Phố Wall phục hồi khi Fed nhắc lại kỳ vọng cắt giảm lãi suất trong năm nay

Ba chỉ số chính của Phố Wall đóng cửa cao hơn vào 6/3 khi dữ liệu kinh tế và bình luận từ Chủ tịch Fed Jerome Powell củng cố kỳ vọng rằng ngân hàng trung ương Mỹ sẽ giảm lãi suất cơ bản trong năm nay…

Phố Wall phục hồi khi Fed nhắc lại kỳ vọng cắt giảm lãi suất trong năm nay

Kết thúc phiên 6/3, chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones tăng 75,86 điểm (+0,20%) lên 38.661,05 điểm, S&P 500 thêm 26,11 điểm (+0,51%) thành 5.104,76 điểm và Nasdaq Composite leo 91,96 điểm (+0,58%) đóng cửa ở mức 16.031,54 điểm.

9 trong số 11 lĩnh vực chính thuộc S&P 500 đều kết thúc trong sắc xanh, dẫn đầu là tiện ích - vốn nhạy cảm với lãi suất - tăng gần 1% và công nghệ thông tin tăng 0,9%. Hàng tiêu dùng không thiết yếu là ngành giảm nhiều nhất, trượt 0,4%.

Các công ty sản xuất chip phục hồi trở lại trên thị trường rộng lớn hơn sau khi hoạt động kém hiệu quả vào một ngày trước đó, với chỉ số bán dẫn Philadelphia tăng 2,4% lên mức đóng cửa cao kỷ lục lần thứ tư trong năm phiên.

Cổ phiếu niêm yết tại Mỹ của tập đoàn Trung Quốc JD.com tăng vọt 16,2% sau khi nền tảng thương mại điện tử này báo cáo doanh thu quý 4 cao hơn ước tính và mở rộng chương trình mua lại cổ phiếu.

Cổ phiếu của các công ty liên kết với tiền điện tử cũng lên giá, bao gồm mức tăng 10% của Coinbase Global và mức tăng 18,6% của MicroStrategy.

CrowdStrike Holdings leo thêm 10,8% nhờ dự báo kết quả hàng năm cao hơn ước tính của Phố Wall khi các doanh nghiệp chi mạnh tay hơn cho an ninh mạng để chống lại các mối đe dọa trực tuyến đang gia tăng. Tuy nhiên, đối thủ Palo Alto lại giảm 4%.

Gây áp lực lên chỉ số tiêu dùng, Tesla mất 2,3% và cũng là ngày giảm thứ ba liên tiếp. Một nghiên cứu từ Morgan Stanley đã hạ mục tiêu giá đối với cổ phiếu Tesla, nói rằng nhu cầu xe điện đang tiếp tục suy yếu ở các thị trường trọng điểm bao gồm cả Trung Quốc.

Khối lượng trên các sàn chứng khoán Mỹ là 12,54 tỷ cổ phiếu, cao hơn so với mức trung bình 12,06 tỷ cổ phiếu trong 20 phiên gần đây.

Trong bài phát biểu cho phiên điều trần trước quốc hội, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell cho biết lạm phát đã giảm đáng kể kể từ khi ghi nhận mức cao nhất trong 40 năm vào năm 2022, nhưng các nhà hoạch định chính sách vẫn cần các tín hiệu vững vàng hơn trước khi bắt đầu cắt giảm lãi suất.

Điều này một lần nữa khẳng định kỳ vọng của Fed về việc nới lỏng chính sách trong năm nay và nền kinh tế Mỹ dường như không tiến gần đến suy thoái, mặc dù ông tránh cam kết về một khoảng thời gian cụ thể vì tiến triển về lạm phát khó có thể được dự đoán chắc chắn.

“Chủ tịch Jerome Powell đã nói rằng Fed có thể thấy được việc cắt giảm lãi suất sẽ diễn ra trong năm nay. Đó là điều mà thị trường cần nghe. Dù rằng nó được diễn đạt bằng một số thuật ngữ hơi mơ hồ nhưng nhìn chung thông điệp là rõ ràng”, Quincy Krosby, chiến lược gia toàn cầu của LPL nhận xét.

