Kết thúc phiên 5/9, chỉ số công nghiệp trung bình Dow Jones giảm 195,74 điểm (-0,56%) xuống 34.641,97 điểm, S&P 500 mất 18,94 điểm (-0,42%) còn 4.496,83 điểm và Nasdaq Composite giảm 10,86 điểm (-0,08%) ở mức 14.020,95 điểm.
Trong số 11 lĩnh vực chính của S&P, năng lượng là ngành tăng mạnh nhất, tăng hơn 0,5% sau khi chạm mức cao nhất trong gần 7 tháng.
Lĩnh vực vật liệu và công nghiệp, vốn nhạy cảm về mặt kinh tế, hoạt động kém trong suốt phiên với mức giảm lần lượt là 1,8% và 1,7%. Ngành tiện ích nhạy cảm với lãi suất mất 1,5% và là lĩnh vực S&P yếu thứ ba trong ngày.
Chỉ số Dow Jones Transport kết thúc phiên trượt 2,2%, do cổ phiếu hàng không sụt giảm vì giá dầu tăng, đồng nghĩa với chi phí nhiên liệu cao hơn. Chỉ số hàng không S&P 1500 kết thúc thấp hơn 2,4%.
Trong khi cả ba chỉ số chứng khoán chính của Mỹ đều ghi nhận mức tăng trong tuần trước nhờ hy vọng Fed sẽ có những chiến lược ôn hoà hơn, thì tâm lý này đã phai nhạt vào phiên 5/9.
Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ tăng sau khi dữ liệu kinh tế mới cho thấy khả năng phục hồi tốt và Thống đốc Fed Christopher Waller cho biết điều đó có nghĩa là ngân hàng trung ương không cần sớm thay đổi lộ trình lãi suất.
Ông Paul Nolte, chiến lược gia thị trường tại Murphy & Sylvest Wealth Management, cho rằng sức mạnh gần đây của giá dầu là yếu tố cản trở nỗ lực của Fed nhằm đưa lạm phát trở lại mức 2%.
“Mọi người đều mong đợi Fed sẽ ngừng hẳn lại hoặc bắt đầu cắt giảm lãi suất. Điều đó có thể không xảy ra. Thị trường đang không chắn chắn xem nên rẽ Theo hướng nào”, ông Nolte nhận xét.
Công cụ FedWatch của CME Group cho thấy các nhà giao dịch đang đặt cược 93% Fed sẽ giữ nguyên lãi suất tại cuộc họp chính sách tháng 9 và đánh giá khoảng 54% khả năng tạm dừng lãi suất vào tháng 11.
Cùng với khối lượng giao dịch tương đối nhẹ nhàng sau kỳ nghỉ Lễ Lao động (9,54 tỷ cổ phiếu), ông Sam Stovall, chiến lược gia đầu tư trưởng tại CFRA Research, cũng lưu ý rằng Fed sẽ phải xem xét các dữ liệu sắp tới, ví dụ như chỉ số lạm phát trong tháng 8, trước khi đưa ra quyết định lãi suất vào cuối tháng này.
Ở các diễn biến cổ phiếu riêng lẻ, United Airlines đóng cửa giảm 2,5% sau khi mất tới 4,7% trước đó trong ngày do sự cố công nghệ thông tin trên toàn hệ thống khiến máy bay bị trì hoãn cất cánh trong vòng hơn một giờ.
Cổ phiếu của Airbnb tăng 7% và Blackstone lên 3,6% khi có tin cổ phiếu của họ sẽ gia nhập chỉ số S&P 500.
Cổ phiếu của Oracle thêm 2,5% sau khi Barclays nâng hạng công ty phần mềm từ tỷ trọng “tương đương" lên "thừa cân".
Về khía cạnh kinh tế, dữ liệu số đơn đặt hàng hóa sản xuất tại Mỹ đã giảm 2,1% trong tháng 7, chấm dứt chuỗi tăng kéo dài 4 tháng. Trong khi đó, ở một tin tức tích cực hơn, Goldman Sachs đã hạ ước tính về khả năng Mỹ xảy ra suy thoái trong 12 tháng tới từ mức 20% xuống 15%.
Trên thị trường năng lượng, giá dầu đã tăng 1 USD/thùng lên mức cao nhất kể từ tháng 11 trong phiên 5/9, sau khi Arab Saudi và Nga gia hạn cắt giảm nguồn cung tự nguyện đến cuối năm, khiến các nhà đầu tư lo lắng về khả năng thiếu hụt nguồn cung cho nhu cầu cao điểm vào mùa đông.
Hợp đồng tương lai dầu Brent tăng 1,04 USD, tương đương 1,2%, đạt 90,04 USD/thùng, lần đầu tiên đóng cửa trên mốc 90 USD kể từ ngày 16/11/2022. Hợp đồng tương lai dầu WTI của Mỹ tăng 1,14 USD, hay 1,3%, chốt phiên 86,69 USD/thùng, cũng là mức cao nhất trong 10 tháng.
Trước đó, các nhà đầu tư đã dự đoán Arab Saudi và Nga sẽ chỉ gia hạn cắt giảm sản lượng đến tháng 10, nhưng việc gia hạn thêm ba tháng nữa là hoàn toàn bất ngờ.
Jorge Leon, phó chủ tịch cấp cao của Rystad Energy cho biết: “Những động thái này sẽ thắt chặt đáng kể thị trường dầu mỏ toàn cầu và chỉ có thể dẫn đến một điều: giá dầu trên toàn thế giới tăng vọt”.
Cả Arab Saudi và Nga cho biết họ sẽ xem xét việc cắt giảm nguồn cung hàng tháng và có thể sửa đổi chúng tùy thuộc vào điều kiện thị trường.