mất 2,7% sau báo cáo cho biết các giám đốc điều hành của Google đã thảo luận về việc ngừng sử dụng chip trí tuệ nhân tạo của nhà sản xuất này vào đầu năm 2027. Chỉ số chip Philadelphia giảm 1,8%.
Arm Holdings giảm 1,4%, chỉ cao hơn 1 USD so với giá chào bán 51 USD/cổ phiếu.
Trong khi đó, Klaviyo Inc tăng thêm 2,9%, một ngày sau khi ra mắt với tư cách là công ty đại chúng.
Cổ phiếu của FedEx Leo vọt 4,5% nhờ mức lợi nhuận lớn mà công ty đạt được.
Fox Corp và News Corp lần lượt tăng 3,2% và 1,3% sau thông tin ông Rupert Murdoch sẽ từ chức chủ tịch.
Khối lượng trên các sàn giao dịch của Mỹ là 10,76 tỷ cổ phiếu, cao hơn so với mức trung bình 10,12 tỷ cổ phiếu trong 20 ngày vừa qua.
Sau cuộc họp chính sách ngày 20/9, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã quyết định giữ nguyên lãi suất mục tiêu của quỹ liên bang ở phạm vi 5,25% -5,50%, đúng như mong đợi của các nhà kinh tế.
Tuy nhiên, các dự báo kinh tế đã được sửa đổi, bao gồm cả biểu đồ Dot Plot, cho thấy lãi suất sẽ vẫn ở mức cao trong năm tới, đánh bay hy vọng của nhiều người về việc nới lỏng chính sách trước 2025.
Thomas Martin, Giám đốc danh mục đầu tư cấp cao tại GLOBALT cho biết: “Lãi suất cao trong thời gian dài sẽ khiến hệ thống bị căng thẳng hơn và áp lực cũng lớn hơn đối với nền kinh tế. Rất có khả năng nền kinh tế sẽ không có cuộc hạ cánh nhẹ nhàng”.
Ông Martin giải thích thêm về áp lực kinh tế, chịu tác động bởi lãi suất cao, cùng với việc các khoản thanh toán khoản vay sinh viên được nối lại, cuộc đình công của UAW, rủi ro nợ công, lãi suất trái phiếu kho bạc leo thang, giá dầu thô và đồng USD mạnh lên.
Sự sụt giảm bất ngờ tới 9% trong số đơn xin trợ cấp thất nghiệp của Mỹ xuống mức thấp nhất trong 8 tháng, khiến Fed tin rằng thị trường lao động vẫn quá thắt chặt và nền kinh tế đủ kiên cường để chịu được lãi suất cao trong thời gian dài hơn.
“Cao hơn trong thời gian dài hơn” đã trở thành phương châm chung của các ngân hàng trung ương tại nhiều nền kinh tế lớn nhất thế giới khi việc thắt chặt chính sách nhằm kiềm chế lạm phát đang lên đến đỉnh điểm”, ông Thomas Martin nhận xét.
Trên thị trường năng lượng, giá dầu ổn định xuống mức thấp hơn sau phiên giao dịch biến động hôm 21/9, do lệnh cấm xuất khẩu nhiên liệu của Nga thu hút sự chú ý.
Giá dầu Brent kỳ hạn tháng 11 giảm 23 cent xuống 93,30 USD/thùng, trong khi dầu thô WTI của Mỹ giảm 3 cent xuống 89,63 USD. Cả hai điểm chuẩn đều tăng và giảm khoảng hơn 1 USD trong phiên.
Cùng ngày, chính phủ Nga đưa ra tuyên bố tạm thời cấm xuất khẩu xăng và dầu diesel sang tất cả các quốc gia ngoài hệ thống Liên Xô cũ nhằm ổn định thị trường nhiên liệu trong nước.
Trước đó vào 20/9, Fed đã tiết lộ dự định tăng lãi suất thêm 0,25 điểm phần trăm lên phạm vi 5,5-5,75% vào cuối năm nay. Điều này có thể làm giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế và nhu cầu nhiên liệu nói chung. Đồng USD tăng lên mức cao nhất kể từ đầu tháng 3, khiến dầu và các hàng hóa khác trở nên đắt hơn đối với người mua sử dụng các loại tiền tệ khác.