Cùng với bài phát biểu của ông Powell, dữ liệu kinh tế cũng làm tăng hy vọng về việc cắt giảm lãi suất và niềm tin vào thị trường lao động. Khảo sát về cơ hội việc làm và tỷ lệ luân chuyển lao động (JOLTS) cho thấy cơ hội việc làm giảm nhẹ trong tháng 1, trong khi việc tuyển dụng cũng nhẹ nhàng hơn do điều kiện thị trường lao động tiếp tục hạ dần.

Mark Luschini, chiến lược gia đầu tư trưởng tại Janney Montgomery Scott cho biết: “Số lượng cơ hội việc làm giảm đi một chút nhưng vẫn khá lành mạnh và cho thấy thị trường lao động vẫn có vẻ khá ổn định”.

Báo cáo bảng lương phi nông nghiệp tháng 2 sẽ được công bố vào 8/3, dự kiến sẽ cung cấp thêm thông tin rõ ràng về tình hình thị trường lao động.

Trên thị trường năng lượng, giá dầu tăng khoảng 1% trong phiên 6/3 do dự trữ dầu thô của Mỹ tăng ít hơn dự kiến, lượng tồn kho sản phẩm chưng cất và xăng giảm mạnh.

Bên cạnh đó, phát biểu của Chủ tịch Fed Jerome Powell cũng mang lại sự lạc quan cho thị trường bởi lãi suất thấp hơn có thể làm tăng nhu cầu dầu bằng cách thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Hợp đồng tương lai dầu Brent tăng 92 cent, tương đương 1,1%, đạt 82,96 USD/thùng, trong khi dầu thô WTI tăng 98 cent, tương đương 1,3%, đạt 79,13 USD/thùng.

Đây là mức tăng đầu tiên của dầu Brent sau 5 ngày.

Đồng USD cũng trượt xuống mức thấp nhất trong một tháng so với các rổ tiền tệ khác sau bình luận của ông Powell. USD yếu hơn có thể thúc đẩy nhu cầu dầu bằng cách làm cho nhiên liệu rẻ hơn đối với người mua sử dụng các loại tiền tệ khác.

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm

S&P 500 và Nasdaq phục hồi, giá dầu bật tăng hơn 3%

S&P 500 và Nasdaq phục hồi, giá dầu bật tăng hơn 3%

Nasdaq và S&P 500 đã khép lại phiên giao dịch thứ Hai với mức tăng nhẹ, hồi phục một phần tổn thất sau nhiều phiên giảm trước đó. Các nhà đầu tư hiện đang háo hức chờ đợi báo cáo lợi nhuận quý của Nvidia…

TCBS thành công phát hành hơn 1,7 tỷ cổ phiếu, trở thành “quán quân” vốn điều lệ ngành chứng khoán

TCBS thành công phát hành hơn 1,7 tỷ cổ phiếu, trở thành “quán quân” vốn điều lệ ngành chứng khoán

Sau khi nâng vốn lên 19.613 tỷ đồng, TCBS vươn lên vị trí dẫn đầu trong ngành chứng khoán về vốn điều lệ, vượt qua Chứng khoán SSI. Tuy nhiên, “ngôi vương” này có thể sẽ sớm đổi chủ khi SSI đang triển khai chào bán 151,1 triệu cổ phiếu để tăng vốn điều lệ từ 18.130 tỷ đồng lên 19.641 tỷ đồng...

Thị trường chứng khoán Việt Nam biến động như thế nào trước hiệu ứng “Trump 2.0”

Thị trường chứng khoán Việt Nam biến động như thế nào trước hiệu ứng “Trump 2.0”

Đồng USD mạnh lên có thể khiến các nhà đầu tư nước ngoài rút vốn khỏi các thị trường mới nổi như Việt Nam để quay lại thị trường Mỹ. Điều này có thể dẫn đến việc chiết khấu định giá trên thị trường chứng khoán Việt Nam, tương tự như những gì xảy ra trong nhiệm kỳ đầu của ông Trump...

Xu hướng ngắn hạn vẫn nghiêng về chiều giảm

Xu hướng ngắn hạn vẫn nghiêng về chiều giảm

Mặc dù xu hướng trung hạn đang là đi ngang nhưng xu hướng ngắn hạn vẫn tiếp tục nghiêng về chiều giảm. Nhà đầu tư được khuyến nghị chỉ duy trì một vị thế nắm giữ ở mức an toàn và tránh các quyết định mua đuổi giá trong các nhịp hồi phục...