Chứng khoán Mỹ "xanh hy vọng" khi chờ đợi quyết định của Fed

Chứng khoán Mỹ kết thúc phiên 21/3 đầy tích cực khi lo ngại về lĩnh vực ngân hàng đã giảm bớt và thị trường hướng sự chú ý đến cuộc họp chính sách của Cục Dự trữ Liên bang (Fed)…
chứng khoán Mỹ

Chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones tăng 316,02 điểm, tương đương 0,98%, lên 32.560,6 điểm, chỉ số S&P 500 tăng 51,3 điểm, tương đương 1,30%, lên 4.002,87 điểm và chỉ số Nasdaq Composite tăng 184,57 điểm, hoặc 1,58%, thành 11.860,11 điểm. 

8 trong số 11 lĩnh vực chính trong S&P 500 đã kết thúc phiên giao dịch theo hướng tích cực, với cổ phiếu năng lượng, được thúc đẩy bởi giá dầu thô tăng, đạt mức tăng phần trăm lớn nhất. 

Ở các diễn biến cổ phiếu riêng lẻ, cổ phiếu của Ngân hàng First Republic tăng vọt 29,5%, mức tăng phần trăm lớn nhất từ trước đến nay trong một ngày của ngân hàng. Có được mức tăng này phần lớn nhờ vào tin tức Giám đốc điều hành JPMorgan Jamie Dimon đang dẫn đầu các cuộc đàm phán với các ngân hàng lớn khác để đầu tư vào First Republic, theo Wall Street Journal.

Peers PacWest Bancorp và Western Alliance Bancorp cũng tăng mạnh, lần lượt tăng vọt 18,8% và 15,0%.

Tesla Inc đã tăng 7,8% sau khi nhà sản xuất ô tô điện báo cáo một trong những quý tốt nhất của họ tại Trung Quốc, theo dữ liệu đăng ký ô tô.

S&P 500 ghi nhận 5 mức cao mới trong 52 tuần và 2 mức thấp mới; Nasdaq Composite ghi nhận 48 mức cao mới và 114 mức thấp mới.

Khối lượng trên các sàn giao dịch của Mỹ là 11,75 tỷ cổ phiếu, so với mức trung bình 12,63 tỷ cổ phiếu trong 20 ngày giao dịch gần đây.

Vào tuần trước, sự hỗn loạn trên tình hình ngân hàng tại Mỹ và châu Âu đã gây ra sự sụt giảm cổ phiếu ngành ngân hàng, làm dấy lên lo ngại về hiệu ứng lây lan trong lĩnh vực tài chính và gia tăng lo lắng về khả năng suy thoái kinh tế. Tuy nhiên, cổ phiếu ngành ngân hàng đã dần phục hồi trở lại trong những ngày gần đây. Dù vậy, chỉ số S&P Banks vẫn mất hơn 18% giá trị chỉ trong tháng này.

Cả SPXBK và chỉ số Ngân hàng khu vực KBW đều lần lượt tăng 3,6% và 4,8%, mức tăng phần trăm trong một ngày lớn nhất kể từ cuối năm ngoái.

Oliver Pursche, phó chủ tịch cấp cao của Wealthspire Advisors ở New York, nhận định: “Thị trường chứng khoán đang dần nhận ra rằng sự hỗn loạn trong ngành ngân hàng gần đây rốt cuộc không phải là một cuộc khủng hoảng và nó chỉ xảy ra đối với một số ít doanh nghiệp”. 

“Cả khu vực công và khu vực tư nhân đều cho thấy họ có nhiều khả năng hỗ trợ và củng cố các thể chế yếu kém”, ông Purshce nhấn mạnh. 

Mới đây trong bài phát biểu được chuẩn bị sẵn trước Hiệp hội Ngân hàng Mỹ, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen cho biết hệ thống ngân hàng nước này đã ổn định nhờ các hành động quyết đoán từ cơ quan quản lý, nhưng cảnh báo rằng chính phủ có thể cần thực hiện thêm một số động thái quyết liệt hơn.

Hiện tại, sự chú ý của thị trường đang chuyển sang cuộc họp chính sách của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) kéo dài hai ngày 21/3 - 22/3. Tại đó, các thành viên của Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) sẽ xem xét lại các dự báo kinh tế và rất có thể sẽ thực hiện một đợt tăng lãi suất khác. 

“Fed sẽ tăng lãi suất thêm 0,25 điểm phần trăm và thị trường sẽ không quan tâm,” ông Oliver Pursche dự đoán. 

"Tất cả sẽ xoay quanh tuyên bố của Chủ tịch Fed Jerome Powell về nền kinh tế và lạm phát. Có lẽ ông ấy cần thuyết phục được công chúng rằng những “tiếng ồn” trong ngành ngân hàng gần đây đơn thuần chỉ là vì sự quản lý yếu kém của chính doanh nghiệp, chứ không phải là hậu quả của các đợt tăng lãi suất của Fed”, ông Pursche nói thêm. 

Nhìn chung, các thị trường tài chính hiện đặt cược 83,4% khả năng tăng lãi suất 0,25 điểm phần trăm và 16,6% khả năng ngân hàng trung ương sẽ giữ nguyên lãi suất, theo công cụ FedWatch của CME Group.

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm