Chứng khoán Mỹ mất điểm sau cảnh báo của Fed về việc giữ lãi suất ở mức cao trong thời gian dài hơn

 Chứng khoán Mỹ đã mất đà trong phiên 20/9 sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ giữ nguyên lãi suất và điều chỉnh dự báo kinh tế với cảnh báo rằng cuộc chiến chống lạm phát còn lâu mới kết thúc…

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
Sàn giao dịch chứng khoán New York (NYSE)
Sàn giao dịch chứng khoán New York (NYSE)

Kết thúc phiên 20/9, chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones giảm 76,85 điểm (-0,22%) xuống 34.440,88 điểm, S&P 500 mất 41,75 điểm (-0,94%) còn 4.402,2 điểm và Nasdaq Composite trượt 209,06 điểm (-1,53%) xuống 13.469,13 điểm.

Trong số 11 lĩnh vực chính của S&P 500, dịch vụ truyền thông và công nghệ nhạy cảm với lãi suất chịu tổn thất lớn nhất.

Tất cả ba chỉ số chứng khoán lớn của Mỹ đều giảm điểm sau cuộc họp của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), trong đó các cổ phiếu vốn hóa lớn vốn nhạy cảm với lãi suất như Microsoft Corp, Apple Inc và Nvidia Corp kéo Nasdaq xuống mức giảm sâu.

Ở các diễn biến riêng lẻ, Pinterest tăng 3,1% sau khi công ty thông báo mua lại cổ phiếu lên tới 1 tỷ USD.

Coty lên 4,4% nhờ công ty mẹ CoverGirl tăng dự báo doanh thu cốt lõi hàng năm.

Cổ phiếu của công ty tự động hóa tiếp thị Klaviyo đã tăng 9,2% khi ra mắt trên Sở giao dịch chứng khoán New York (NYSE). Đây cũng là đợt IPO thứ ba tại Mỹ trong những ngày gần đây, nối tiếp sau Arm Holdings và Maplebear Inc.

“Niềm tin đang quay trở lại thị trường, bằng chứng là những đợt IPO lớn vừa qua. Đó là dấu hiệu cho thấy mọi thứ đang tiến gần hơn đến mức bình thường và đây là điều cần thiết ở giai đoạn này của chu kỳ kinh doanh”, ông Derek nhận định.

Tuy nhiên, Maplebear mất 10,7%, trong khi Arm Holdings cũng giảm 4,1%.

Khối lượng trên các sàn giao dịch của Mỹ là 9,73 tỷ cổ phiếu, thấp hơn so với mức trung bình 10,07 tỷ cổ phiếu trong 20 ngày giao dịch vừa qua.

Trong ngày 20/9, Fed đã đưa ra quyết định giữ nguyên lãi suất cơ bản, cùng với đó phát hành Tóm tắt dự báo kinh tế (SEP) và biểu đồ Dot Plot, trong đó dự kiến thêm một đợt tăng lãi suất cơ bản thêm 0,25 điểm phần trăm trong năm nay, đưa lãi suất quỹ đạt đỉnh trong khoảng 5,50% -5,75%.

Các dự báo cập nhật cho thấy lãi suất mục tiêu của quỹ Fed sẽ giảm xuống 5,1% vào cuối năm tới và xuống 3,9% vào cuối năm 2025. Cụ thể hơn, một số bình luận trong SEP đưa ra tín hiệu cắt giảm lãi suất 0,50 điểm phần trăm vào năm tới.

Kể từ khi Fed bắt đầu thắt chặt chính sách tiền tệ vào tháng 3/2022, lạm phát về cơ bản đã hạ nhiệt. Tuy nhiên, tốc độ giảm dần về mục tiêu 2% vẫn còn là khá chậm và không đồng đều. SEP dự kiến lạm phát sẽ giảm xuống 3,3% vào cuối năm và sớm đạt mục tiêu trung bình 2% của ngân hàng trung ương Mỹ.

Tại cuộc họp báo sau đó, Chủ tịch Fed Jerome Powell đã tiết chế trong những dự báo kinh tế lạc quan, thay vào đó cảnh báo rằng lạm phát vẫn còn một chặng đường dài phía trước.

Trên thị trường năng lượng, giá dầu đã giảm khoảng 1% xuống mức thấp nhất trong một tuần vào 20/9 sau khi Fed giữ lãi suất ổn định nhưng củng cố lập trường diều hâu với khả năng tăng lãi suất thêm một lần nữa vào cuối năm nay.

Giá dầu Brent kỳ hạn tháng 11 giảm 81 cent, tương đương 0,9%, xuống mức 93,53 USD/thùng. Đó là mức đóng cửa thấp nhất của Brent kể từ ngày 13/9.

Trong khi đó, dầu thô WTI kỳ hạn tháng 10 giảm 92 cent, tương đương 1,0%, xuống mức 90,28 USD/thùng. Giá WTI kỳ hạn tháng 11, tức tháng tiếp theo, giảm khoảng 82 cent xuống còn 89,66 USD/thùng.

Bất chấp giá giảm, dầu Brent vẫn nằm trong vùng “mua vượt mức” (overbought) về mặt kỹ thuật trong ngày thứ 14 liên tiếp, được đánh giá là chuỗi dài nhất kể từ năm 2012.

Các nhà phân tích tại công ty tư vấn năng lượng Ritterbusch and Associates nhận xét: “Sự kết hợp của việc tăng lãi suất, sức mạnh của đồng USD và giá dầu lên cao sẽ làm tăng khả năng xảy ra suy thoái”.

Có thể bạn quan tâm