Kết thúc phiên 15/3, chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones giảm 190,89 điểm (-0,49%) xuống 38.714,77 điểm. S&P 500 mất 33,39 điểm (-0,65%) thành 5.117,09 điểm và chỉ số Nasdaq Composite trượt 155,36 điểm (-0,96%) còn 15.973,17 điểm.
Các chỉ số chính đều ghi nhận mức giảm nhẹ trong tuần. Cụ thể, Dow Jones giảm 0,02%, S&P 500 giảm 0,1% và Nasdaq mất 0,7%. Chỉ số Russell 2000 vốn hóa nhỏ trượt 2,1% trong tuần.
Trong số 11 lĩnh vực thuộc S&P 500, công nghệ là ngành có mức giảm lớn nhất, giảm 1,3% trong ngày. Một trong những lực cản lớn nhất đối với chỉ số là cổ phiếu Microsoft, mất 2,1%. Trong khi đó, Hội nghị nhà phát triển GTC của Nvidia, sẽ diễn ra vào tuần tới, là sự kiện được toàn ngành công nghệ theo dõi chặt chẽ để biết thêm các tiến triển liên quan đến trí tuệ nhân tạo.
Chỉ số chất bán dẫn PHLX giảm 0,5% vào 15/3 và chứng kiến mức giảm phần trăm hàng tuần lớn nhất kể từ đầu tháng Giêng.
Cổ phiếu của Adobe lao dốc 13,7%, một ngày sau báo cáo về dự báo doanh thu quý hai thấp hơn ước tính, do cạnh tranh và nhu cầu yếu đối với nhiếp ảnh, minh họa và video tích hợp trí tuệ nhân tạo.
Trong số các cổ phiếu mất đà khác, Ulta Beauty trượt 5,2% vì dự báo lợi nhuận cả năm thấp hơn ước tính của Phố Wall, chịu ảnh hưởng bởi chi phí chuỗi cung ứng tăng cao và các chương trình khuyến mãi làm ảnh hưởng đến tỷ suất lợi nhuận của công ty.
Phiên thứ Sáu cũng đánh dấu ngày hết hạn đồng thời của các hợp đồng phái sinh hàng quý gắn liền với cổ phiếu, quyền chọn chỉ số và hợp đồng tương lai, còn được gọi là “bộ ba phù thủy”, những yếu tố có thể tăng khối lượng giao dịch.
Khối lượng giao dịch trên các sàn chứng khoán của Mỹ vào 15/3 là mức cao nhất trong năm với 18,76 tỷ cổ phiếu, lớn hơn nhiều so với mức trung bình 12,4 tỷ cổ phiếu trong 20 ngày giao dịch vừa qua.
Theo chia sẻ của ông Brent Kochuba, người sáng lập dịch vụ phân tích SpotGamma, đầu tuần này được khởi động với việc các vị thế quyền chọn của nhà đầu tư nghiêng về hợp đồng quyền mua (lệnh gọi - call contract) - thường có thể thể hiện xu hướng tăng giá. Tuy nhiên, việc S&P 500 không tăng nhanh chóng đã làm xói mòn giá trị của các quyền chọn mua, gây thêm áp lực giảm giá cho thị trường.
Trong khi cuộc phục hồi nhờ AI của Phố Wall bị đình trệ thì S&P 500 vẫn tăng 7,3% từ đầu năm đến nay.
Về khía cạnh kinh tế, trong số dữ liệu được công bố 15/3, có thể thấy sản lượng tại các nhà máy ở Mỹ tăng nhiều hơn dự kiến trong tháng 2, nhưng số liệu tháng 1 đã được điều chỉnh giảm mạnh do hoạt động sản xuất vẫn bị cản trở bởi lãi suất cao.
Ngoài ra, chỉ số sơ bộ của Đại học Michigan về tâm lý người tiêu dùng Mỹ chỉ đạt 76,5 trong tháng này, thấp hơn so với ước tính là 76,9 điểm.
Mọi con mắt hiện đang đổ dồn vào cuộc họp của Fed vào tuần tới và bất kỳ manh mối nào về triển vọng cắt giảm lãi suất của ngân hàng trung ương. “Chúng ta đang ở trong giai đoạn mà mọi người đều biết chắc rằng lãi suất cuối cùng sẽ được hạ xuống trong năm nay. Kỳ vọng về thời điểm điều đó xảy ra tiếp tục bị đẩy lùi một chút, nhưng các nhà đầu tư vẫn giữ vững niềm tin đó”, ông Rick Meckler, đối tác tại Cherry Lane Investments, nhận xét.
Trên thị trường năng lượng, giá dầu đảo chiều vào 15/3, một ngày sau khi đạt mức cao 85 USD/thùng lần đầu tiên kể từ tháng 11/2023.
Trong tuần giá được dự kiến sẽ kết thúc cao hơn 3% khi các nhà máy lọc dầu của Mỹ hoàn thành việc đại tu theo kế hoạch.
Hợp đồng tương lai dầu Brent giảm 9 cent hay 0,11% xuống 85,33 USD/thùng. Dầu thô WTI của Mỹ giảm 17 cent hay 0,21% xuống 81,09 USD/thùng.
“Nguồn cung nhiên liệu động cơ đang thắt chặt. Giá có khả năng tăng cao hơn”, Phil Flynn, nhà phân tích tại Price Futures Group, cho biết .
Tuy nhiên, ông Flynn nói thêm rằng vẫn có những lo ngại về việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ sẽ chưa sớm cắt giảm lãi suất vì lạm phát vẫn cao hơn mục tiêu 2% của ngân hàng trung ương.
Việc cắt giảm lãi suất được coi là cơ hội để tăng trưởng nhu cầu ở Mỹ.
Giá đã bị giới hạn trong hầu hết tháng trước, khoảng từ 80 đến 84 USD một thùng.
Nhưng mới đây, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) vào 14/3 đã nâng cao quan điểm về nhu cầu dầu năm 2024 lần thứ tư khi các cuộc tấn công của Houthi làm gián đoạn hoạt động vận chuyển trên Biển Đỏ. IEA lưu ý, nhu cầu dầu thế giới sẽ tăng 1,3 triệu thùng/ngày vào năm 2024, cao hơn 110.000 thùng/ngày so dự báo với tháng trước. Cơ quan này cũng bày tỏ lo ngại rằng nguồn cung sẽ thiếu hụt nhẹ trong năm nay nếu các thành viên OPEC+ duy trì việc cắt giảm sản lượng.