Kết thúc phiên 6/9, chỉ số công nghiệp trung bình Dow Jones giảm 198,78 điểm, (-0,57%) xuống 34.443,19 điểm, S&P 500 mất 31,35 điểm (-0,70%) còn 4.465,48 điểm và Nasdaq Composite giảm 148,48 điểm (-1,06%) thành 13.872,47 điểm.
Trong số 11 lĩnh vực chính của S&P 500, ngành công nghệ nặng về tăng trưởng là ngành giảm mạnh nhất, mất 1,4%, trong khi các ngành như tiện ích và năng lượng lại dẫn đầu mức tăng, tăng lần lượt 0,2% và 0,1%.
S&P 500 cho thấy rất ít phản ứng trước báo cáo “Beige Book” của Fed về nền kinh tế Mỹ, chỉ một tuần trước khi dữ liệu lạm phát tháng 8 được công bố, theo sau đó là quyết định lãi suất của Fed vào ngày 20/9.
Báo cáo cho thấy tốc độ tăng trưởng kinh tế của Mỹ ở mức khiêm tốn trong những tuần gần đây trong khi tốc độ tăng trưởng việc làm chậm lại và lạm phát cũng hạ nhiệt ở hầu hết các vùng trên cả nước.
Vào cùng ngày, Viện Quản lý Cung ứng (ISM) cho biết Chỉ số PMI (chỉ số quản lý thu mua) phi sản xuất đã tăng lên 54,5 điểm vào tháng trước so với kỳ vọng là 52,5, trong khi thước đo giá mà các doanh nghiệp trong lĩnh vực dịch vụ phải trả cho đầu vào tăng lên.
Các nhà giao dịch đang đặt cược vào 93% khả năng Cục Dự trữ Liên bang sẽ giữ nguyên lãi suất sau cuộc họp vào ngày 20/9, trong khi kỳ vọng vào một đợt tạm dừng khác vào tháng 11 là khoảng 57%, Công cụ FedWatch của CME Group cho thấy.
Trong khi những người tham gia thị trường bày tỏ hy vọng về việc sớm cắt giảm lãi suất, thì giám đốc đầu tư tại văn phòng gia đình BMO Carol Schleif lại tin rằng dữ liệu mới cho thấy nền kinh tế vẫn mạnh mẽ và lạm phát sẽ không giảm nhanh như Fed mong muốn để có thể bắt đầu cắt giảm lãi suất bất cứ lúc nào trong tương lai gần.
Trước đó, Chủ tịch Fed Boston Susan Collins đã nhấn mạnh, ngân hàng trung ương cần phải tiến hành cẩn thận với các bước chính sách tiền tệ tiếp theo của mình.
Triển vọng lãi suất cao hơn gây áp lực đặc biệt lên các cổ phiếu tăng trưởng khi chỉ số tăng trưởng S&P 500 hoạt động kém hơn mức chuẩn trong suốt phiên. Các nhà đầu tư cũng đang phản ứng với việc lợi suất trái phiếu Kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm và 2 năm tăng cao.
Patrick Kaser, nhà quản lý danh mục đầu tư từ Brandywine Global, nhận xét: “Các cổ phiếu tăng trưởng được định giá với ý tưởng rằng lạm phát đã được kiềm chế tốt và Fed sẽ cắt giảm lãi suất. Nếu ý tưởng đó không thành hiện thực thì họ sẽ rất dễ bị tổn thương”.
Ngoài những lo ngại về lãi suất, Apple Inc, cổ phiếu đã giảm 3,6% trong ngày, còn chịu áp lực bởi một báo cáo cho biết Trung Quốc đã cấm các quan chức tại các cơ quan chính phủ trung ương sử dụng iPhone và các thiết bị mang nhãn hiệu nước ngoài để làm việc.
Cổ phiếu của Lockheed Martin mất 4,8% sau khi nhà sản xuất vũ khí Mỹ cắt giảm triển vọng giao hàng cho dòng máy bay phản lực F-35 của mình.
Khối lượng giao dịch trên các sàn giao dịch Mỹ là 9,39 tỷ cổ phiếu, thấp hơn so với mức trung bình 10,17 tỷ cổ phiếu trong 20 phiên gần đây.
Trên thị trường năng lượng, giá dầu tăng cao hơn vào 6/9, đảo ngược mức giảm đầu phiên do các nhà giao dịch dự đoán tồn kho dầu thô của Mỹ sẽ tiếp tục giảm sau tin tức cắt giảm sản lượng kéo dài ở Arab Saudi và Nga.
Hợp đồng tương lai dầu Brent tăng 56 cent lên 90,60 USD/thùng trong khi giá dầu thô WTI tăng 85 cent lên 87,54 USD/thùng.
Trong khi đó, chỉ số US dollar Index đã tăng lên mức cao nhất trong 6 tháng là 105. Đồng USD mạnh hơn có thể gây áp lực lên nhu cầu dầu khi dầu thô trở nên đắt đỏ hơn đối với những người nắm giữ các loại tiền tệ khác.