Phố Wall chịu sức ép khi các cổ phiếu công nghệ lao dốc

Chứng khoán Mỹ kết thúc phiên 15/9 giảm mạnh khi các nhà sản xuất chip lo ngại về nhu cầu tiêu dùng suy yếu, trong khi lợi suất trái phiếu khi bạc tăng gây áp lực lên Amazon và các công ty tăng trưởng vốn hóa lớn khác…

Sàn giao dịch chứng khoán New York (NYSE)
Sàn giao dịch chứng khoán New York (NYSE)

Kết thúc phiên 15/9, chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones giảm 0,83% xuống 34.618,24 điểm, S&P 500 mất 1,22%, kết thúc ở mức 4.450,32 điểm và chỉ số Nasdaq trượt 1,56% xuống 13.708,34 điểm,

Tất cả 11 chỉ số ngành S&P 500 đều giảm, dẫn đầu là công nghệ thông tin giảm 1,95%, tiếp theo là hàng tiêu dùng không thiết yếu giảm 1,88%.

Trong tuần, S&P 500 giảm 0,16% và Nasdaq mất 0,39%. Riêng chỉ số Dow Jones tăng thêm 0,12%.

Trong số các cổ phiếu tăng trưởng siêu vốn hoá vốn nhạy cảm với lãi suất, Amazon và Microsoft đều mất hơn 2% trong khi Meta Platforms giảm mạnh 3,7%.

Cổ phiếu Adobe lao dốc 4,2% xuống mức thấp nhất trong hơn hai tuần khi nhà sản xuất phần mềm Photoshop tiết lộ chương trình giấy thương mại lên tới 3 tỷ USD vào ngày 8/9 theo sau kết quả quý 3.

Cổ phiếu Arm Holdings của SoftBank giảm 4,5% sau màn ra mắt bứt tốc trên Nasdaq vào 14/9, từng làm dấy lên kỳ vọng lạc quan về sự thay đổi trong thị trường IPO. Màn ra mắt mạnh mẽ của Arm đã thúc đẩy ứng dụng giao hàng tạp hóa Instacart tăng mức giá đề xuất cho đợt IPO của mình và nhắm mục tiêu vốn hoá lên tới 10 tỷ USD.

Các nhà sản xuất chip khác như Application Materials, Lam Research và KLA Corp cũng mất hơn 4% sau khi Reuters đưa tin TSMC đã yêu cầu các nhà cung cấp lớn trì hoãn việc giao hàng.

Nvidia giảm 3,7%, Advanced Micro Devices mất 4,8%, Broadcom và Micron Technology đều giảm hơn 2%, kéo chỉ số bán dẫn Philadelphia Semiconductor xuống khoảng 3% trong phiên. Làm dấy lên thêm lo ngại về nhu cầu chip suy giảm ở các nhà sản xuất ô tô, liên đoàn Công nhân United Auto đã phát động cuộc đình công tại các nhà máy của General Motors, Ford và công ty mẹ của Chrysler, Stellantis.

Neumora Therapeutics, được hỗ trợ bởi Amgen và SoftBank của Nhật Bản, đã có màn ra mắt ảm đạm ở mức 16,50 USD/cổ phiếu, thấp hơn định giá ban đầu là 17 USD. Cổ phiếu Neumora kết thúc ở mức 16,25 USD.

Khối lượng giao dịch trên các sàn giao dịch của Mỹ 16,9 tỷ cổ phiếu, cao hơn so với mức trung bình 9,8 tỷ cổ phiếu trong 20 phiên vừa qua.

Về khía cạnh kinh tế, dữ liệu mới đây cho thấy sản lượng công nghiệp của Trung Quốc đã tăng trưởng vượt dự kiến trong tháng 8, nhờ một loạt các biện pháp hỗ trợ gần đây đang dần ổn định lại quá trình phục hồi của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Trong khi đó, báo cáo công bố hôm 15/9 cũng chỉ ra doanh số bán lẻ của Mỹ tăng hơn dự kiến trong tháng 8, phần nào làm giảm bớt lo lắng về suy thoái kinh tế.

Lợi suất trái phiếu kho bạc tăng cao trước thềm cuộc họp chính sách của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vào tuần tới, trong bối cảnh ngân hàng trung ương phải đối mặt với nền kinh tế Mỹ mạnh mẽ và lạm phát vẫn cao hơn mục tiêu.

Theo công cụ CME FedWatch, các nhà giao dịch đặt cược vào việc Fed giữ lãi suất ổn định trong cuộc họp chính sách ngày 20/9 ở mức 97%, trong khi tỷ lệ dự đoán tạm dừng vào tháng 11 là 67%.

Trên thị trường năng lượng, giá dầu đạt mức cao nhất trong 10 tháng vào phiên 15/9 và ghi nhận tuần tăng thứ ba liên tiếp do nguồn cung thắt chặt, dẫn đầu bởi việc cắt giảm sản lượng của Arab Saudi kết hợp với sự lạc quan xung quanh nhu cầu của Trung Quốc.

Hợp đồng tương lai dầu Brent tăng 23 cent, tương đương 0,3%, đạt 93,93 USD/thùng, trong khi giá dầu thô WTI tăng 61 cent, tương đương 0,7%, đóng cửa ở mức 90,77 USD/thùng. Cả hai hợp đồng đều đã tăng khoảng 4% trong tuần.

Giá dầu cũng đang hướng tới mức tăng hàng quý lớn nhất kể từ khi cuộc chiến Nga-Ukraine xảy ra vào quý 1/2022.

“Lo ngại về nguồn cung tiếp tục là động lực thúc đẩy giá kể từ khi Arab Saudi và Nga tuyên bố gia hạn cắt giảm nguồn cung lên tới 1,3 triệu thùng/ngày từ nay cho đến cuối năm”, bà Fiona Cincotta, nhà phân tích tại City Index cho biết.

Bà Cincotta cho biết thêm, dữ liệu sản lượng công nghiệp và doanh số bán lẻ tốt hơn mong đợi ở Trung Quốc cũng đã thúc đẩy giá dầu trong tuần, với điều kiện kinh tế của nước này được coi là rất quan trọng đối với nhu cầu dầu trong thời gian còn lại của năm.

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm